Kỹ thuật trồng và chăm sóc giống cỏ ngọt mới ST77
TS. Hoàng Thị Huệ, GS.VS.TS Trần Đình Long, Th.S Nguyễn Hoài Thu và PGS.TS Lã Tuấn Nghĩa
Cỏ ngọt là cây dược liệu có tính năng của một vị thuốc, sử dụng làm thực phẩm chức năng, dùng trong công nghiệp, đồ uống, mỹ phẩm, làm đẹp, đặc biệt là cây có hàm lượng đường cao, đường không năng lượng, sử dụng tốt cho người tiểu đường, béo phì, huyết áp cao…
Giống cỏ ngọt ST77 là giống mới được nhóm tác giả: TS. Hoàng Thị Huệ, GS.VS.TS Trần Đình Long, Th.S Nguyễn Hoài Thu và PGS.TS Lã Tuấn Nghĩa, Trung tâm Tài nguyên thực vật tiến hành nghiên cứu và chọn lọc theo phương pháp chọn lọc cá thể (Pedigree). Đây là giống ưu tú cho năng suất cao (trên 4 tấn/ha/năm), chất lượng tốt với hàm lượng RebA trên 10% và mức độ nhiễm bệnh thấp. Trong khi đó, giống cỏ ngọt phổ biến trong sản xuất hiện nay là ST88 chỉ đạt năng suất đạt 2-2,5 tấn/ha/năm, hàm lượng RebA thấp hơn, đạt 6,5%. Giống ST77 đã được Bộ NN và PTNT ra quyết định công nhận chính thức là giống cỏ ngọt dược liệu mới cho vùng đồng bằng sông Hồng theo quyết định số 5140/QD-BNN-TT ngày 31/12/2019.
Giống ST77 có thời gian sinh trưởng từ 30 – 55 ngày từ sau trồng đến thu hoạch lứa đầu tiên. Cây cao từ 45-70cm. Lá thuôn dài, đầu tù, màu xanh nhạt. Hoa mọc thành cụm, màu trắng.
II. Kỹ thuật trồng và chăm sóc
2.1 Thời vụ trồng
Thời vụ thích hợp nhất cho việc trồng đối với giống ST77 vào giữa tháng 3.
2.2 Chuẩn bị đất trồng
Đất cày sâu 25 – 30 cm ,bừa kỹ để làm nhỏ đất. Lên luống có bề mặt rộng 1 – 1,1 m. Chiều cao luống thường thay đổi trong khoảng 10 – 40 cm, rãnh giữa 2 luống rộng 25 – 30 cm
2.3 Mật độ trồng và khoảng cách trồng Mật độ trồng 20 vạn cây/ha, khoảng cách trồng là 20 cm x 25 cm (hàng cách hàng 20 cm, cây cách cây 25 cm).
2.4 Phân bón
Phân bón sử dụng cho 1 ha: 10 tấn phân chuồng, 250 kg đạm sunphat, 300 kg Lân supe, 100 kg kali clorua. Bón lót 1/2 lượng phân chuồng và NPK trước khi trồng. Lượng phân bón còn lại bón vào lần thu hoạch cuối cùng.
2.5 Chăm sóc
– Sau khi trồng tiến hành tưới nước đẫm cho cây, trong 7 ngày đầu luôn duy trì giữ ẩm cho đất với độ ẩm 80-85%. Sau 2 ngày phun thuốc phòng trừ nấm Tilt Super 300EC, pha 5ml thuốc với 8 lít nước, phun 500 lít/ha, phun vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát và phun ướt mặt lá.
– Sau trồng 10 – 15 ngày tạo hình thái sinh trưởng, phát triển của cây, giúp cây tạo ra nhiều thân chính khỏe mọc từ trong đất hoặc sát mặt đất.
– Trong thời kỳ đầu, cây con còn yếu nên không thể cạnh tranh được với cỏ dại, vì vậy cần làm sạch cỏ dại triệt để và cần làm ngay trong 30 ngày đầu sau trồng. Lưu ý khi làm cỏ tuyệt đối không được làm tổn thương rễ của cây con. – Sau mỗi lần thu hoạch, cần tiến hành xới xáo, nhặt sạch cỏ và bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng cách phun phân bón lá Đầu Trâu 502 (30 : 12 : 10) với liều lượng 500 lít/ha.
2.6 Phòng trừ sâu bệnh
Cỏ ngọt là cây dễ trồng, cho hiệu quả kinh tế cao, sâu bệnh hại trên cây cỏ ngọt không nhiều, tuy nhiên cần phải chú ý phòng trừ bệnh sau:
* Bệnh đốm nâu.
Triệu chứng: Trên cây xuất hiện các vết đốm phát triển với kích thức không đều, màu nâu sẫm đến xám, đường kính thay đổi trong khoảng 2 – 18 mm. Sau đó, bệnh gây hại trên thân và cuống lá, biểu hiện bên ngoài là vết đốm màu nâu xung quanh cành và thân, làm gãy cành, xoăn lá và chùn ngọn cỏ ngọt, cây không sinh trưởng tiếp được và lụi dần đến chết.
Biện pháp phòng trừ
– Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch tàn dư cây bệnh, cỏ dại và ký chủ phụ của bệnh.
– Nhổ bỏ toàn bộ thân lá của cây bị bệnh nặng đem tiêu hủy.
– Kiểm soát nguồn cây giống khỏe, sạch bệnh, tuyệt đối không sử dụng cây giống bị bệnh để trồng. Thường xuyên thăm ruộng và tăng cường các biện pháp chăm sóc như bón phân, tưới nước, …
– Khi phát hiện bệnh cần sử dụng ngay phun thuốc phòng trừ nấm Tilt Super 300EC, pha 5ml thuốc với 8 lít nước, phun 500 lít/ha, phun vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát và phun ướt mặt lá.
2.7 Thu hoạch
– Thu hoạch lần đầu thường sau trồng 30-45 ngày, lúc chiều cao cây đạt cao hơn 40 cm. Các lần tiếp theo thường cách nhau 30-55 ngày. Tốt nhất thu hoạch vào buổi sáng, tập trung thu hoạch vào những ngày trời nắng.
– Kỹ thuật thu hoạch: Dùng kéo sắc để thu hoạch, cần thu hoạch riêng rẽ giữa cây bệnh và cây khỏe để tránh lây lan nguồn bệnh, sau khi cắt ở cây bị bệnh phải xử lý diệt trùng kéo cắt (có thể dùng nước Clo hoặc nước vôi trong để ngâm kéo).