Nghiên cứu đa dạng các giống lúa địa phương tỉnh Quảng Nam dựa trên chỉ tiêu chất lượng và chỉ thị phân tử SSR

       Trong những năm gần đây, gạo Việt Nam có sức cạnh tranh kém và giá thành thấp hơn so với các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Campuchia…; nguyên nhân là do chất lượng gạo chưa đáp ứng ứng với nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Do đó, nhằm cạnh tranh, xây dựng được thương hiệu, bảo vệ chủ quyền quốc gia về tài nguyên thực vật; chúng ta cần tập chung vào phát triển gạo chất lượng, đặc sản có giá trị dinh dưỡng và sức khỏe cao. Một trong các hướng tiếp cận căn bản là tập chung nghiên cứu tuyển chọn giống lúa chất lượng từ bộ giống địa phương. Do đó, công tác đánh giá về chất lượng kết hợp với sử dụng chỉ thị phân tử là hướng đi phù hợp nhằm cung cấp vật liệu và thông tin cho công tác tuyển chọn, lai tạo chọn giống lúa góp phần bảo tồn, sử dụng và phát triển lúa bền vững ở Việt Nam.

       Quảng Nam là một trong những tỉnh có địa hình tương đối phức tạp bao gồm nhiều vùng sinh thái như vùng núi cao, trung du, đồng bằng và ven biển; điều này đã tạo ra cho Quảng Nam nguồn tài nguyên di truyền cây lúa phong phú với nhiều giống địa phương được trồng trọt từ rất lâu đời.

       Thông qua đánh giá một số chỉ tiêu chất lượng gạo của 80 mẫu giống lúa thu thập tại tỉnh Quảng Nam có 49 mẫu giống lúa thuộc loài phụ Japonica, tỷ lệ lúa nếp chiếm 52,5%. Phần lớn các mẫu giống có nhiệt độ hóa hồ trung bình. Hàm lượng amylose của các giống rất đa dạng từ 3,1- 22%, trong đó đa số là lúa nếp chiếm 52,5%. Thu được 18,7% mẫu giống có hương thơm. Từ kết quả đánh giá chất lượng gạo đã phát hiện được 15 mẫu giống có tiềm năng về hương thơm và hàm lượng amylose thấp hơn 20%.

       Kết quả đánh giá đa dạng di truyền sử dụng 20 chỉ thị SSR trên 80 mẫu giống lúa và 6 giống đối chứng thu được 120 alen khác nhau, số alen đa hình tại mỗi locut dao động là 3 đến 9 alen (trung bình đạt 6,0 alen/locut), phát hiện 01 alen đặc trưng có thể nhận dạng giống là Ba ka chah (SĐK17520) tại locut RM44. Hệ số đa hình di truyền PIC thu được tại các locut SSR biến động từ 0,49 đến 0,86, trung bình đạt 0,72.

       Hệ số tương đồng di truyền của các mẫu giống lúa nghiên cứu dao động từ 0,72 đến 0,88; ở mức tương đồng di truyền 72%, các mẫu giống nghiên cứu chia thành 2 nhóm; có 3 cặp giống có hệ số tương đồng di truyền cao nhất (0,88). Kết quả phân tích quan hệ giữa các mẫu giống lúa cho thấy các giống lúa có đặc tính thơm (aromatic) có xu hướng xếp thành các nhóm riêng biệt.

Chi tiết: xem tại đây

Đới Hồng Hạnh

Admin trang web Trung tâm Tài nguyên thực vật phiên bản Wordpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.