Một số định hướng bảo tồn và phát triển nguồn gen cây dược liệu và hương liệu ở khu vực Châu Á và Thái Bình Dương
Cây dược liệu và hương liệu đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe của hàng triệu người trên thế giới, đặc biệt là ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, một nơi rất phong phú và đa dạng các loài cây dược liệu và hương liệu. Tuy nhiên hiện nay nguy cơ xói mòn sự đa dạng của các loài này ngày một tăng, do đó cần thiết phải có những nỗ lực để bảo tồn sự đa dạng các loài cây dược liệu và hương liệu thông qua cả hai hình thức tại chỗ và chuyển chỗ; một cách tiếp cận hữu ích cho lưu giữ và sử dụng trong tương lai. Tầm quan trọng của các loài cây dược liệu và hương liệu đã tăng lên trong những năm gần đây do sự quan tâm ngày một tăng trong việc sử dụng các sản phẩm tự nhiên và hữu cơ cho sự chế biến các sản phẩm thảo dược cũng như là để bổ sung chế độ ăn uống; các thành phần thực phẩm và đồ uống có nguồn gốc thực vật ngày càng được thị trường quan tâm. Chính vì vậy các loài cây dược liệu và hương liệu được tập trung nghiên cứu trong những năm gần đây.
Tại cuộc họp tư vấn về xúc tiến phát triển nguồn gen cây dược liệu, hương liệu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương do Tổ chức Nông Lương của Liên Hợp Quốc (FAO) và Tổ chức nghiên cứu nông nghiệp (APAARI) phối hợp tổ chức tại Bangkok, Thailand. Các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn nguồn gen, các nhà làm chính sách và đại diện các công ty tư nhân đã thống nhất một số định hướng trong bảo tồn và sử dụng nguồn gen cây dược liệu và hương liệu tại khu vực trong thời gian tới như sau:
– Ưu tiên tập trung phát triển các loài có nhu cầu thị trường cao, có giá trị chữa bệnh và có lợi thế so sánh của mỗi quốc gia (không quá 10 loài). Ngoài ra cần ưu tiên bảo tồn các loài đặc hữu, quý hiếm. Cần phải có một chiến lược quốc gia về nghiên cứu và phát triển nguồn gen cây dược liệu và hương liệu;
– Quản lý chất lượng nên được thực hiện ở tất cả các khâu từ giai đoạn sản xuất nguyên liệu đến chế biến thành phẩm để nâng cao tác dụng của sản phẩm từ thảo dược,. Do đó, cần có chính sách phù hợp để thực hiện tốt các khâu: giống, canh tác và chế biến. Chất lượng dược liệu và hương liệu cần tuân thủ những điều kiện tiêu chuẩn. Các quốc gia cần khuyến cáo việc quản lý chất lượng và ghi nhãn trên thành phẩm;
– Cần thiết phải xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn gen cây dược liệu và hương liệu trong toàn bộ khu vực. Dữ liệu tập trung cập nhật bao gồm: danh sách các loài đang trồng phục vụ mục đích thương mại, các loài đã thu thập được từ tự nhiên, các loài đang được tập trung sản xuất theo quy trình: giống tốt, canh tác tốt và chế biến tốt;
– Cần nâng cao sự hỗ trợ từ cơ chế quản lý để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Những nghiên cứu về phân loại thực vật, phân bố, các loài có giá trị kinh tế cần được sự hỗ trợ về cơ chế và tập trung tài trợ;
– Để phục vụ tốt hơn nữa việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, công tác bảo tồn sự đa dạng, nghiên cứu và phát triển cần thêm nhiều sự hỗ trợ kinh phí từ các nhà tài trợ;
– Tri thức truyền thống của người dân rất phong phú và phổ biến ở các nước trong khu vực, các nước trong khu vực cần có sự chia sẻ kiến thức liên quan đến lĩnh vực này. Ngoài ra, việc trao đổi tài liệu và các thông tin liên quan đến bảo tồn và phát triển nguồn gen cây dược liệu và hương liệu cần được đặc biệt chú ý;
– Cần thiết lập một mạng lưới nghiên cứu bảo tồn và phát triển cây dược liệu-hương liệu, tập trung vào các nước có sự đa dạng nguồn gen và tiềm năng phát triển trong khu vực. Mạng lưới này tập trung hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu: chia sẻ kiến thức, thông tin, trao đổi nguồn gen và phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển bền vững nguồn gen cây dược liệu và hương liệu trong toàn khu vực;
– Còn thiếu sự liên kết giữa nghiên cứu và sản xuất, điều này cần phải khắc phục thông qua sự hỗ trợ của các công ty tư nhân đối với các mô hình nghiên cứu phát triển phù hợp;
– Cơ chế quản lý về bảo tồn và phát triển thương mại quốc tế (chú trọng tiêu chuẩn chất lượng) cần phải được ưu tiên và thống nhất đối với tất cả các nước thành viên trong khu vực.
ThS. Vũ Linh Chi