Khai thác và phát triển các nguồn gen lúa đặc sản
Thứ ba, 24/05/2016
Lúa là loại cây trồng quan trọng bậc nhất, vừa cung cấp nguồn lương thực chính, vừa là nông sản xuất khẩu có kim ngạch lớn hiện nay ở nước ta. Từ một nước thiếu lương thực, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, việc sản xuất và tiêu thụ gạo hiện nay đang phải đương đầu với nhiều khó khăn và thách thức do cạnh tranh thị trường, nhu cầu về chất lượng gạo ngày càng tăng. Yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến chất lượng gạo là giống, nhưng các giống mới cho năng suất cao thì chất lượng thường lại kém.
Các loại lúa gạo đặc sản, nhất là những loại gạo thơm, gạo nương, gạo nếp vẫn còn giữ được giá ổn định. Do đó, phát triển các loại gạo đặc sản có chất lượng cao vừa giúp mở rộng thị trường nội địa và phục vụ xuất khẩu vừa nâng cao hiệu quả kinh tế của sản xuất lúa gạo. Trong số các giống lúa nương thì các giống lúa Khẩu Ký, Khẩu nẩm pua, Tan nương, Khẩu mang là những giống có phẩm chất tốt, cơm ngon, dẻo, được người dân ưa chuộng. Tuy nhiên trong quá trình sản xuất lâu dài, các giống lúa này đã bị thoái hóa và lẫn tạp nên năng suất và chất lượng đều giảm mạnh. Việc phục tráng để mở rộng sản xuất các giống lúa đặc sản nói trên không những đáp ứng nhu cầu gạo chất lượng cao mà còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho các dân tộc miền núi phía Bắc Việt Nam. Chính vì vậy mà Trung tâm Tài nguyên thực vật cùng với chủ nhiệm đề tài Trần Danh Sửu đã cùng tiến hành đề tài “Khai thác và phát triển các nguồn gen lúa đặc sản Tan nương, Khẩu mang, Khẩu ký, Khẩu nẩm pua phục vụ các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam” với mục tiêu khai thác và phát triển 4 giống lúa đặc sản Tan nương, Khẩu mang, Khẩu Ký, Khẩu nẩm pua phục vụ các tỉnh miền Bắc. Đề tài đã cung cấp cơ sở khoa học để tiến hành phục tráng và sản xuất các giống lúa đặc sản địa phương. Cung cấp các thông tin khoa học về chất lượng, phân loại của các giống lúa nương phục vụ cho việc lai tạo giống chất lượng cao; Phục tráng thành công 4 giống lúa nương đặc sản là Khẩu Ký, Khẩu nẩm pua, Tan nương và Khẩu mang và xây dựng được 4 quy trình phục tráng, 4 quy trình kỹ thuật canh tác cho các giống lúa nương đặc sản (mỗi giống một quy trình phục tráng, một quy trình kỹ thuật canh tác). Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đã triển khai 4 mô hình canh tác tại các địa phương triển khai thí nghiệm. Năng suất của các giống lúa tại các mô hình đều vượt từ 15-17% so với sản xuất và lợi nhuận cao hơn nhiều so với các giống đang phổ biến ngoài sản xuất tại các địa phương này. Đề tài đã góp phần mở rộng sản xuất các giống lúa đặc sản chất lượng cao và nâng cao thu nhập cho người dân trồng lúa ở các điểm triển khai và từng bước mở rộng cho các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam. Bên cạnh đó còn phổ biến các kiến thức về khoa học trồng lúa cho cán bộ nghiên cứu và người dân trồng lúa tại các địa phương. |
|
Nguồn: Dantri.com.vn |