Nghiên cứu áp dụng tri thức bản địa trong bảo tồn on-farm nguồn gen khoai môn sọ ở một số tỉnh phía bắc Việt Nam
Khoai môn sọ (Colocasia esculenta (L.) Schott) là một cây trồng truyền thống đa dụng, rất phổ biến trong đời sống hàng ngày của người nông dân. Đối với con người: từ củ – nơi chứa tinh bột không chỉ làm nguồn lương thực mà còn là thực phẩm; từ lá, dọc lá và cụm hoa cũng là nguồn rau sạch không nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật hay dư lượng nitrat đạm như với rau ăn lá (Nguyễn Thị Ngọc Huệ và các tác giả, 2004). Đối với chăn nuôi, từ thân cây đến củ và rễ đều là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng (Nguyễn Hữu Bình, 1963). Ngoài ra khoai môn sọ còn là sản phẩm văn hoá-tín ngưỡng của nhiều cộng đồng dân tộc ở Việt Nam, có mặt trong các lễ hội và là sản phẩm được tượng trưng cho sự duy trì nòi giống. Khoai môn sọ có rất nhiều giống sinh trưởng và phát triển tốt trong các điều kiện khác nhau: đất tốt, xấu; đất cát, thịt; khí hậu nóng, lạnh; ở nơi sườn núi, đồi; vùng trung du, đồng bằng; đất phèn, đất mặn; nơi hạn, úng…
Với những lợi thế về đặc điểm “kinh tế – nông học” và “văn hoá – nông học” của mình, khoai môn sọ là đối tượng được sử dụng trong một số đề tài nghiên cứu bảo tồn on-farm tại Việt Nam từ 1998 đến nay. Mỗi điểm bảo tồn đều có đặc điểm riêng về điều kiện sinh thái, vì vậy, kiến thực bản địa áp dụng cho công tác bảo tồn on-farm cũng có sự khác nhau và rất có giá trị trong thực tiễn. Do đó, cần tiến hành điều tra nghiên cứu và áp dụng tri thức bản địa vào công tác bảo tồn on-farm để có được kết quả lưu giữ bến vững những nguồn gen khoai môn sọ địa phương.
Trong phạm vi của báo cáo này, chúng tôi trình bày một số kết quả áp dụng kinh nghiệm-hiểu biết của nông dân để bảo tồn on-farm các giống khoai môn sọ có giá trị kinh tế tại địa phương. Các kết quả nghiên cứu cho thấy sự đa dạng nguồn gen khoai môn sọ chịu ảnh hướng của điều kiện sinh thái từng vùng. Kết hợp với việc áp dụng tri thức bản địa, bước đầu xác định được những nhóm giống khoai có giá trị kinh tế và sử dụng để bảo tồn on-farm ở một số địa phương có điều kiện phù hợp. Giống khoai Tía riềng đã được bảo tồn tại Hải Hậu-Nam Định, giống khoai sọ ngắn ngày KS4 tại Nho Quan-Ninh Bình, giống khoai tầng và khoai ruột vàng tại Đà Bắc-Hòa Bình và Tân Sơn-Phú Thọ.
Xem báo cáo chi tiết tại đây
Nguyễn Phùng Hà & cs