Tọa đàm: Trao đổi về một số thủ tục, quy định trong công nhận giống cây trồng mới ở Việt Nam góp phần xây dựng chiến lược phát triển ngành giống cây trồng trong thời gian tới
Ngày 11/11/2022 tại Trung tâm Tài nguyên thực vật, Hội giống cây trồng Việt Nam phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các đơn vị liên quan tổ chức tọa đàm: “Trao đổi về một số thủ tục, quy định trong công nhận giống cây trồng mới ở Việt Nam góp phần xây dựng chiến lược phát triển ngành giống cây trồng trong thời gian tới”. Chủ trì buổi tọa đàm là GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam và PGS.TS Lã Tuấn Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Tài nguyên thực vật.
Đến dự buổi Tọa đàm có các đại biểu đến từ Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội giống cây trồng Việt Nam, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm; Viện Di truyền Nông nghiệp; Viện Lúa ĐBSCL; Trung tâm Tài nguyên thực vật; Trung tâm KKN giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia; Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Hiệp hội thương mại giống cây trồng Việt Nam; Tập đoàn giống VINASEED; Đại diên các công ty Rau Tân Lộc Phát, Cỏ ngọt, Inca Hòa Bình; HTX Nông nghiệp hữu cơ GENXANH; Một số nhà khoa học đầu ngành về giống cây trồng và một số hộ nông dân…vv.
Đại diện các chuyên gia, nhà khoa học đã trình bày các báo cáo tham luận liên quan đến chiến lược ngành giống; Hiện trạng sản xuất giống cây trồng tại Đồng bằng sông Cửu Long; Ý kiến về thủ tục công nhận giống cây trồng mới theo luật trồng trọt; Vấn đề bảo hộ giống cây trồng…vv.
Phần trao đổi, thảo luận các đại biểu đã sôi nổi thảo luận các vấn đề nêu ra bao gồm cả vấn đề vĩ mô và vi mô, một số ý kiến tiêu biểu như sau:
- Nhà nước nên tham gia nhiều hơn trong việc đầu tư nghiên cứu phát triển về giống thỏa đáng cho cả hai khu vực công và tư nhân (GS. Bùi Chí Bửu, GS.VS Trần Đình Long).
- Một số nội dung về luật trồng trọt và Nghị định 94/2019, thủ tục khảo nghiệm VCU, về tiêu chuẩn (TCVN 13381-1:2021) cần có một số điều chỉnh cho hợp lý với thực tế sản xuất (PGS.TS Nguyễn Thị Trâm).
- Đối với cây ăn quả khi công nhận và bảo hộ giống có cần giống đối chứng hay không. Số đông ý kiến nghiên về quan điểm là không cần giống đối chứng (Ý kiến của GS.TS Vũ Mạnh Hải).
- Ý kiến đề xuất đề nghị liên quan đến khảo nghiệm diện rộng theo quy định năng suất trên 10%, kiến nghị nên để ở mức 5- 7%. Quy định về giống đối chứng nên đa dạng hơn, bổ sung thêm các nhóm giống hạt dài đối với lúa (Công ty Vinaseed, các đại biểu).
Vụ Pháp chế phối hợp với Cục trồng trọt lắng nghe ý kiến xây dựng để tư vấn điều chỉnh văn bản cho phù hợp hơn (Bà Lê Thị Lệ Thu).
Kết thúc buổi tọa đàm, GS. VS Trần Định Long thay mặt Ban chủ tọa kết luận: Trong thời gian qua, việc chậm công nhận giống mới như giống lúa và ngô là điểm nghẽn của ngành giống. Hội giống cây trồng Việt Nam và các đại biểu tham dự kiến nghị cần chỉnh sửa và thay đổi một số quy định, quyết định về TCVN, QCVN trong thủ tục khảo nghiệm và quy trình công nhận các giống cây trồng mới, phát triển công nghiệp hạt giống. Nhà nước nên đầu tư hơn nữa cho các nghiên cứu cơ bản về di truyền chọn giống cây trồng; Tạo lập các Trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống với quy mô công nghiệp; Coi doanh nghiệp là cốt lõi và đối tương hưởng lợi là nông dân. Bộ NN&PTNT cần xây dựng chiến lược phát triển ngành giống cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050./.
Hoàng Thị Huệ
Tổng thư ký Hội giống cây trồng VN