Đặc điểm nông sinh học, năng suất và thành phần sinh hóa của một số dòng/giống vừng triển vọng tại tỉnh Nghệ An
Thí nghiệm được bố trí theo kiểu khối ngẫu nhiên đầy đủ (RCB) với 3 lần lặp lại tại xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An trong vụ hè thu 2014 và vụ hè thu năm 2015 nhằm đánh giá một số đặc điểm sinh trưởng, phát triển, năng suất và thành phần sinh hóa của các dòng/giống vừng triển vọng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các dòng/giống thí nghiệm thuộc nhóm vừng không phân cành (trừ giống VĐHS), hạt màu đen (trừ giống V6), lá rụng hoàn toàn khi chín (trừ VĐHS và VĐ11), quả có 4 hàng hạt (trừ VĐHS và V6) và có 1 quả/nách lá (trừ VĐ11 và VĐHK). Dòng NVL10 được xếp vào nhóm cao cây, có năng suất thực thu 1,17 – 1,27 tấn/ha tương đương với giống vừng trắng V6 (1,17 – 1,27 tấn/ha) và cao hơn các giống còn lại. Dòng NLV10 phù hợp để chế biến dầu cao cấp phục vụ nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu do có hàm lượng dầu trung bình (44,23%), tỷ lệ Oleic/Linoleic thấp (0,87) và chỉ số Iod cao (112).
Từ khóa: Cây vừng, hàm lượng lipit, axít béo không no, chỉ số axít.
Xem chi tiết : tại đây