Kết quả nghiên cứu kỹ thuật trồng gừng trong bao
Gừng có tên khoa học là Zingiber officinales Roscoe là cây lưu niên nhưng chu kỳ sinh trưởng của nó được xem như một cây trồng hàng năm. Đặc điểm sinh trưởng đáng chú ý của gừng là thân rễ nhánh ăn nông, phân bố đều về 2 phía của thân rễ cái, thân giả đứng thẳng có chiều cao tương đối thấp và thường < 1,3 m. Ngoài ra gừng còn được đánh giá là cây chịu bóng râm, thậm chí là thích ứng được trong điều kiện bóng râm. Đặc điểm sinh trưởng của gừng được xem là có nhiều lợi thế cho việc phát triển vượt ra khỏi điều kiện đồng ruộng hay trong điều kiện tự nhiên. Lịch sử nghiên cứu gừng trồng trong điều kiện đất nhân tạo, trong chậu vại, cây sinh trưởng dưới điều kiện bóng râm trong vườn gia đình, quanh nhà, đường đi, v.v…đã được thực hiện hàng nghìn năm tại Ấn Độ. Phát triển gừng trong điều kiện chậu vại hay trong bao các loại được xem là một xu hướng thích hợp trong điều kiện Việt Nam hiện nay do tận dụng được không gian, thời gian, nguyên vật liệu nên hiệu quả của nó có thể sẽ được cải thiện và tăng cao, góp phần đa dạng hóa các loại hình sản xuất gừng ở miền Bắc nước ta. Trên cơ sở đó giống gừng triển vọng QT1 đã được sử dụng cho việc nghiên cứu kỹ thuật trồng trong bao với nội dung chủ yếu là: Nghiên cứu thành phần giá thể, mật độ và chế độ nước tưới thông qua việc đánh giá các chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển, chống chịu và năng suất.
Kết quả nghiên cứu cho thấy: – Sử dụng giá thể với thành phần khối lượng gồm 70% đất màu + 30% phân chuồng mục + 2,5 g N + 1,3 g P2O5 + 2,5 g K2O/bao đã làm tăng kích thước củ cái, củ con và cho năng suất cao nhất tại Bắc Kạn và Hòa Bình; – Mỗi bao trồng 3 hom với 2 mầm/hom là mật độ thích hợp để nâng cao khối lượng củ/bao và đạt năng suất cao nhất tại Bắc Kan và Hòa Bình, tương ứng với 314,5 và 310,3 tấn/ha; – Sau 15 ngày tưới 1 lần với độ ẩm đất 75% là chế độ tưới tối ưu cho giống gừng QT1 khi trồng trong bao. Xem báo cáo chi tiết tại đây |
|
Trần Thị Đính, Lê Khả Tường |