Tổng quan về Bảo tồn Tài nguyên di truyền thực vật phục vụ mục tiêu lương thực và nông nghiệp trên thế giới và Việt Nam

    Tài nguyên di truyền là hạt nhân của đa dạng sinh vật. Tài nguyên di truyền có ba loại là tài nguyên di truyền thực vật, tài nguyên di truyền động vật và tài nguyên di truyền vi sinh vật, thì tài nguyên di truyền thực vật có trọng số lớn nhất về thành phần loài và giống, về mục tiêu và mức độ sử dụng. Riêng về thành phần loài và giống, tài nguyên di truyền thực vật chiếm trên 90% tổng lượng toàn bộ tài nguyên di truyền( Lưu Ngọc Trình, 2005).

    Tài nguyên di truyền cây nông nghiệp tức là quỹ gen cây nông nghiệp, được FAO gọi là tài nguyên di truyền thực vật vì mục tiêu lương thực và nông nghiệp ( TNDTTVLN), lại là phần có trọng số lớn nhất của toàn bộ tài nguyên di truyền thực vật. Sự xói mòn nguồn gen cây trồng trong nông nghiệp gây ra bởi nhiều nguyên nhân hiện nay đang là vấn đề nghiêm trọng, Để có thể bảo tồn và sử dụng hiệu quả đa dạng sinh học nông, lâm nghiệp trong đó tài nguyên di truyền thực vật là hạt nhân, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ nhất về môi trường họp tại Stockholme, Thụy Điển năm 1972 đã kêu gọi khẩn cấp nhiệm vụ bảo tồn tài nguyên di truyền thực vật. Hai mươi năm sau, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai họp tại Río de Janero, Brazin năm 1992 đã thoả thuận Công ước đa dạng sinh học. Hội nghị Kỹ thuật quốc tế lần thứ tư về tài nguyên di truyền thực vật phục vụ mục tiêu lương nông do FAO triệu tập năm 1996 tại Cộng hòa liên bang Đức đã thống nhất Kế hoạch hành động toàn cầu (Global Plant of Action, GPA) về bảo tồn quỹ gen cây nông nghiệp. Gần đây, tháng 11 năm 2001 Đại hội đồng FAO đã thông qua Hiệp ước về Tài nguyên di truyền thực vật phục vụ mục tiêu lương nông (ITPGRFA) nhằm thiết lập một hệ thống tiếp cận tài nguyên cây trồng và chia sẻ lợi ích đa phương phục vụ lương thực và nông nghiệp.

    Cũng như các nước có nguồn tài nguyên di truyền thực vật phong phú, Việt Nam cũng đã có những hoạt động bước đầu bảo tồn và khai thác tài nguyên di truyền cây nông nghiệp từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, tuy nhiên mãi cho đến năm 1987, sau khi Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, nay là Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quy chế lâm thời về bảo tồn nguồn gen, nhiệm vụ từng bước mới được tiến hành chính quy. Năm 1996 Trung tâm Tài nguyên di truyền thực vật được thành lập, đánh dấu bước phát triển mới của hệ thống bảo tồn tài nguyên di truyền thực vật ở Việt Nam. Có thể nói cho tới nay mọi nỗ lực nghiên cứu toàn cầu đang tập trung để : Cải tiến phương pháp bảo tồn đa dạng sinh học nông lâm nghiệp; Tăng cường năng lực của quần chúng và Tác động hình thành chính sách, thể chế hỗ trợ và tạo các lợi ích khác cho bảo tồn ĐDSH.

    Với mục đích có một cái nhìn khái quát về tình hình bảo tồn TNDTTVLN, trên cơ sở phân tích một cách hệ thống các thông tin từ các nghiên cứu chuyên đề, các kỷ yếu hội thảo, các tạp chí, các sách chuyên khảo và từ các website, các dữ liệu từ các đề tài dự án trong và ngoài nước, tác giả đã tổng quan lại những vấn đề liên quan bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên di truyền thực vật trên thế giới và ở Việt Nam.

    Qua phân tích tổng quan tình hình bảo tồn và sử dụng TNDTTVLN trên thế giới và Việt Nam cho thấy:

    Nhận thức được tầm quan trọng của TNDTTVLN, nhiều nước trên thế giới và nhiều tổ chức quốc tế đã tập trung cho bảo tồn ex situ, cho đến những năm 90 thì bắt đầu quan tâm nhiều đến bảo tồn in situ. Hiện nay Chiến lược bảo tồn tài nguyên di truyền thực vật là kết hợp hài hoà hai phương pháp ex-situ và in-situ (complement strategy). Các nước kinh tế phát triển đã hình thành đầy đủ cơ sở vật chất của bảo tồn ex-situ nên đang quan tâm nhiều đề bảo tồn in-situ. Ngược lại, các nước đang phát triển chưa tạo lập được ngân hàng gen thích hợp để giữ cho không mất nguồn gen của mình nên phải ưu tiên đến bảo tồn ex-situ, đồng thời xúc tiến bảo tồn in situ để hỗ trợ cho bảo tồn ex situ. Bảo tồn thông qua sử dụng là giải pháp tối ưu để thúc đẩy sử dụng bền vững TNDTTVLN.

    Sự đa dạng, giàu có về tài nguyên di truyền thực vật là tiền đề để nước ta phát triển nông nghiệp nói riêng và các nhiệm vụ kinh tế xã hội nói chung. Tuy nhiên do sức ép gia tăng dân số và sự thâm canh nông nghiệp không hợp lý, nguồn gen cây nông nghiệp đã và đang bị xói mòn, mất mát với tốc độ rất nhanh. Nhiều giống cây trồng đặc sản bị các giống mới năng suất cao nhưng nền di truyền hẹp thay thế, dẫn tới việc mất đi các giống địa phương tuy năng suất thấp nhưng phẩm chất lại cao và có tính thích nghi bền vững do nền di truyền rộng. Nạn phá rừng, việc thay đổi phương thức sử dụng đất, mở mang đô thị, giao thông và các công trình công cộng đã và đang đe dọa nghiêm trọng tài nguyên di truyền thực vật cổ truyền quý giá của nước ta. Vì vậy tìm biện pháp tổ chức và quản lý hợp lý nhiệm vụ bảo tồn để phục vụ cho khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên cây nông nghiệp là nhiệm vụ khoa học cấp bách của nước ta hiện nay. Cũng như nhiều nước đang phát triển khác, nước ta đã ưu tiên đầu tư cho bảo tồn ex-situ để lưu giữ an toàn và ngăn chặn mất mát nguồn gen đang diễn ra rất nhanh, đồng thời từ năm 2001 đã xúc tiến bảo tồn in-situ để hỗ trợ cho bảo tồn ex-situ trong việc duy trì quá trình tiến hóa tự nhiên của cây nông nghiệp. Có thể thấy những năm gần đây cả 4 nhóm hoạt động của công tác bảo tồn quỹ gen cây trồng là: Điều tra, kiểm kê thu thập và nhập nội nguồn gen; Lưu giữ nguồn gen( ex situ và in situ); Mô tả, thông tin và tư liệu hoá; và Khai thác sử dụng bền vững nguồn gen đã được tăng cường. Hệ thống bảo tồn TNDTTVLN đã được củng cố và hoạt động có hiệu quả.

    Kết quả phân tích cũng cho thấy để tiến hành nhiệm vụ bảo tồn TNDTTVLN có kết quả, bản thân một mình khoa học không thể làm được mà cần đến công cụ chính sách và kế hoạch của Nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực khuyến nông và phát triển nông nghiệp bền vững. Các vấn đề nghiên cứu khoa học liên quan đến bảo tồn in-situ như sinh thái, di truyền, kinh tế, xã hội học đòi hỏi thời gian dài mới có được kết quả cụ thể. Xã hội hoá công tác bảo tồn có thể là hướng đi đúng đắn khi nhà nước có chính sách đầu tư phù hợp với hoạt động bảo tồn và khai thác sử dụng bền vững TNDTTVLN. Cũng trong báo cáo, các ưu tiên và kiến nghị nhằm tăng cường hệ thống bảo tồn TNDTTVLN quốc gia cũng được đề xuất.
PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Huệ

Đới Hồng Hạnh

Admin trang web Trung tâm Tài nguyên thực vật phiên bản Wordpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.