Sàng lọc chỉ thị phân tử liên kết gen kháng bệnh đạo ôn phục vụ chọn giống dựa vào chỉ thị phân tử (MAS) tại Việt Nam

    Bệnh đạo ôn do loại nấm ký sinh có tên khoa học là Pyricularia oryzae Cavara gây ra, là một trong những loại bệnh hại chính trên cây lúa ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Các công trình nghiên cứu đã cho thấy sử dụng các giống lúa kháng bệnh là cách hiệu quả nhất để kiểm soát bệnh đạo ôn. Cho đến nay đã có khoảng 100 gen kháng và 347 QTL được phát hiện trên hệ gen lúa. Các nghiên cứu cũng cho thấy một số nhiễm sắc thể (NST) tập trung khá nhiều gen kháng bệnh đạo ôn. Có tới 23 gen kháng được định vị trên NST số 11, trong đó locut Pik có 6 alen bao gồm Pik, Pik-s, Pik-p, Pik-m, Pik-h, Pik-g. Các bộ giống lúa chỉ thị gồm các dòng mang đơn gen kháng bệnh đạo ôn trên nền giống lúa nhiễm chuẩn (LTH, CO39, US2) đã được phát triển phục vụ cho nghiên cứu nguồn gen kháng bệnh và chọn giống. Những bộ giống này đã được trao đổi và sử dụng hiệu quả giữa các nước tham gia mạng lưới “Nghiên cứu bệnh đạo ôn phục vụ sản xuất lúa gạo bền vững” do JIRCAS Nhật Bản phối hợp với Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) chủ trì. Hướng nghiên cứu của các quốc gia chủ yếu tập trung vào việc sử dụng những gen kháng phổ rộng, quy tụ nhiều gen kháng và cả các QTL vào cùng một giống bằng phương pháp chọn giống có sự trợ giúp của chỉ thị phân tử.

Những khảo sát ban đầu cho thấy nhiều giống lúa đang được trồng phổ biến tại Việt Nam đều có hiện tượng nhiễm bệnh đạo ôn như BC15, Bắc thơm 7, Khang dân… Vì vậy việc cải tiến các giống lúa trồng chủ lực theo hướng tăng cường tính kháng bệnh đạo ôn luôn được các nhà chọn giống trong nước quan tâm nghiên cứu. Chính vì vậy, nghiên cứu “Sàng lọc chỉ thị phân tử liên kết gen kháng bệnh đạo ôn phục vụ chọn tạo giống lúa kháng bệnh tại Việt Nam” sẽ tạo tiền đề cho việc ứng dụng chỉ thị phân tử trong chọn tạo giống lúa kháng bệnh đạo ôn hiệu quả tại Việt Nam.

Trong nghiên cứu này, các chỉ thị phân tử được công bố liên kết với gen kháng bệnh đạo ôn trên nhiễm sắc thể số 11 đã được thu thập từ cơ sở dữ liệu Gramene, các bản đồ liên kết và các công trình quốc tế đã công bố trên thế giới. Những chỉ thị này được sàng lọc nhằm tìm kiếm các chỉ thị cho đa hình giữa hai giống lúa phổ biến tại Việt Nam (BC15 và Bắc Thơm 7) với 6 dòng NIL IRBL1-CL, IRBL7-M, IRBLk-Ku; IRBLkh-K3; IRBLkm-Ts; IRBLkp-K60 mang đơn gen kháng bệnh đạo ôn Pi1, Pi7(t), Pik, Pik-h, Pik-m Pik-p do IRRI cung cấp. Kết quả nghiên cứu đã xác định được ba chỉ thị RM1233, RM224 và RM7654B cho đa hình liên kết với gen kháng bệnh và có thể sử dụng cho việc chọn lọc các giống kháng bệnh nhờ chỉ thị phân tử (MAS). Chỉ thị RM1233 dùng để sàng lọc những cá thể mang gen kháng Pi1, Pi7 Pik-p; Chỉ thị RM244 dùng để sàng lọc những cá thể mang gen kháng Pi1, PikPik-h; Chỉ thị RM7654B dùng để sàng lọc những cá thể mang gen kháng Pi1Pik.

Xem bài báo chi tiết tại đây

 

Nguyễn Thị Nhài, Nguyễn Thị Thanh Thủy

Đới Hồng Hạnh

Admin trang web Trung tâm Tài nguyên thực vật phiên bản Wordpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.