Mô hình sản xuất sắn tại miền Trung năm 2024

Nhiệm vụ quỹ gen “Nghiên cứu đánh giá tiềm năng di truyền và phát triển bền vững nguồn gen sắn địa phương Việt Nam” mã số: NVQG-2021/ĐT.03, thực hiện từ tháng 3/2021 – 2/2025, thuộc chương trình: Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 bắt đầu thực hiện từ năm 2021 do Trung tâm Tài nguyên thực vật chủ trì, chủ nhiệm ThS. Đàm Thị Thu Hà. Trong giai đoạn từ 2021 đến nay, nhiệm vụ thực hiện 5 nội dung và đạt được những kết quả chính dưới đây:

  1. Thu thập bổ sung được 50 mẫu giống sắn tại 3 vùng Bắc, Trung, Nam và lưu giữ 200 mẫu giống sắn địa phương làm vật liệu cho các nghiên cứu tiếp theo của nhiệm vụ.
  2. Đã đánh giá tiềm năng di truyền về sinh trưởng, năng suất, chất lượng, tính chống chịu (chịu hạn, khảm lá vi-rút) của 200 mẫu giống nguồn gen sắn.
  3. Đã đánh giá đa dạng di truyền nguồn gen sắn và sàng lọc, xác định chỉ thị phân tử liên kết với tính chống chịu vi-rút gây bệnh khảm lá sắn.
  4. Lựa chọn và giới thiệu các giống sắn địa phương có triển vọng cho sản xuất và xây dựng quy trình kĩ thuật thâm canh 3 giống sắn tiềm năng gồm Sắn lá tre; Sắn Nếp và Sắn lõi vàng đã được tuyển chọn; Ban hành Quy trình kỹ thuật thâm canh cho 3 giống sắn.
  5. Xây dựng mô hình sản xuất cho 3 giống sắn đã được lựa chọn, quy mô: 3ha/mô hình tại 3 địa điểm.

Thực hiện kế hoạch kiểm tra, đánh giá nhiệm vụ quỹ gen năm 2024, ngày 03/8/2024 Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước (Văn phòng), Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế – kỹ thuật (Vụ ngành) thuộc Bộ khoa học và Công nghệ cùng Trung tâm Tài nguyên thực vật đã tiến hành kiểm tra mô hình sản xuất sắn tại miền Trung trong khuôn khổ của nhiệm vụ. Đại diện cơ quan chủ quản Bộ Khoa học công nghệ gồm ông Phạm Văn Tiềm – chuyên viên Vụ ngành và ông Mai Nam Hải, chuyên viên Văn phòng. Về phía cơ quan chủ trì Trung tâm Tài nguyên thực vật có GS.TS. Phạm Văn Toản, Giám đốc Trung tâm; Đại diện Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế; PGS.TS. Lã Tuấn Nghĩa nguyên Giám đốc Trung tâm và nhóm cán bộ triển khai thực hiện nhiệm vụ. Phía địa phương có Giám đốc HTX Thanh Phong, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An và các hộ dân tham gia mô hình.

Chủ nhiệm nhiệm vụ, ThS. Đàm Thị Thu Hà cho biết: Mô hình sản xuất giống sắn tại miền Trung, trồng từ tháng 01/2024, với 35 hộ tham gia, trên diện tích 3,2 ha tại HTX Thanh Phong, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Giống sắn Nếp là giống triển vọng, đã được nhiệm vụ tuyển chọn từ 200 giống sắn địa phương, có nguồn gốc tại Thừa Thiên Huế. Quy trình canh tác cho giống sắn Nếp trong mô hình áp dụng Quy trình canh tác giống sắn Nếp do Trung tâm Tài nguyên thực vật ban hành.

Tại thời điểm kiểm tra mô hình, giống sắn Nếp sinh trưởng phát triển tốt chiều cao cây đạt gần 2 m và đang trong giai đoạn hình thành củ. Trong khi giống KM-94 là giống sắn chủ lực tại địa phương, hiện đã nhiễm bệnh khảm lá vi-rút trên toàn bộ diện tích canh tác sắn. Chủ nhiệm HTX Thanh Phong cùng các hộ dân tham gia mô hình cho biết giống sắn Nếp sinh trưởng tốt, phù hợp điều kiện canh tác tại địa phương, không xuất hiện sâu bệnh hại và bất cứ triệu chứng nào của bệnh khảm lá vi-rút. Vì vậy, các hộ dân tham gia mô hình hết sức phấn khởi khi được trồng thử nghiệm giống sắn Nếp năm 2024.

Hình ảnh giống Sắn Nếp (bên trái) và giống KM-94 (bên phải)
Giống sắn KM-94 bị bệnh khảm lá do virút

Qua kiểm tra, đoàn công tác đã đánh giá cao các kết quả đã thực hiện của nhiệm vụ. Thay mặt cơ quan chủ trì GS.TS. Phạm Văn Toản, Giám đốc Trung tâm bày tỏ lời cảm ơn HTX Thanh Phong và các hộ dân tham gia mô hình, đồng thời giao nhiệm vụ cho nhóm cán bộ thực hiện tiếp tục triển khai theo dõi mô hình, phối hợp với địa phương để đánh giá hiệu quả mô hình ở thời điểm thu hoạch cuối vụ.

GS.TS. Phạm Văn Toản giao nhiệm vụ cho nhóm thực hiện tiếp tục theo dõi mô hình để đánh giá khi thu hoạch và báo cáo chuẩn bị nghiệm thu nhiệm vụ.

Phòng KH và HTQT

Đới Hồng Hạnh

Admin trang web Trung tâm Tài nguyên thực vật phiên bản Wordpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.