Kết quả nhân giống và đánh giá nguồn gen lúa ở Việt Nam

I- Đặt vấn đề

Bảo tồn hiệu quả tài nguyên di truyền thực vật phục vụ mục tiêu lương thực và nông nghiệp (TNDTTVNN) cần tiến hành đồng bộ bốn nhóm hoạt động liên quan rất mật thiết lẫn nhau bao gồm: Điều tra, kiểm kê, thu thập và nhập nội nguồn gen;  Lưu giữ nguồn gen; Đánh giá, tư liệu hoá nguồn gen và Thông tin, thúc đẩy khai thác và sử dụng bền vững nguồn gen.

Để việc bảo tồn tài nguyên di truyền thực vật (TNDTTV) có ý nghĩa, ngoài việc nhân giống phục vụ công tác lưu giữ nguồn gen thì nguồn gen cần được mô tả, đánh giá, tư liệu hóa chính xác và đầy đủ. Chỉ khi đó, nguồn gen mới có thể được khai thác sử dụng hiệu quả, nhất là trong tương lai. Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi chỉ tập trung vào giới thiệu công tác nhân giống và đánh giá nguồn gen lúa, một trong những cây trồng truyền thống chiếm vị trí quan trọng trong công tác bảo tồn tài nguyên di truyền thực vật và nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.

II- Kết quả nhân giống và đánh giá nguồn gen lúa ở Việt Nam

2.1. Kết quả nhân giống nguồn gen lúa ở Việt Nam giai đoạn 2011-2015

Trong số các hoạt động của công tác bảo tồn, nhân giống hay trẻ hóa hạt giống có lẽ là một trong những hoạt động có tác động lớn đến sự an toàn của các nguồn gen và cũng là công việc đòi hỏi đầu tư đắt đỏ về đất đai, công lao động, nguồn vật liệu và kế hoạch triển khai phức tạp.

Nhân giống ngân hàng gen giúp bổ sung, tăng nhanh, đủ số lượng, đảm bảo chất lượng và duy trì nguồn gen hiện có hoặc mới tạo ra thỏa mãn số lượng hạt giống cho bảo quản lưu giữ và cung cấp cho khai thác sử dụng.

Trong quá trình nhân tăng số lượng hạt cũng có thể thu thập thêm thông tin nguồn gen hoặc thu thập bổ sung thông tin ban đầu do trong quá trình thu thập còn thiếu như các giai đoạn sinh trưởng phát triển của nguồn gen, tìm hiểu các đặc trưng, đặc tính của nguồn gen. Ngoài ra qua hoạt động nhân giống cũng góp phần xác định những kỹ thuật phù hợp cho công tác nhân giống như chọn thời vụ gieo trồng nhân giống, chọn đất, chọn và bố trí khu thí nghiệm…

Trong giai đoạn 2011-2015, Trung tâm Tài nguyên thực vật đã phối hợp với các Viện, Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp tiến hành nhân 4.072 lượt nguồn gen lúa trên địa bàn cả nước. Kết quả thể hiện trong bảng 1

Bảng 1. Kết quả nhân giống nguồn gen lúa giai đoạn 2011-2015

tại Trung tâm Tài nguyên thực vật và các điểm sinh thái trên địa bàn cả nước

Đơn vị tính: lượt nguồn gen

Đơn vị triển khai/

Năm thực hiện

2011 2012 2013 2014 2015 Tổng cộng
Trung tâm Tài nguyên thực vật 200 237 200 705 900 2.242
Đơn vị phối hợp (*) 250 250 510 450 370 1.830
Tổng cộng 450 487 710 1.155 1.270 4.072

(*): Viện Cây lương thực-Cây thực phẩm (CLT-CTP), Viện KHKT NN duyên hải Nam Trung bộ, Viện nghiên cứu Bông và phát triển nông nghiệp Nha Hố, Viện KHKT NN miền Nam

2.2. Kết quả đánh giá nguồn gen lúa ở Việt Nam giai đoạn 2011-2015

Để việc bảo tồn TNDTTV có ý nghĩa, nguồn gen cần được mô tả, đánh giá, tư liệu hóa chính xác và đầy đủ. Chỉ khi đó, nguồn gen mới có thể được khai thác sử dụng hiệu quả, nhất là trong tương lai.

Đánh giá nguồn gen được thực hiện trong tất cả các giai đoạn thu thập và và bảo tồn nguồn gen thực vật. Quá trình đánh giá nguồn gen phân ra đánh giá ban đầu (sơ bộ) và đánh giá chi tiết.

2.2.1. Đánh giá ban đầu (characterization)

Đánh giá ban đầu là hoạt động mô tả quan sát, đo đếm các chỉ tiêu về đặc điểm hình thái, sinh vật học nguồn gen cây trồng thông qua việc tổng hợp các tính trạng có tính di truyền cao, dễ nhìn thấy bằng mắt thường và biểu hiện trong mọi môi trường.

Trên cơ sở phân tích các đặc điểm hình thái có thể phân nhóm tập đoàn theo một số đặc trưng đặc tính quan trọng để giới thiệu cho người sử dụng.

Nằm trong lộ trình đánh giá ban đầu đối với toàn bộ nguồn gen đang được bảo quản tại Ngân hàng gen cây trồng Quốc gia để hoàn thiện cơ sở dữ liệu. Trong giai đoạn 2011-2015, Trung tâm Tài nguyên thực vật đã tiến hành tập trung vào mô tả, đánh giá các đặc điểm hình thái và tính trạng nông sinh học đối với 4.050 lượt  nguồn gen lúa tại Hoài Đức, Hà Nội; Hữu Lũng, Lạng Sơn; Hải Hậu, Nam Định; Viện Cây lương thực-Cây thực phẩm (Hải Dương), Viện KHKT Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ (Bình Định) và Viện Nghiên cứu Bông và phát triển Nông nghiệp Nha Hố (Ninh Thuận). Kết quả thể hiện trong bảng 2.

Bảng 2. Kết quả đánh giá ban đầu nguồn gen lúa giai đoạn 2011-2015

tại Trung tâm tài nguyên thực vật và các điểm sinh thái trên địa bàn cả nước

Đơn vị tính: lượt nguồn gen

Đơn vị triển khai/

Năm thực hiện

2011 2012 2013 2014 2015 Tổng cộng
Trung tâm Tài nguyên thực vật 0 209 450 710 281 1.650
Đơn vị phối hợp (*) 0 1.500 700 0 200 2.400
Tổng cộng 0 1.709 1.150 710 481 4.050

(*): Viện CLT-CTP, Viện KHKT NN duyên hải Nam Trung bộ, Viện nghiên cứu Bông và phát triển nông nghiệp Nha Hố, Viện KHKT NN miền Nam

2.2.2. Đánh giá chi tiết

Đánh giá chi tiết hay còn gọi là đánh giá sâu, gồm các nội dung cụ thể như sau:

– Đánh giá tính chống chịu với điều kiện bất thuận: chống chịu sâu bệnh, chịu mặn, chịu hạn…

– Đánh giá/phân tích chất lượng nguồn gen cây trồng: gồm xác định hàm lượng đường, hàm lượng protein, hàm lượng tinh bột, hàm lượng vitamin, hàm lượng chất béo và một số đặc điểm chất lượng khác

– Đánh giá đa dạng di truyền: gồm sử dụng chỉ thị hình thái, sử dụng chỉ thị hóa sinh học và phân tích đa dạng di truyền sử dụng chỉ thị phân tử ADN.

Trong giai đoạn 2011-2015, Trung tâm Tài nguyên thực vật đã phối hợp với các đơn vị nghiên cứu đánh giá chi tiết được 4.498 lượt nguồn gen lúa. Kết quả thể hiện qua bảng 3

Bảng 3. Kết quả đánh giá chi tiết nguồn gen lúa giai đoạn 2011-2015

Đơn vị tính: lượt nguồn gen

Nội dung tiến hành/

Năm thực hiện

2011 2012 2013 2014 2015 Tổng cộng
Đánh giá đa dạng di truyền 242 270 90 180 160 942
Phân tích chất lượng nông sản/phân loài phụ 300 350 250 600 650 2.150
Chống chịu sâu bệnh (đạo ôn, bạc lá, rầy nâu) 0 550 256 0 0 806
Chống chịu điều kiện bất thuận (han, mặn) 0 250 250 50 50 600
Tổng cộng 542 1.420 846 830 860 4.498

         Kết quả đánh giá ban đầu kết hợp với kết quả đánh giá chi tiết nguồn gen là phần thông tin không thể thiếu đối với vật liệu khởi đầu, là phần giá trị phi vật thể quan trọng của nguồn gen, cần thiết phải được thu thập, tư liệu hóa và quản lý hiệu quả để cung cấp cùng với nguồn gen; chỉ khi đó nguồn gen mới có thể được sử dụng và khai thác hiệu quả.

III- Kết luận

Trong giai đoạn 2011-2015, Trung tâm Tài nguyên thực vật đã phối hợp với các đơn vị nghiên cứu trong toàn hệ thống nhân và trẻ hóa 4.072 lượt nguồn gen lúa tại các vùng sinh thái phù hợp trong cả nước. Để hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý cũng như thu thập thêm thông tin để thúc đẩy công tác khai thác, sử dụng nguồn gen, trong giai đoạn này đã tiến hành đánh giá ban đầu 4.050 nguồn gen và đánh giá chi tiết 4.498 nguồn gen. Những số liệu mô tả, đánh giá này đã bổ sung thêm thông tin, cơ sở khoa học để giới thiệu những nguồn gen triển vọng ra sản xuất.

Ths. Vũ Linh Chi & cs

Đới Hồng Hạnh

Admin trang web Trung tâm Tài nguyên thực vật phiên bản Wordpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.