Điều tra thu thập quỹ gen cây trồng tại huyện Bắc Hà, Lào Cai

        Giống cây trồng nói riêng, Tài nguyên di truyền thực vật nói chung luôn đóng một vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng và tính đa dạng của các sản phẩm ngành trồng trọt. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên di truyền thực vật nước ta đã và đang đứng trước những khó khăn và thách thức lớn, nguy cơ xói mòn cao, thậm chí có thể làm mất đi vĩnh viễn những nguồn gen vô giá nếu chúng ta không sớm thực hiện một quá trình điều tra, thu thập và bảo tồn. Bắc Hà là huyện vùng cao tỉnh Lào Cai cách Hà Nội khoảng 300 km về phía Tây Bắc. Đi đôi với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông – lâm – tiểu thủ công nghiệp – dịch vụ của huyện là việc chuyển đổi những cây trồng bản địa truyền thống sang những giống cây trồng mới, dẫn đến sự mất đi những nguồn gen bản địa quí hiếm. Trong khuôn khổ “Dự án phát triển NHG cây trồng Quốc gia giai đoạn 2011-2015”, đoàn công tác số 02 đã tiến hành thu thập quỹ gen cây trồng tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai vào đầu tháng 12 năm 2011.

Công tác điều tra thu thập quỹ gen cây trồng được tiến hành tại 4 xã: Bản Phố, Nậm Mòn, Na Hối, Thải Giàng Phố của huyện Bắc Hà. Tại các địa phương này, thành phần dân tộc tương đối phong phú bao gồm: H’Mông, Dao, Nùng, Tày, Pa dí, Phù lá, Dáy, Thái… trong đó đồng bào dân tộc người H’Mông chiếm đa số. Địa hình phần lớn là đồi núi, đường giao thông đi lại rất khó khăn, tuy nhiên với sự nỗ lực và tinh thần trách nhiệm cao đoàn công tác đã hoàn thành nhiệm vụ với kết quả tương đối khả quan.

Qua điều tra cho thấy, thành phần loài cây trồng tại đây khá phong phú và đa dạng. Trên 250 mẫu giống của gần 50 loại cây trồng được thu thập đã chứng tỏ sự giàu có nguồn gen cây trồng địa phương của Bắc Hà.

 

TT

Nhóm

Số nguồn gen thu thập

Số loại cây trồng

1

Cây có củ

36

11

2

Đậu đỗ

56

10

3

Hoà thảo

72

6

4

Rau

96

20

Tổng

260

47

     Đi đôi với việc thu thập nguồn gen cây trồng, chúng tôi còn thu thập và lưu giữ những thông tin về nguồn gen, đặc biệt là những kiến thức bản địa và văn hóa sử dụng nguồn gen của từng dân tộc khác nhau. Đoàn thu thập cũng đã thu thập được nhiều kiến thức bản địa rất quý giá như: cách bảo quản đậu tương sau khi thu hoạch cho không bị mọt, cách bảo quản các hạt rau được treo trên gác bếp, cách để nấu được một bình rượu Ngô thơm ngon và có hương vị đặc trưng của rượu Ngô Bắc Hà, đặc sản của địa phương…Để tạo ra được loại rượu Ngô thơm ngon, đúng vị cần phải có những bắp ngô bản địa được tách hạt rồi đem bung ủ với men được chế từ hạt cây kê chân vịt (Hồng My).

Quá trình điều tra thu thập cũng cho thấy, sự xói mòn nguồn gen ở đây cũng đang diễn ra rất nhanh và luôn tỉ lệ thuận với tốc độ phát triển kinh tế. Đặc biệt là nguồn gen cây ngô và cây kê chân vịt (Hồng My), những nguồn gen này ở đây còn rất ít, chỉ lác đác ở một số hộ trên những bản vùng cao còn đang trồng và lưu giữ lại giá trị truyền thống này. Cũng bởi thế mà đến với Bắc Hà có rất nhiều loại rượu Ngô nhưng để thưởng thức được loại rượu Ngô thực sự mang hương vị Bắc Hà thì quả không phải là một điều dễ dàng. Ngoài ra, thông qua phỏng vấn đồng bào dân tộc còn cho biết có những nguồn gen đã mất đi vĩnh viễn và hiện hay không còn trồng nữa như: đậu rồng (đậu khía), bầu nậm, mướp đắng, mướp hổ…

Kết thúc chuyến thu thập, các cán bộ của đoàn cảm thấy rất vui vì đã góp một phần công sức vào việc thu thập những nguồn gen bản địa quý của địa phương mà còn điều tra những kiến thức bản địa quý giá của người dân nơi đây để bảo tồn và sử dụng cho mai sau.

Th.S Dương Thị Hồng Mai và cs

Đới Hồng Hạnh

Admin trang web Trung tâm Tài nguyên thực vật phiên bản Wordpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.