Phương pháp làm giàn che nắng để lưu giữ an toàn tập đoàn khoai môn sọ và khoai mùng tại An Khánh
Cây khoai môn sọ và khoai mùng là cây ưa ánh sáng tán xạ, chúng sinh trưởng, phát triển kém dưới ánh sáng trực xạ. Quá trình sinh trưởng và phát triển của tập đoàn bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm ở vùng đồng bằng sông Hồng.
Những năm gần đây với sự thay đổi bất thường của thời tiết thì hai nhóm cây trên càng bị ảnh hưởng nặng nề bởi nắng nóng gay gắt. Cây sinh trưởng và phát triển kém, khả năng phục hồi chậm ảnh hưởng đến sự hình thành củ, do đó nguy cơ xói mòn nguồn gen là điều không thể tránh khỏi.
Trước thực trạng trên, chúng tôi đã tiến hành biện pháp làm giàn che nắng trên cây khoai môn sọ và khoai mùng tại An Khánh. Mục đích để tạo bóng mát cho khoai, giúp cây phát triển tốt, hạn chế cỏ dại, giữ được độ ẩm, độ tơi xốp trong đất. Đồng thời tìm ra phương pháp lưu giữ an toàn cho tập đoàn cây khoai môn sọ và khoai mùng.
Vật liệu và phương pháp làm giàn
Vật liệu: Cọc tre dài 2,2m, nứa nguyên cây, phên phơi miến (cũ) và dây thép
Cách làm:
Chôn cọc tre sâu 40 cm, mỗi hàng cọc cách nhau 2 – 2,5 m, khoảng cách giữa các cọc là 3,5 – 4m. Cọc chôn ở các góc được chèn bằng gạch vỡ để chắc chân không bị nghiêng, đổ khi gặp mưa bão.
Tạo khung của giàn bằng cách buộc dây thép chằng các cây nứa với các hàng cọc tre dọc luống khoai và căng dây thép đan xen trong khung để làm giá đỡ phên. Trải phên phủ kín khung giàn, các phên cần sếp gối vào nhau và các phên được gắn với nhau bằng dây thép.
Ưu điểm của giàn mái che bằng phên cho cây khoai môn sọ và khoai mùng
Tạo bóng mát cho khoai, giúp cây phát triển tốt, hạn chế cỏ dại, tăng độ ẩm và độ tơi xốp trong đất.
Giàn che bằng loại phên được đan bằng nứa, có lỗ thoáng kích thước 2 x 3 cm, nhiệt độ dưới giàn giảm 2 – 3OC so với ngoài trời. Giàn có độ thoáng khí cao, tạo được ánh sáng tán xạ cho cây nên cây phát triển tốt, khỏe mạnh, cây có màu xanh thẫm, cây không bị vóng. Khi thời tiết có mưa các luống khoai dưới giàn vẫn nhận được nước mưa qua lỗ thoáng.
Tuy giàn là một khối liền nhưng do có các lỗ thoáng của phên nên khi trời có mưa bão giàn cũng không bị ảnh hưởng. Do giàn giữ được độ ẩm, độ tơi xốp của đất nên giảm được công làm cỏ và cỏ được làm sạch triệt để. Độ bền của giàn cao, có thể để lưu trên ruộng khoảng 2 năm nên giảm được chi phí trên 1 đơn vị diện tích.
Những điểm khác biệt nổi bật của sáng kiến làm giàn che nắng so với không làm giàn trong công tác lưu giữ tập đoàn khoai môn sọ và khoai mùng trong điều kiện nắng nóng được tóm tắt trong bảng 1 như sau:
Bảng 1: Những điểm khác biệt nổi bật giữa việc làm giàn và không giàn che nắng
cho tập đoàn khoai môn sọ và khoai mùng tại An Khánh, Hà Nội, 2015
TT | Yếu tố tác động | Không có giàn che | Có giàn che |
1 | Nắng nóng | Ánh sáng trực xạ, cây bị cháy lá, ruộng khô hạn. | Tạo ra ánh sáng tán xạ, không có hiện tượng bức xạ nhiệt. Thoáng khí, cây phát triển tốt, khỏe mạnh. |
2 | Gió bão | Cây bị nghiêng, đổ. | Chống chịu tốt, giàn không bị tốc, hỏng. Cây không bị nghiêng, đổ. |
3 | Nước mưa | Nhiều | Vừa phải |
4 | Cỏ dại | Nhiều cỏ dại, khó làm cỏ, tăng chi phí làm cỏ | Ít cỏ dại, dễ làm cỏ, giảm 1/3 chi phí làm cỏ. |
5 | Độ ẩm, độ tơi xốp của đất | Không có | Cao |
6 | Khả năng sinh trưởng, phát triển của cây và sự hình thành củ | 100% số cây bị héo, củ phát triển trung
bình – kém |
Cây không bị héo, củ phát triển tốt. |
7 | Tác động tới môi trường | Không gây hiệu ứng nhà kính |
Quá trình làm giàn mái che bằng phên cho cây khoai môn sọ và khoai mùng cho thấy: cần tìm được nguồn cung cấp vật liệu như: cọc tre, nứa, phên có giá cả hợp lý và chú ý tới chất lượng để tăng độ bền của giàn, giảm chi phí sản xuất.
Ý nghĩa lớn nhất của việc làm giàn mái che bằng phên cho cây khoai môn sọ và khoai mùng tại An Khánh là: đã giảm 1/3 chi phí làm cỏ, cây phát triển khỏe mạnh, củ phát triển tốt, không gây hiệu ứng nhà kính. Đây chính là giải pháp tối ưu giúp cho việc bảo tồn an toàn nguồn gen cây khoai môn sọ và khoai mùng tại An Khánh.
Từ mô hình làm giàn che này có thể áp dụng làm giàn che cho các cây có củ ưa bóng khác như: cây khoai nưa, cây dọc mùng, cây gừng, cây nghệ…
Mô hình này cũng có thể ứng dụng vào thực tiễn sản xuất của bà con nông dân bởi: vật liệu dễ mua, sử dụng công lao động phổ thông để thực hiện, giàn che thích ứng tốt trong điều kiện thời tiết nhiều mưa bão như ở nước ta. Đối với phương thức canh tác như trong sản xuất hiện nay thì giàn che có thể khấu hao trong khoảng 2 năm nên chi phí đầu tư sản xuất thấp.
Khoai mùng không giàn che | Khoai mùng dưới giàn che |
Trần Thị Ánh Nguyệt, Dương Thị Hạnh, Nguyễn Phùng Hà, Nguyễn Anh Vân