Đánh giá một số chỉ tiêu chất lượng của hai giống lúa màu: Khẩu cẩm xẳng và Lúa bát

       Nhiều giống lúa địa phương đang được nông dân lưu giữ và gieo trồng thể hiện tính ưu việt về khả năng thích nghi cao với điều kiện sinh thái khó khăn, có chất lượng gạo tốt, bổ dưỡng. Trong số đó, có hai giống Lúa Bát (Hà Tĩnh) và giống lúa Khẩu cẩm xẳng  ở Nghệ An. Đây là những giống địa phương có chất lượng cao, thuộc nhóm gạo màu (colored rice) và khả năng chống chịu tốt đang được nông dân ở hai địa phương Nghệ An và Hà Tĩnh gieo trồng từ nhiều đời nay. Tuy nhiên, việc sử dụng các giống lúa nói trên cũng chỉ ở mức độ tự phát của người nông dân mà chưa được nghiên cứu một cách hệ thống, chưa có cơ sở dữ liệu một cách khoa học đầy đủ nên có nguy cơ bị xói mòn cao. Do đó, Trung tâm Tài nguyên thực vật đã phối hợp với các địa phương Nghệ An và Hà Tĩnh tiến hành điều tra, bảo tồn phát triển để mở rộng sản xuất cũng như gìn giữ nguồn gen quý này.

       Một trong những khâu quan trọng và cũng rất cấp thiết hiện nay trong việc phát triển hai giống lúa Bát, Khẩu cẩm xẳng, đó là tiến hành đánh giá đặc điểm giống; đặc biệt là chất lượng để hoàn thiện một cách hệ thống, toàn diện đặc điểm nông học của chúng làm cơ sở cho công tác bảo tồn và khai thác hiệu quả tiềm năng của giống.

       Xuất phát từ những yêu cầu trên, chúng tôi tiến hành đánh giá một số chỉ tiêu liên quan đến chất lượng gạo của hai giống lúa màu Khẩu cẩm xẳng và lúa Bát.

       Đã xác định được hai giống lúa Bát và Khẩu cẩm xẳng thuộc loài phụ Indica, giống Khẩu cẩm là xẳng lúa nếp và giống Bạt ngoạt là lúa tẻ. Giống lúa Khẩu cẩm xẳng có khối lượng nghìn hạt là 21,9g; giống lúa Bát là 27,8g. Cả hai giống lúa đều có tỷ lệ gạo lật, gạo xát và gạo nguyên tương đối cao trên 70%;

       Giống lúa Bát có nhiệt độ hóa hồ thấp, giống lúa Khẩu cẩm xẳng ở mức trung bình. Giống lúa Bát có hương thơm nhẹ, giống lúa Khẩu cẩm xẳng có hàm lượng amylose ở mức khá thấp (9%), giống lúa Bát có hàm lượng amylose ở mức cao (23%);

       Giống lúa Bát có hàm lượng sắt tổng số (5,95mg/100g) và kẽm tổng số (18,5mg/100g) ở mức trung bình. Giống lúa Khẩu cẩm xẳng có hàm lượng anthocyanin tổng số là 685mg/100g, ở mức rất cao và hàm lượng sắt tổng số l7,84mg/100g, ở mức khá.

       Hoạt tính chống oxi hóa, hàm lượng Phenolic tổng số của 2 giống lúa Bát và Khẩu cẩm xẳng đều ở mức khá.

       Như vậy, dựa vào kết quả nghiên cứu nêu trên, chúng tôi nhận thấy hai giống lúa trên đều thuộc nhóm gạo màu (colored rice), có chứa nhiều đặc tính chất lượng quý, vì vậy có thể sử dụng theo hướng khai thác làm gạo dinh dưỡng hoặc thực phẩm chức năng.

Chi tiết: xem tại đây

Đới Hồng Hạnh

Admin trang web Trung tâm Tài nguyên thực vật phiên bản Wordpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.