Đặc điểm một số nguồn gen bưởi khu vực phía tây Hà Nội

Hà Nội là một trong những vùng khởi nguyên của một số loài cam quýt bưởi có giá trị cao và được người tiêu dùng trong thành phố Hà Nội và một số tỉnh lận cận đánh giá cao. Kết quả điều tra năm 2011-2012 trên địa bàn 5 huyện dọc theo sông Đáy có 19 nguồn gen bưởi hiện đang được trồng tại các vườn hộ gia đình và tại các trang trại. 19 nguồn gen bưởi này đều thuộc chi Citrus grandis. Nguồn gen bưởi hiện đang được người dân lưu giữ và khai thác hiệu quả. Nguồn gen bưởi địa phương này cũng là nguồn vật liệu khởi đầu cho các nhà chọn tạo giống.
Đặc điểm của một số giống bưởi đang được trồng tại các huyện:
        Bưởi Quế Dương có tán lá xanh đậm khá rậm rạp vì thế quả ít bị cháy xém, tuy vậy lại hay bị các loại rệp, đặc biệt rệp sáp đến cư trú hút đường của cây làm cho quả bị nhạt. Bưởi Quế Dương có ưu điểm sau: Năng suất ổn định hơn bưởi Diễn (ít ra quả cách năm); Cây phát triển mạnh và cần ít phân bón hơn; Chịu úng, chịu hạn khá hơn bưởi Diễn; Chống chịu sâu bệnh khá hơn bưởi Diễn; Không kén đất (cả đất trong làng và đất bãi đều trồng được); Tốn ít công chăm sóc; Chín sớm vào lúc còn nắng nóng do vậy dễ bán. Tuy nhiên nhược điểm của bưởi Quế Dương là nhạt hơn bưởi Diễn, quả để lâu tôm bị nát, cành hay bị chẽ dẫn đến gãy khi sai quả.
        Bưởi Diễn với hai dòng lòng vàng nhạt và lòng xanh trong. Bưởi Diễn có ưu điểm ngọt hơn, mùi vỏ rất thơm, nếu thâm canh tốt có thể cho thu nhập cao hơn bưởi Quế Dương. Tuy nhiên trong một vài năm trở lại đây bưởi Diễn cho thu nhập rất thấp.
Bưởi đường da xanh có đặc điểm nổi bật là tỷ lệ ra hoa đậu quả rất cao (hơn bưởi Quế Dương), ít sâu bệnh, quả tuy nhỏ (trung bình 0,8 – 1kg) nhưng rất ngọt (Brix: 12- 13%), chín sớm vào giữa tháng 8 âm lịch, đặc biệt khi chín màu vỏ vẫn xanh đậm. Nhưng nhược điểm của giống này là nhiều hạt (12- 13 hạt/múi), hay rụng khi vào mùa thu hoạch.
Bưởi đường Tam Hợp có bộ lá xanh đậm và khả năng vươn cành tương tự giống bưởi Quế Dương khối lượng quả trung bình 1- 1,2 kg, vỏ xù xì không mịn nhẵn như bưởi Quế Dương. Đặc biệt giống bưởi này ngọt hơn bưởi Quế Dương. Vừa qua một số hộ bắt đầu nhân giống bưởi này thay cho giống bưởi Diễn.
       Bưởi đường La Tinh là giống bưởi địa phương được trồng từ lâu đời, thời gian cho thu hoạch từ cuối tháng 11 đến tháng 12 dương lịch, có chất lượng tốt, tôm ráo, ăn giòn tôm, có thể để lâu ra ngoài tết đến tháng 3,4 âm lịch ăn vẫn rất ngon. Cây có tán thưa hơn bưởi Quế Dương, khối lượng quả trung bình 600-900 gram, độ Brix từ 13-14%, số múi trung bình 14-15 múi/quả, chống chịu sâu bệnh tốt. Tuy nhiên nhược điểm của bưởi đường La Tinh nhiều hạt, tỷ lệ phần ăn được khoảng 50-55% và rất kén đất.
Bưởi đường Hiệp Thuận, có tán thưa hơn bưởi Quế Dương, chống chịu sâu bệnh tốt, thu hoạch vào trung tuần tháng 9 dương lịch, quả nặng khoảng 600- 800 gram, tép bưởi dáo, ăn giòn, độ Brix 12-13%.
Bưởi đào đường hiện đang được trồng tại huyện Hoài Đức và huyện Đan Phượng cây cho thu hoạch vào khoảng tháng 9 dương lịch, quả hình cầu nặng khoảng 700-900 gram, múi và tép quả màu hồng, tép dáo, ăn giòn, độ Brix 9-10%.
       Bưởi đường ta vỏ đỏ: Cây cao trung bình có tán thưa, quả nặng khoảng 800-1200 gram, vỏ quả và tép quả có màu đỏ, ăn ngọt, thu hoạch vào khoảng tháng 11 âm lịch. Có mẫu mã quả đẹp thu hoạch vào dịp tết nên có giá bán cao năm đắt có thể bán được giá 40.000-50.000 đồng/quả.
  Bưởi đào chua cây có tán thưa, quả hình cầu, thu hoạch vào tháng 8 âm lịch vào dịp rằm tháng 8, ruột và tép quả màu hồng, ăn có vị chua ngọt, độ Brix đo được 8-9%. Tỷ lệ phần ăn được khoảng 60 %.
Nguyễn Thị Hiền

Đới Hồng Hạnh

Admin trang web Trung tâm Tài nguyên thực vật phiên bản Wordpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.