Đánh giá khả năng kháng bệnh của tập đoàn dưa chuột

       Dưa chuột hay dưa leo (Cucumis sativus) thuộc họ bầu bí Cucurbitaceae, là loại rau ăn quả thương mại quan trọng, nó được trồng lâu đời trên thế giới và trở thành thực phẩm của nhiều nước. Dưa chuột có tầm quan trọng thứ tư trong các loại cây rau với sản lượng toàn cầu là 65,1 triệu tấn và giá trị đạt 12 tỷ đô la Mỹ năm 2012 (Elmahdy Ibrahim Metwally and Mohamed Tawfik Rakha, 2015). Dưa chuột được sử dụng dưới nhiều dạng khác nhau như quả tươi, trộn salat, cắt lát, đóng hộp xuất khẩu. Dưa chuột là một thức ăn có nhiều dinh dưỡng, gồm protein 0,8 g; glucid (đường) 3,0 g; xenlulo (xơ) 0,7 g; năng lượng 15 kcalo; canxi 23 mg; phospho 27 mg; sắt 1 mg; natri 13 mg; kali 169 mg; caroten 90 mcg; vitamin B1 0,03 mg; vitamin C 5,0 mg (Nguyễn Thị Lan, 2008). Ở nước ta dưa chuột đã được trồng từ rất lâu, không chỉ để giải quyết vấn đề thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày mà còn mang tính thương mại quan trọng. Những năm gần đây, thị trường tiêu thụ rau xanh trong nước và thế giới ổn định, kinh tế đối ngoại có nhiều cơ hội phát triển đó là điều kiện thuận lợi cho ngành rau phát triển.

       Tuy nhiên, sản xuất dưa chuột còn gặp nhiều khó khăn do thời tiết, sâu bệnh hại nên năng suất và chất lượng dưa chuột bị giảm nhiều. Sâu, bệnh và cỏ dại gây thiệt hại lớn cả về năng suất và chất lượng cho cây rau nói chung và dưa chuột nói riêng. Mặc dù chưa có thống kê chính thức về các thiệt hại do sâu bệnh gây ra ở Việt Nam, tuy nhiên theo thống kê của các nhà khoa học Mỹ và Canada cho thấy năm 1987 ở Mỹ thiệt hại do sâu, bệnh gây ra cho dưa chuột tương ứng là 21% và 15%; còn ở Canada tương ứng là 15,5 và 12,5 (Ronald et al., 1994).

       Trong bốn bệnh hại là phấn trắng (Powdery mildew), sương mai (Downy mildew), virut đốm vòng đu đủ (Papaya Ring Spot Virus), virut khảm vàng (Zucchini Yellow Mosaic Virus) được tiến hành đánh giá trên đồng ruộng của tập đoàn 50 giống dưa chuột đang lưu giữ tại Ngân hàng gen cây trồng Quốc gia phát hiện hai bệnh  là bệnh phấn trắng và bệnh virut đốm vòng.

       Trong số 50 giống dưa chuột nghiên cứu thì 16 giống ở mức độ kháng cao, 17 giống kháng, 9 giống nhiễm, 2 giống nhiễm trung bình, 6 giống nhiễm cao với bệnh bệnh phấn trắng; cồn đối với bệnh virut đốm vòng đu đủ thì có 01 giống kháng cao, 05 giống kháng vừa, 13 giống nhiễm, 07 giống nhiễm năng và 24 giống chịu bệnh.

Chi tiết: xem tại đây

Đới Hồng Hạnh

Admin trang web Trung tâm Tài nguyên thực vật phiên bản Wordpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.