Bên trong ngân hàng gen giữ giống cho muôn đời dân Việt
Chuyện đằng sau cánh cửa thép
TS Trần Thị Thu Hoài – Trưởng Bộ môn Quản lý Ngân hàng gen và Thông tin Tài nguyên Thực vật thuộc Trung tâm Tài nguyên Thực vật (An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) bảo cán bộ của mình muốn vào phải mặc áo bông có mũ trùm đầu, quần bông, giầy, găng tay nhưng do chúng tôi vào một lát nên không cần thiết. Bởi thế mà bàn tay tôi nhanh chóng bị cứng lại, việc bấm máy cũng trở nên khó khăn, còn hơi thở cứ nghi ngút khói như ở giữa Bắc cực.
Xung quanh là những giá cao đến tận nóc, chật cứng các hộp nhôm mà muốn lấy để kiểm tra ở những tầng trên chỉ còn có cách phải dùng thang. Ngân hàng gen cây trồng quốc gia hiện đang lưu giữ 28.082 nguồn gen của 172 loài sinh sản bằng hạt trong đó có tập đoàn lúa địa phương được thu thập từ thập niên 70 – 80 của thế kỷ 20. Vì kho lạnh diện tích có hạn nên mỗi giống chỉ được số lượng 4.000 – 8.000 hạt (tương đương vài trăm gram).
Mẫu thu về được ghi thông tin, đối chiếu sự trùng lắp, hạ độ ẩm tới 5%, kiểm tra sức sống, đóng gói trong bao nhôm, chia làm hai phần cất ở hai kho, trung hạn nhiệt độ từ 0 đến 5°C (bảo quản được khoảng 30 năm) và dài hạn nhiệt độ từ âm 18 đến âm 20°C (bảo quản được khoảng 50 năm). Cứ định kỳ 4 – 5 năm lấy ra kiểm tra sức sống 1 lần, nếu giảm xuống dưới 85% lại đem đi “trẻ hóa” nhân giống ngoài ruộng rồi nhập lại kho. Hiện có những loại hạt được ngân hàng giữ đến 30 năm vẫn tốt nhờ xử lý mẫu theo đúng quy trình, đặc biệt ở khâu hạ độ ẩm hạt xuống tới 5%.
Lúc trở về, khi thấy tôi từ kho lạnh toan bước ra ngay, chị Hoài giơ tay ngăn lại bảo phải ở khu trung gian cỡ 20°C khoảng 10 phút kẻo sốc nhiệt.
Chị Hoài về đây công tác năm 1991, khi ngân hàng chưa thành lập mà chỉ là Bộ môn Thực vật Nông nghiệp thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam với mấy kho lạnh cũ kỹ và ọp ẹp. Có lần một buồng kho bị cháy, vênh hết cả khung nhôm khiến cho những thứ chứa bên trong hỏng toàn bộ. Rất may là mẫu đã được giữ kép trong hai buồng kho nên sự cố không ảnh hưởng đến số lượng lưu giữ.
Cứ mấy tháng lại phải chuyển kho một lần khiến cho cố PGS.TS Nguyễn Đăng Khôi – Phó viện trưởng, Phụ trách Bộ môn hồi ấy cũng phải lễ mễ bê mẫu. Hệ thống kho lạnh hiện đại này chỉ mới được đầu tư theo chương trình vay vốn ADB, bàn giao năm 2011 với trị giá khoảng 11 tỉ, hụt một nửa so với dự toán ban đầu. Mẫu ngày càng nhiều, diện tích kho có hạn, giữ mỗi loại với khối lượng ở mức tối thiểu mà đã sắp đầy.
Ngoài ngân hàng gen giữ trong kho lạnh còn có ngân hàng gen đồng ruộng hiện đang giữ 3.292 nguồn gen cây sinh sản vô tính của 20 tập đoàn như sắn, sắn dây, sen, dong riềng, khoai lang, khoai môn, cây thuốc và gia vị như gừng, nghệ, riềng… Do kinh phí hạn chế nên không thể triển khai việc lưu giữ kép ở hai nơi thành ra khá rủi ro.
Theo PGS.TS Lã Tuấn Nghĩa – Giám đốc Trung tâm Tài nguyên Thực vật, nguồn gen thực vật giống như những viên gạch để xây lên ngôi nhà lớn, chúng vừa phục vụ cho con người trong các lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, y tế, công nghiệp… vừa giữ môi trường sinh thái.
Ở nước ngoài, họ coi nguồn gen là tài sản quốc gia, đầu tư rất lớn. Chúng ta gần đây đã từng bước quan tâm đến nhưng kinh phí của Nhà nước cũng chỉ đáp ứng cỡ 20 – 30% so với nhu cầu, được những hoạt động cơ bản, máy móc tối thiểu nhất.
Còn những điều thực sự Trung tâm muốn làm để bảo tồn sao cho hiệu quả như nhân giống, đánh giá chi tiết, đánh giá phân tử, xác định gen quý… rồi đưa ngược lại vào sản xuất thì vẫn còn hạn chế…
Quãng năm 1995 – 1999 khi các đồng nghiệp của chị Hoài đi thu thập nguồn gen ở miền núi phía Bắc, mức độ đa dạng về các giống địa phương nói chung, giống lúa nói riêng rất lớn, có những hộ trồng tới 6 – 7 loại. Sau hơn 10 năm quay lại, cả xã có khi chỉ thu được 10 giống. Số lượng giống địa phương giảm cỡ hơn 90%, chỉ còn toàn những giống lúa lai Trung Quốc hay lai của trong nước, chuyên về năng suất để giải quyết vấn đề lương thực trước mắt. Việc đó khiến cho TS Nguyễn Thị Quỳnh nguyên Trưởng Bộ môn Ngân hàng gen phải than: “Đi mà xót ruột lắm Hoài ơi! Phá rừng, đốt rừng để làm rẫy, đỏ lửa khắp nơi”.
Nông dân khi thấy hàng xóm có giống mới lại đua nhau trồng theo, còn giống của tổ tiên bỏ bẵng chừng 1 năm là mất sức nảy mầm, liền đem vứt. Ngoài giống lúa, các loại giống rau quả cũng bị xói mòn nghiêm trọng, đến nỗi vào chợ vùng cao cũng chỉ toàn thấy hạt giống lai, bày bán nhiều loại rau, quả giống dưới xuôi.
Tìm táo mèo khổng lồ bất ngờ gặp cà chua thân gỗ bản địa
Cách đây mấy năm Bộ Nông nghiệp Mỹ ngỏ ý hợp tác với ngân hàng gen để thu thập giống táo mèo nhưng không phải là loại quả nhỏ vẫn thường thấy mà là loài, chi khác hẳn, rất hiếm, cho quả rất to.
Tra trong sách phân loại thực vật rõ ràng Việt Nam có nhưng không ai biết cụ thể, TS Hoài phải gọi điện đi khắp các tỉnh. Có người mách Vườn Quốc gia Bidoup ở Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng liền liên hệ rồi bay vào thấy thân to cả người ôm chưa kín, quả gấp đôi, gấp ba táo mèo thường.
Ở một hướng tìm kiếm khác, tại Hà Giang ở huyện Hoàng Su Phì, tại Cao Bằng ở huyện Trùng Khánh cũng xác nhận tồn tại giống táo mèo quả to khác thường. Khảo sát, cả huyện chỉ còn có mấy cây. Hóa ra là những cây này lúc đầu ở rừng, sau đồng bào phát rừng làm nhà thì chúng sót lại.
Trong quá trình tìm kiếm, anh Phó phòng NN-PTNT huyện Hoàng Su Phì hỏi: “Chị có biết cây cà chua thân gỗ không?”. TS Hoài trả lời rằng biết bởi dạo ấy, năm 2018 đang rộ lên thông tin ông Phạm S ở Lâm Đồng nhập giống này từ nước ngoài về cho dân trong đó trồng, bán mỗi kg đến ngót 1 triệu. Ai cũng đinh ninh không có cà chua thân gỗ bản địa ở Việt Nam thế mà anh cán bộ lôi xềnh xệch chị vào một nhà, ở trước cửa có cây cà chua thân gỗ cao ngất mọc lên tự bao giờ.
Chủ nhà cho hay đây là giống cây địa phương lâu đời do ông bà để lại, quả chín dùng xào hay nấu ăn hoặc cho trẻ con làm đồ chơi vì rất đẹp. Khi tìm táo mèo khổng lồ ở một xã gần đó, đoàn lại thấy một nhà có hai cây cà chua thân gỗ, cao hơn 2m, gốc to như bắp chân, quả ra sai trĩu. Tại huyện Đồng Văn đoàn cũng phát hiện ra điều tương tự.
Về sau chị Hoài tìm hiểu, ngoài giá trị ăn như rau, quả cà chua thân gỗ còn dùng chế rượu vang (ở Lâm Đồng bán với giá trên 500.000 đồng/chai) và tạo điểm nhấn cho những khu vực phát triển du lịch. Đáng mừng là mới đây Sở NN-PTNT Hà Giang sau khi nhận được thông tin đã đề xuất đề tài bảo tồn và khai thác loại cây này cho một số huyện.
Về chuyện tại sao nước Mỹ có nhiều giống táo ngon mà lại quan tâm đến táo mèo quả lớn của Việt Nam, TS Hoài giải thích: “Thông thường những loài hoang dại hay có gen chống chịu và kháng sâu bệnh tốt, là vật liệu để lai tạo cho ra giống táo vừa chất lượng vừa thích ứng với điều kiện ngoại cảnh khắc nghiệt”.
Tình cờ nối tiếp tình cờ
Năm 2014, TS Hoài về Hải Phòng để triển khai đề tài lúa di, đi mấy huyện đều trả lời đã bỏ hết giống cũ. Khi được giới thiệu sang huyện Kiến Thụy, anh Trưởng phòng NN-PTNT thông tin: “Chúng tôi còn 1 xã là Tân Trào mà nói thế nào người ta cũng không nghe, vẫn còn trồng giống nếp xoắn cổ truyền”. Chị mừng quá bởi muốn phục tráng một giống cổ buộc phải tìm đến những vùng vẫn còn trồng những giống thời gian sinh trưởng 5 – 6 tháng tương tự không thì chim chuột, sâu bệnh sẽ phá hết.
Đoàn xuống đến nơi, lúc đó cũng đang là tháng 9 như bây giờ, cả cánh đồng đẹp mơ màng với bạt ngàn 200ha nếp xoắn. Tò mò chị hỏi anh chủ nhiệm HTX tại sao còn giữ được, anh cười: “Thứ nhất là gạo dẻo hơn cả nếp cái hoa vàng, để từ sáng đến chiều vẫn ngon; thứ hai là cây cao, cứng hợp cho gặt tay để rồi thân thì tận dụng bện chổi bán, lá đốt lên cũng để bán dùng cho vào bát hương…”. Anh chủ nhiệm còn đề nghị phục tráng lại giống quý này bởi sau một thời gian năng suất, chất lượng đã bị giảm.
May nhờ dự án giống của Bộ NN-PTNT nên đề tài được thực hiện. Khi các nhà khoa học thuê đất cấy thí nghiệm, bà con thấy đẹp quá, cứ trầm trồ, có người còn lén rút lấy những bông to mang về. Năm sau gặp lại, chị ta thật thà khai với chị Hoài rằng: “Năm ngoái tôi ăn trộm của cô một ít đem trồng dân người ta cứ gạ mua cho bằng hết để làm giống”.
Nếp xoắn ngoài chất lượng, khả năng chống chịu còn khác biệt với đa số các giống bản địa khác là tiềm năng năng suất tới 6 tấn/ha, tức gần gấp đôi. Số liệu thật như thế nhưng khi TS Hoài báo cáo nhiều người còn tưởng bịa, tới khi họ xuống địa phương thấy cánh đồng mới chịu công nhận.
Từng học ở Nhật, làm tiến sĩ về lúa, chị Hoài bảo trước đây trên thế giới người ta khẳng định lúa có hai loài phụ là Japonica (lúa Nhật, hạt tròn vùng bán nhiệt đới, lạnh) và Indica (lúa hạt dài vùng nhiệt đới) nên ông thầy Nhật mới bảo: “Hoài ơi, ở Việt Nam chắc chỉ có giống Indica thôi nhỉ?”. Chị trả lời: “Em không nghĩ thế, Việt Nam nhiệt đới chuẩn chỉ có ở miền Nam còn miền Trung, miền Bắc là bán nhiệt đới”.
Sau đó TS Nguyễn Thị Quỳnh, nguyên Trưởng Bộ môn Ngân hàng gen trên cơ sở phân tích hình thái đã nhận định rằng số lượng lúa Japonica ở Việt Nam chiếm cỡ 40% bộ giống bản địa, chủ yếu ở miền núi phía Bắc.
Tiếp đến cố PGS.TS Lưu Ngọc Trình – nguyên Giám đốc Trung tâm Tài nguyên Thực vật khi nghiên cứu về giống Tám của Nam Định đã xếp chúng vào loài Japonica và thốt lên rằng: “Thôi chết rồi, nó là Japonica mà mình cứ nghĩ là Indica nên thảo nào khi lai với các giống Indica khác cứ bị phân ly là phải”.
Khi đem DNA 200 giống lúa địa phương của Việt Nam sang Nhật giải trình tự gen, chị Hoài thấy một điều thú vị rằng ngoài hai loài Japonica, Indica còn có lúa dự, lúa di nằm ở nhóm trung gian nữa. Hiện trong ngân hàng gen có hơn 9.000 giống lúa địa phương, lúa dại của các tỉnh nhưng hầu hết đều chưa được giải trình tự gen vì rất tốn kém…
Năm 1995 khi đơn vị của chị Hoài về huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định điều tra, thu thập nguồn gen lúa, khoảng 80% diện tích vụ mùa ở đây là lúa Tám. Vào thì con gái, đi giữa cánh đồng cứ thơm ngát như mùi lá nếp. Đoàn đã thu các loại Tám xoan, Tám cổ ngỗng, Tám ấp bẹ… đồng thời phỏng vấn dân cách trồng, phơi, bảo quản. Thế nhưng sau này, khi địa phương xin ngân hàng gen xuất giống trong kho lạnh về trồng lại, cũng chăm bón, thu hoạch lúc chín tám phần, phơi nắng nhẹ, xát bằng cối nhưng ăn lại không ngon. Rất có thể môi trường, kỹ thuật canh tác đã có nhiều thay đổi làm cho một số giống lúa đặc sản bị giảm chất lượng đi. (Còn nữa).
Dương Đình Tường
Báo Nông nghiệp Việt Nam