Kết quả nghiên cứu bảo tồn và sử dụng quĩ gen cây có củ giai đoạn 2006 – 2009
Việt Nam có nguồn gen cây có củ rất phong phú, đa dạng cả về thành phần loài và giống. Cây có củ được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, làm lương thực, thực phẩm, làm thức ăn gia súc, làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, làm thuốc và làm gia vị… Gần đây sản phẩm cây có củ còn được xuất khẩu, bao gồm các sản phẩm của khoai lang, khoai mộn sọ, khoai tây, khoai mỡ, gừng và nghệ càng cho thấy việc trồng và sử dụng cây có củ vẫn còn rất cần thiết cho hiện tại và lâu dài khi môi trường đang có sự biến đổi theo chiều hướng bất lợi cho các loài cây lấy hạt.
Công tác chọn tạo giống cây có củ phụ thuộc rất lớn vào nguồn gen. Việc cải tiến giống sẽ thuận lợi hơn khi có nguồn tài nguyên di truyền đa dạng. Do đó việc nghiên cứu bảo tồn và sử dụng nhóm cây này có một ý nghĩa lớn trong sản xuất nông nghiệp. Trong giai đoạn 2006-2009, đã có 2.130 mẫu giống (tăng gần 30% so giai đoạn 2001-2005) của 34 loài cây có củ đang được lưu giữ bảo quản an toàn trên đồng ruộng và trong nhà lưới. Các tập đoàn cây có củ chính: khoai lang, khoai từ, khoai mỡ, sắn và tập đoàn môn sọ đã được đánh giá, tư liệu hoá một cách hệ thống, bước đầu khai thác có hiệu quả. Chúng tôi đã tuyển chọn được 49 nguồn gen cây có củ triển vọng từ các tập đoàn khoai lang, khoai môn sọ, dong riềng, khoai sáp và khoai mỡ giới thiệu cho khai thác sử dụng. Đặc biệt 3 nguồn gen khoai lang làm rau KLR1, KLR3 và KLR5 và 1 giống khoai nước KM-1 dùng làm thức ăn chăn nuôi đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận cho sản xuất thử tại các tỉnh phía bắc. Xem báo cáo chi tiết tại đây |
|
Hoàng Thị Nga và cộng sự |