Mối quan hệ giữa mô hình kinh tế vườn và đa dạng cây trồng trong vườn gia đình tại ba điểm sinh thái miền Bắc Việt Nam

   Tài nguyên di truyền thực vật được đánh giá là loại tài sản vô giá của loài người, chúng tồn tại và phát triển song song với những tiến bộ và sự thay đổi của xã hội loài người. Trong các quá trình phát triển kinh tế xã hội, nguồn tài nguyên này ngày càng khẳng định được ví trí quan trọng không thể thay thể của nó. Tuy nhiên hiện nay nguồn tài nguyên này đang bị khai thác và sử dụng quá mức, đòi hỏi cần có những nghiên cứu đánh giá đúng đắn.
     Hiện nay các nghiên cứu chia bảo tồn lưu giữ an toàn tài nguyên di truyền thực vật ra thành hai phần nổi bật là bảo tồn in-situ và ex-situ. Bảo tồn cây trồng trong vườn gia đình là một hình thức của bảo tồn in-situ và là một trong những địa chỉ tin cậy cho việc bảo tồn sử dụng bền vững nguồn gen cây trồng. Trong vườn gia đình (VGĐ), nguồn gen được lưu trữ dưới dạng vật thể sống nên chúng thích ứng với những biến đổi tự nhiên, đồng thời là nguồn vật liệu di truyền sẵn có phù hợp với nhu cầu tạo giống cấp thời.
     Ngoài những giá trị về khoa học, tài nguyên thực vật trong VGĐ còn được sử dụng như là phương kế kiếm sống của nông dân đặc biệt là hộ nghèo ở các khu vực nông thôn. Chính tài nguyên cây trồng trong VGĐ trở thành nguồn nguyên nhiên liệu chính để phát triển mô hình kinh tế vườn. Nhiều mô hình kinh tế vườn như vườn ao chuồng (VAC), vườn ao chuồng đồi (VACD)… đẵ khẳng định được hiệu quả kinh tế xã hội và môi trường hơn hẳn các mô hình kinh tế khác. Các mô hình kinh tế vườn tổng hợp còn giữ vai trò quan trọng cho quá trình đối phó với sự thay đổi khí hậu hiện nay. Sự vượt trội trên là do sự đó góp to lớn của chính sự giàu có về đa dạng sinh học đặc biệt là tài nguyên thực vật.
     Xuất phát từ thực tế trên chúng tôi tiến hành nghiên cứu “Mối quan hệ giữa mô hình kinh tế vườn và đa dạng cây trồng trong VGĐ tại ba điểm sinh thái miền Bắc Việt Nam”. Bài viết sẽ đánh giá sự đa dạng nguồn gen cây trồng trong mối liên quan giữa các mô hình kinh tế vườn nhằm phát triển VGĐ thành điểm bảo tồn in-situ bền vững nguồn gen cây trồng cũng như đề xuất giải pháp bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên thực vật trong VGĐ.
     Tại Nho Quan, mô hình VAC là mô hình vườn có tần suất xuất hiện giống cây trồng ở các nhóm cao nhất. Đối với CAQ có tới 31 giống xuất hiện trong mô hình VAC, 16 giống xuất hiện trong mô hình vườn ao (VA) và vườn chuồng (VC). Đồng thời khi áp dụng mô hình này thì các hộ gia đình đều trồng tất cả các loại cây bởi vì tính phù hợp của loại hình kinh tế vườn này.
     Tại Kỳ Sơn, tất cả các nhóm giống cây trồng đều được hộ nông dân trồng ở tất cả các mô hình được áp dụng, nhưng do ưu điểm về diện tích nên số cây trồng trung bình xuất hiện cao ở mô hình chỉ có vườn (V), cao nhất là các nhóm Rau, cây thuốc, cây cảnh và cây khác. Sự chênh lệch xuất hiện của các nhóm cây trong các mô hình nhìn chung không có sự chênh lệch lớn.
     Tại Hải Hậu, trong các nhóm cây chính như CAQ, rau, gia vị và cây có củ thì cũng không có sự chênh lệch về số giống trong cả bốn mô hình kinh tế vườn. Ở các nhóm cây khác như cây thuốc, cây cảnh và cây khác thì số giống xuất hiện trong mô hình VAC chiếm đa số. Đối với nhóm cây cảnh thì số giống trong mô hình vườn chuồng (VC) chiếm cao nhất là 11 giống.
     Qua phân tích ta thấy biến động số giống trong VGĐ theo mô hình vườn ở các nhóm cây tại các điểm sinh thái nhìn chung là cao. Mô hình VAC thì số giống ở nhóm CAQ dao động là cao nhất tại Nho Quan là từ 4 – 31 giống và tại Hải Hậu là 4 – 20 giống. Tại Kỳ Sơn biến động số giống trong mô hình V ở nhóm cây thuốc là cao nhất từ 1 – 31 giống. Như vậy thấy rõ là với mỗi vùng sinh thái khác nhau tuỳ thuộc vào các điều kiên tự nhiên kinh tế xã hội khác nhau mà có các mô hình kinh tế vườn khác nhau và sự đa dạng các giống trong các mô hình cũng khác nhau. Vậy từ mỗi vùng khác nhau ta chọn ra các mô hình vườn phù hợp làm điểm bảo tồn in-situ các giống cây trồng ở các nhóm cây trồng khác nhau.
      Kết quả điều tra cho thấy:
     – Cả ba điểm có sự đa dạng cao tài nguyên cây trồng trong đó vườn có mô hình kinh tế VAC có sự đa dạng cao nhất ở vùng đồng bằng và trung du. Ngược lại vườn có mô hình V ở miền núi có sự đa dạng cao nhất.
     – Có sự phong phú về mô hình làm vườn tại các điểm nghiên cứu trong đó mô hình VAC là mô hình có sự tồn tại bền vững của giống cây trồng trong trong các nhóm cây trong vườn tại điểm nghiên cứu ở đồng bằng và trung du. Ngược lại tại điểm miền núi thì mô hình V. Đây là cở sở cho việc lựa chọn các mô hình vườn phục vụ bảo tồn in-situ cây trồng trong vườn.
     – Sự biến động về số giống cây trồng trong mô hình VAC ở nhóm CAQ tại vùng đồng bằng và trung du là cao nhất và tại miền núi thì sự biến động số giống cây thuốc trong mô hình V là cao nhất.
Xem báo cáo chi tiết tại đây
ThS. Đinh Văn Đạo & cs

Đới Hồng Hạnh

Admin trang web Trung tâm Tài nguyên thực vật phiên bản Wordpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.