Mô hình sản xuất dong riềng năng suất, chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGap tại Bắc Kạn năm 2024
Dự án khuyến nông quốc gia: “Xây dựng mô hình sản xuất dong riềng phục vụ phát triển vùng nguyên liệu sản xuất sản phẩm OCOP tại một số tỉnh miền núi phía Bắc” do Trung tâm Tài nguyên thực vật chủ trì, giai đoạn 2024-2025 thực hiện tại 3 tỉnh Lai Châu, Bắc Kạn và Cao Bằng.
Thực hiện kế hoạch kiểm tra, đánh giá dự án khuyến nông năm 2024, ngày 20/6/2024 Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tiến hành kiểm tra dự án triển khai tại tỉnh Bắc Kạn. Đoàn công tác của Trung tâm Khuyến nông quốc gia có PGS.TS Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm làm trưởng đoàn. Địa phương gồm: ông Nguyễn Duy Diệp, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Bắc Kạn; ông Triệu Đức Thông Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn; đại diện Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Na Rì, xã Côn Minh và hộ dân tham gia mô hình. Về phía cơ quan chủ trì Trung tâm Tài nguyên thực vật có GS.TS. Phạm Văn Toản, Giám đốc Trung tâm; đại diện Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế; Văn phòng Trung tâm cùng các cán bộ tham gia thực hiện dự án.
Theo TS. Hoàng Thị Nga chủ nhiệm dự án cho biết: Mô hình sản xuất dong riềng năng suất, chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGap được triển khai thực hiện tại tỉnh Bắc Kạn từ tháng 1/2024, với 80 hộ tham gia, trên diện tích 8 ha tại 2 xã Côn Minh và xã Đổng Xá, huyện Na Rì. Giống dong riềng DR1 và DR5 được áp dụng trong mô hình hỗ trợ giống cho các hộ dân, và cấp phân bón đồng thời các hộ dân được tập huấn về kỹ thuật canh tác dong riềng theo tiêu chuẩn VietGap. Đến nay giống dong riềng DR1 sinh trưởng phát triển tốt đang ở giai đoạn ra hoa, bắt đầu hình thành củ; giống dong riềng DR5 trồng muộn hơn, đang trong giai đoạn phát triển chiều cao cây. Dự kiến kết quả của mô hình sẽ đạt hiệu quả đề ra.
Đoàn đã kiểm tra thăm quan mô hình sản xuất dong riềng năng suất, chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Côn Minh, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Đoàn công tác cũng thăm và làm việc với Hợp tác xã Tài Hoan là đơn vị liên kết thu mua toàn bộ sản phẩm củ dong riềng của mô hình nhằm ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, tạo sản phẩm miến dong an toàn, chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu. Qua kiểm tra, đoàn công tác đánh giá cao công tác phối hợp của Trung tâm Tài nguyên thực vật với địa phương trong việc thực hiện dự án và ghi nhận những nội dung triển khai mô hình đã được thực hiện tốt, sản xuất dong riềng gắn với liên kết chuỗi giá trị, đây là tín hiệu rất đáng mừng. Đoàn cũng đề nghị các bên liên quan cần tích cực hơn nữa trong công tác truyền thông, quảng bá mô hình tạo điều kiện để mô hình thực hiện có hiệu quả và tuyên truyền nhân rộng cho bà con xung quanh về kỹ thuật mới nhằm sản xuất an toàn, tạo ra sản phẩm chất lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế.