Bộ Nông nghiệp và PTNT tổng kết công tác bảo tồn nguồn gen nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2011-2015 và định hướng giai đoạn 2016- 2020

Trong 2 ngày từ 26-27 tháng 5 năm 2016 tại Hòa Bình, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội thảo “Tổng kết công tác bảo tồn nguồn gen nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2011-2015 và định hướng giai đoạn 2016- 2020”. Về dự Hội thảo có lãnh đạo, đại diện các Vụ khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Vụ Khoa học Công nghệ các ngành Kinh tế Kỹ thuật thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục bảo tồn Đa dạng sinh học thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đại diện các Cơ quan tham gia bảo tồn nguồn gen của Bộ như: Trung tâm Tài nguyên thực vật thuộc VAAS, Viện Chăn Nuôi, Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và một số vườn Quốc gia, Các viện nghiên cứu và nuôi trồng Thủy sản (I, II, III), Viện Thổ nhưỡng Nông hóa thuộc VAAS, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Đặc biệt Bộ Nông nghiệp đã mời một số chuyên gia đầu ngành về bảo tồn nguồn gen đến tư vấn trong việc hoạch định chiến lược bảo tồn nguồn gen động thực vật, vi sinh vật phục vụ Nông nghiệp và lương thực giai đoạn 2016-2020. Tại Hội thảo đã có 13 báo cáo được thông qua với những kết quả nổi bật rất đáng được ghi nhận:

vu-truong

Bà Nguyễn Giang Thu, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và MT  khai mạc Hội thảo

Trong lĩnh vực bảo tồn nguồn gen cây trồng: Giai đoạn 2011-2015 Trung tâm Tài nguyên thực vật và các cơ quan mạng lưới (14 đơn vị) đã thu thập được 14.000 mẫu giống của trên 100 loài cây trồng khác nhau trong các vùng sinh thái của cả nước, gấp 3 lần số nguồn gen thu thập được giai đoạn 2006-2010. Hiện tại Trung tâm Tài nguyên thực vật và cơ quan màng lưới đang lưu giữ chuyển chỗ (Ex situ) 38.344 mẫu giống của gần 300 loài khác nhau và được lưu giữ trong ngân hàng gen hạt (kho lạnh), ngân hành gen In vitro và trên ngân hàng gen đồng ruộng. Riêng tại ngân hàng gen hạt tại Trung tâm Tài nguyên thực vật hiện đang lưu giữ hơn 26.000 mẫu giống của 120 loài cây trồng ở các chế độ Trung hạn (5-10 năm) và dài hạn (50-100 năm). Ngoài ra còn có hàng trăm nguồn gen được lưu giữ tại chỗ (on farm/In situ) tại các tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn vv. Trong tổng số gần 29.000 nguồn gen đang được lưu giữ đã có tới 75% nguồn gen đã được mô tả đánh giá đặc điểm hình thái phục vụ công tác bảo tồn và khai thác sử dụng. Các thông tin liên quan đến nguồn gen lưu giữ tại Trung tâm Tài nguyên thực vật và các cơ quan mạng lưới đã được quản lý bằng phần mềm quản lý chuyên dụng. Nhiều thông tin nguồn gen trong số đó đang được chia sẻ trên trang web của Trung tâm tài nguyên thực vật (WWW.prc.maiatech.com.vn). Hằng năm, Trung tâm Tài nguyên thực vật đã cấp phát khoảng trên 1000 nguồn gen phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phát triển nguồn gen tại các trường đại học, các viện ngiên cứu, các công ty giống vv. Trong 5 năm gần đây Trung tâm tài nguyên thực vật và các cơ quan màng lưới đã khai thác và phát triển hàng chục nguồn gen địa phương như các giống lúa Tan nương, Khẩu mang, Khẩu ký, Khẩu nẩm pua, các giống bưởi: Quế Dương, Hiệp Thuận (Hà Nội), bưởi Trụ (Quảng Nam) vv.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp: Trong 5 năm qua Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và các cơ quan màng lưới đã thu thập được 593 nguồn gen của 79 loài bản địa, nâng tổng số nguồn gen hạt đang lưu giữ chuyển chỗ tại Viện lên tổng số 3.727 nguồn gen. Ngoài ra Viện và các cơ quan màng lưới còn xây dựng được tổng số khoảng 800 ha vườn phục vụ lưu giữ chuyển chỗ các cây mẫu nguồn gen tại các vùng sinh thái khác nhau. Đã đánh giá di truyền được tổng số 17 loài và thực hiện nhân giống thành công 02 loài cây rừng quý hiếm là Dầu đọt tím và Sao Hải Nam.

Trong lĩnh vực chăn nuôi: Trong 5 năm qua Viện Chăn Nuôi đã thu thập bổ sung được 53 nguồn gen vật nuôi để đưa vào bảo tồn. Nhiều những nguồn gen vật nuôi quý hiếm như Bò u đầu rìu (Nghệ An), Bò H Mông (Hà Giang), Chó Phú Quốc (Kiên Giang), Lợn Ỉ (Nam Định, Thanh Hóa), gà Hre (Quảng Ngãi), chim trĩ đỏ khoang cổ, ngan xám (Lâm Đồng) đã được thu thập, đánh giá và bảo tồn. Đặc biệt Viện đã tiến hành điều tra giám sát nhằm cứu vãn một số nguồn gen có nguy cơ tuyệt chủng hay lai tạp cao như Bò u đầu rìu (Nghệ An), gà Hồ (Bắc Ninh), lợn Móng Cái (Quảng Ninh), Gà Đông Tảo (Hưng Yên), gà Mía (Hà Nội),  vịt Kỳ Lừa (Lạng Sơn), vịt Bầu (Hòa Bình). Ngoài 83 nguồn gen vật nuôi đang được nuôi bảo tồn tại chỗ (In Situ/on farm) hoặc chuyển chỗ (ex situ) Viện chăn nuôi đã thu thập được 2234 mẫu dạng tế bào và 1696 mẫu dạng ADN để lưu giữ trong điều kiện siêu lạnh có thể phục hồi và nhân bản phục nghiên cứu, sản xuất khi cần. Cũng trong thời gian qua có 42 nguồn gen vật nuôi bản địa của Việt Nam như bò H Mông, lợn mán, lợn Sóc, lợn Hung… đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ cho phép khai thác và phát triển.  Thêm vào đó cũng có hàng chục nguồn gen vật nuôi dạng lai như bò vàng lai Sin, dê lai, lợn lai các giống, vịt lai, gà lai … do phát huy được ưu thế lai giữa nguồn gen bản địa và nguồn gen ngoại nên đã được đưa vào sản xuất cho năng suất, chất lượng cao hơn giống bản địa góp phần quan trọng vào thành tựu của nông nghiệp và phát triển nông thôn ở nước ta trong thời gian qua.

Trong lĩnh vực thủy sản: Thủy sản Việt Nam rất phong phú, trong tổng số loài sinh vật biển đã biết, nước ta có khoảng 11.000 loài, riêng cá có 2500 loài, rong biển có 653 loài, thực vật ngập mặn có 94 loài, tôm biển 225 loài, động thực vạt phù du có 1294 loài. Thành phần các nước ngọt nội địa Việt Nam có trên 700 loài, riêng cá chép có tới 276 loài. Hiện nay việc thu thập, bảo tồn nguồn gen thủy sản chủ yếu do các Viện nghiên cứu và nuôi trồng thủy sản (I, II và III) kết hợp với các địa phương, các vườn quốc gia (Ba Bể, Hồ Lăk, Tràm Chim) thực hiện. Hiện nay các hệ thống này đang bảo tồn 87 giống của 75 loài thủy sản. Trong gia đoạn 2011-2015 các Viện nghiên cứu và nuôi trồng trủy sản đã thu thập được tổng số 25 loài tôm cá nước ngọt (trong đó có 8 nguồn gen nhập nội), 11 loài cá nước mặn và 11 loài vi tảo (trong đó có 6 loài nhập nội). Một số nguồn gen được chọn phục vụ cho chương trình chọn giống phục vụ sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao như các tra, tôm càng xanh, cá rô phi.

Lĩnh vực bảo tồn nguồn gen vi sinh vật (VSV) trồng trọt và bảo vệ thực vật: Nhiệm vụ do Viện Thổ nhưỡng nông hóa chủ trì từ 2005 đến nay. Hiện tại quỹ gen này thường xuyên lưu giữ 1570 nguồn gen VSV trồng trọt và bảo vệ thực vật. Trong giai đoạn 2011-2015 Viện Thổ nhưỡng Nông hóa đã phân lập và thu thập được 165 nguồn gen vi sinh vật, trong đó có 121 nguồn gen VSV gây bệnh cây trồng và 44 nguồn gen VSV có ích tại các tỉnh Bắc Bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Hiện tại đã có 67,90% nguồn gen VSV trong tổng số nguồn gen đang bảo tồn tại Viện được mô tả đánh giá sơ bộ, có 31,72% được đánh giá chi tiết và chỉ có 6,62% được đánh giá đặc điểm di truyền. Trong giai đoạn 2011-2015 đã có 101 nguồn gen VSV được khai thác sử dụng cho các mục đích khác nhau như sản xuất phân bón (35 nguồn gen), đánh giá khảo nghiệm thuốc BVTV (20 nguồn gen) kiểm định phân bón (12 nguồn gen) và phục vụ nghiên cứu. Đã có một số nguồn gen VSV được một số công ty sản xuất phân bón như Công ty TNHH Thiên Sinh, Công ty TNHH công nghệ Xanh Thành Châu, Công ty cổ phần Hữu cơ sử dụng đưa vào sản xuất phục vụ bà con nông dân đem lại hiệu quả cao.

quang-canh-hoi-thao

Quang cảnh hội thảo

 Trong phần thảo luận của Hội thảo, dưới sự chủ trì của bà Nguyễn Giang Thu, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, ông Phạm Công Thiếu, Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi đã được các chuyên gia và đại biểu đã đánh giá cao sự chuẩn bị, đặc biệt tài liệu các báo cáo, đồng thời cũng thẳng thắn nêu ra những hạn chế của nhiệm vụ giai đoạn vừa qua và đề xuất định hướng thực hiện trong giai đoạn 2016-2020.

–          Nhiều đại biểu cho rằng mất mát nguồn gen nông, lâm nghiệp và thủy sản ngày càng trở nên đáng lo ngại do nạn phá rừng bừa bãi, phát triển thủy thiếu kiểm soát, giao phối cận huyết (vật nuôi)… và đặc biệt do biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, nhiệm vụ thu thập, bảo tồn nguồn gen nông, lâm nghiệp và thủy sản cần phải tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn. Nhà nước và Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen, đặc biệt những nguồn gen phục vụ sản xuất lương thực và nông nghiệp.

–          Các chuyên gia cho rằng kinh phí được cấp cho nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen trong những năm qua là quá hạn hẹp trong khi đó mấy năm gần đây có xu hướng giảm, năm 2015 giảm 30% so với năm 2012, gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Nguồn kinh phí trong những năm tới cho nhiệm vụ bảo tồn quỹ gen cần được tăng cường, đặc biệt quan tâm đảm bảo an toàn các nguồn gen đang được lưu giữ tại các ngân hàng gen.

–          Hầu hết các ý kiến tham luận đều cho rằng trong giai đoạn tới cần tăng đường đánh giá sâu về di truyền nhằm chọn ra những nguồn gen tốt phục vụ khai thác phát triển nguồn gen. Đặc biệt quan tâm đến đánh giá các nguồn gen phục vụ mục tiêu chiến lược chống biến đổi khí hậu, trước mắt cũng như lâu dài.

–          Cần tăng cường đào tạo tập huấn nâng cao nguồn nhân lực đồng thời cần tăng cường liên kết tận dụng nguồn nhân lực tại các Viện, Trường nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen.

–          Nhà nước cần có chính sách cụ thể hơn về chia sẻ lợi ích trong tiếp cận và sử dụng nguồn gen nhằm đảm bảo rằng các bên cùng có lợi trong lĩnh vực này.

–          Cần đẩy mạnh và xã hội hóa trong khai thác và phát triển nguồn gen thông qua các chương trình khuyến nông, đầu tư tư nhân vv.

 

Bài và ảnh: Nguyễn Khắc Quỳnh

Đới Hồng Hạnh

Admin trang web Trung tâm Tài nguyên thực vật phiên bản Wordpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.