Đi tìm sự thực trong một câu ca dao
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn
– Đào tơ sen ngó xanh xanh
Ngọc lành còn đợi giá lành đẹp duyên
-Hoa sen mọc bãi cát lầm
Tuy rằng lấm láp vẫn mầm hoa sen
-Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen…
Riêng cái chữ “cành hoa sen” trong câu ca dao “hôm qua tát nước…” gây cho tôi bao phân vân bởi lẽ hoa sen mà tôi biết từ trước đến giờ thì làm gì có “cành”. Vậy nên tôi đành chấp nhận nó như là một biện pháp nghệ thuật, coi đó là cái cớ để chàng trai bày tỏ tình cảm với cô gái mà mình thầm mong trộm nhớ. Rồi sự phân vân của tôi cũng được giải đáp phần nào khi tôi đọc được một bài báo “ba chữ còm” của nhà báo Lê Bầu. Trong bài báo này tác giả nhắc đến một bài báo mà ông đã từng đọc viết về loại hoa sen có cành trồng ở Đà Lạt có tên là Mộc phù dung (木 芙 蓉). Tuy nhiên, tôi vẫn chưa có điều kiện xác định lại tính chính xác của thông tin trên. Vậy thì các câu ca dao nói về hoa sen trên thực sự là đang nói về một loại cây hay là có hai loại cây sen?
Sau này khi công tác trong lĩnh vực bảo tồn, tôi có điều kiện tìm hiểu thêm về cây hoa sen đã gây cho tôi bao phân vân ấy.
Loài hoa sen rất phổ biến mà chúng ta thường thấy là Sen nước. Về mặt thực vật học, Sen nước (Nelumbo nucifera (Gaertn.)) thuộc họ Sen – Nelumbonaceae. Đây là một loại cây mọc ở nước, có thân rễ hình trụ (Ngó Sen), từ đó mọc lên những lá có cuống dài. Hoa to màu trắng hay đỏ hồng, có nhiều nhị và những lá noãn rời.
Hầu hết các bộ phận của Sen nước (lá, hoa, hạt, ngó sen, gương sen, tâm sen) đều có công dụng như một vị thuốc: Lá sen trị say nóng, viêm ruột, nôn ra máu dạ dày, chảy máu cam, và các chứng chảy máu khác; chữa chứng béo phì. Tâm sen chữa huyết áp cao, hồi hộp, mất ngủ…
Hoa sen nước còn có tên gọi khác như hà hoa (荷 花),liên (hoa) (蓮(花)),hạm đạm(菡 萏), phù cừ (芙 蕖), thủy chi (水 芝) thủy phù dung (水 芙 蓉 ). Về mặt Hán ngữ các tên trên đều mang bộ thảo(++) chứ không phải bộ mộc( 木) điều đó như muốn ám chỉ rằng hoa sen thân “thảo” chứ không phải thân “mộc”, là loại cây không có cành để chàng trai có thể “bỏ quên chiếc áo” của mình được. Điều này lại gây cho tôi phân vân phải chăng thắc mắc của tôi là sai?
Cho đến một hôm tôi tình cờ đọc được bài báo tôi không nhớ rõ tên nói về cây “Sen đất” là cây hoa sen có cành đang thật sự tồn tại ở chùa Bối Khê thuộc địa phận của xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. Vậy là đã rõ, cây sen có cành là có thật cũng như “chiếc áo sứt chỉ đường tà” mà anh chàng “tát nước đầu đình” bỏ quên trên đó chứ không phải là một biện pháp nghệ thuật văn học. Theo chỉ dẫn của bài báo trên, chúng tôi đã có chuyến thực tế đến chùa Bối Khê. Thầy Phượng, trụ trì chùa Bối Khê cho biết: cây sen gốc đã bị chết vì già cỗi, hiện giờ thì chỉ còn 3 cây con được chiết ra từ cây gốc đó. Chúng tôi đã ảnh hóa và tiến hành phân loại sơ bộ cây “Sen đất” và nhận thấy cây “Sen đất” của chùa Bối Khê thuộc loài Magnolia grandiflora thuộc phân lớp Mộc lan (Magnoliidae), họ Mộc lan (Magnoliaceae). Theo cuốn “Từ điển thực vật thông dụng” tập 2 của Võ Văn Chi thì cây “Sen đất” còn có tên khác là: Dạ hợp hoa to. Cây có tán lá đẹp, hoa đẹp và thơm. Mùa hoa tháng 7-10 (Tuy nhiên theo thầy Phượng và quan sát của chúng tôi thì hoa nở vào khoảng tháng 4 -5 (cuối tháng 3 đến cuối tháng 4 âm lịch). Lá dùng chữa bệnh cao huyết áp. Vỏ cây kích thích và có tính bổ. Ở Ấn Độ, vỏ cây được dùng trị sốt rét và thấp khớp. Ở Trung Quốc, lá được dùng trị huyết áp cao. Hoa có tinh dầu, có thể chiết để chế dầu thơm.
Như vậy phải chăng là các câu ca, dao, tục ngữ trên đang thực sự nói về hai loại cây sen khác nhau như chúng tôi đã phân tích trên, chúng tôi rất mong được sự đóng góp ý kiến của độc giả, các chuyên gia để cho vấn đề trở nên rõ ràng hơn.
Dưới đây là một số hình ảnh của 2 loại Sen mà chúng tôi tạm gọi là Sen nước và Sen đất:
Sen nước | Sen cạn |
Tác giả :Nguyễn Chí Tín, Nguyễn Tiến Hưng