Thiết lập các chỉ tiêu hình thái đặc trưng cho phân loại các giống sắn Manihot esculenta Crantz ở Việt Nam dựa trên mô tả hình thái giống sắn KM 94

       Việc xác nhận đặc điểm hình thái đặc trưng cho phép người nông dân và nhà khoa học có thể nhận dạng các giống sắn trên đồng ruộng. Dựa trên các công trình đã công bố trên thế giới, chúng tôi đã chọn lọc được 20 đặc điểm hình thái đặc trưng ở 5 bộ phận chính trên cây sắn. Các đặc điểm này được đánh giá là ít chịu ảnh hưởng bởi môi trường, dễ thu thập và ghi nhận số liệu trên đồng ruộng. Phương pháp thu thập và thang đánh giá được xây dựng theo tiêu chuẩn dựa trên mức độ phổ biến của từng đặc tính. Trên cơ sở bộ công cụ nhận dạng vừa thiết lập, đã mô tả được đầy đủ 20 đặc điểm hình thái đặc trưng của giống KM 94. Lá đỉnh có màu xanh tía và không xuất hiện lông ngắn. Lá trưởng thành của KM 94 màu xanh đậm, có 7 thùy với thùy trung tâm hình mũi mác. Gân lá và cuống lá có màu xanh-hơi đỏ. Các lồi sẹo lá trên thân có kích thước dài. Màu sắc lớp bên ngoài và bên trong vỏ thân đều được ghi nhận màu nâu nhạt, trong khi màu sắc lớp biểu bì thân có xanh đậm. Thân cây KM 94 phát triển thẳng ở phần trên, cong ở phần gốc, cây có phân cành, hình thái cây phổ biến là dáng mở. Giống KM 94 không ghi nhận thấy sự xuất hiện của cổ củ, củ có dạng hình nón là phổ biến. Lớp bề mặt củ có màu nâu nhạt, trong khi lớp thịt và vỏ lụa củ đều có màu trắng. Đối chiếu với dữ liệu về giống KU 50 của Thái Lan và NSIC Cv-22 của Philippines cho kết quả trùng khớp với giống KM 94 thu thập được. Nghiên cứu sẽ được tiếp tục phát triển để hoàn thiện phương pháp nhận dạng giống sắn bằng các chỉ thị hình thái nhằm đáp ứng công tác nhận dạng các giống sắn ở Việt Nam.

Từ khóa: Đặc điểm hình thái, đồng ruộng, phân loại, sắn.

Xem bản đầy đủ: tại đây

Đới Hồng Hạnh

Admin trang web Trung tâm Tài nguyên thực vật phiên bản Wordpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.