Quy trình kỹ thuật gieo trồng Đại mạch

Đại mạch thích hợp với đất thịt nhẹ và cát pha không chua, là cây trồng không chịu được ngập, úng…
1. Thời vụ gieo
Đại mạch được trồng trực tiếp bằng hạt. Đại mạch được gieo trong tháng 11 nhưng khung thời vụ tốt nhất là gieo từ 05/11 – 15/11
2. Mật độ và phương pháp gieo: có 2 phương pháp gieo
+ Gieo theo hàng: Giống được gieo theo hàng đã rạch sẵn trên luống (theo hướng đông-tây), khoảng cách 25-30cm. Sau khi gieo phải lấp đất và tưới ẩm để đảm bảo mật độ đồng đều sau gieo. Yêu cầu lượng giống từ 100 đến 120kg/ha (vào khoảng 3,5 đến 4,2 kg cho 1 sào Bắc bộ).
+ Gieo vãi: Hạt giống được vãi đều theo luống. Sau đó phủ một lớp rơm rạ để tránh chim chuột, tưới ẩm ngay. Yêu cầu lượng giống tăng thêm 10-15% so với gieo theo hàng.
3. Chân đất
Đại mạch thích hợp với đất thịt nhẹ và cát pha không chua, là cây trồng không chịu được ngập, úng. Đại mạch không yêu cầu nhiều nước nhưng rất mẫn cảm với sự thiếu hụt nước.
Làm đất, lên luống: Để đại mạch thấm nước đều và giúp bộ rễ phát triển tốt, sử dụng dinh dưỡng tối đa thì đất trồng đại mạch cần được phay nhỏ, tơi xốp, sạch cỏ dại. Lên luống rộng 1-1,2m; rãnh luống phẳng, rộng 20cm, sâu 15-20cm.
4. Phân bón
Đại mạch là cây trồng không đòi hỏi thâm canh cao nên lượng phân bón cho đại mạch không nhiều, tuy nhiên yêu cầu phải bón cân đối. Bên cạnh đó, đại mạch là loại cây có thời gian sinh trưởng và phát triển ngắn nên cần phải bón tập trung.
Tỷ lệ phân bón: 60N : 60 P2O5 : 60K2O
Lượng phân bón cho 1ha là: phân chuồng 5tấn, đạm ure: 130kg, supe lân: 330kg; kali Clorua: 120kg
Cách bón:
Bón lót: toàn bộ phân chuồng và phân lân, bón trước khi bừa lần cuối hoặc trộn đều trong đất rồi mới lên luống nhằm tránh hạt tiếp xúc trực tiếp với phân gây hỏng hạt.
Bón thúc: lượng phân còn lại vào lúc đại mạch được 3-4 lá, vãi đều cách gốc 1-2cm.
5. Chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh
– Tưới nước, làm cỏ:
+ Đợt 1 ngay sau khi gieo, lấy nước vào rãnh để hạt hút ẩm phục vụ quá trình nảy mầm (chú ý nếu đất ẩm 80-90% thì không cần tưới).
+ Đợt 2: khi bón thúc bổ sung nước kết hợp làm cỏ, vun xới.
+ Đợt 3: đại mạch nếu thiếu nước ở thời kỳ trổ bông sẽ giảm năng suất do đó chú ý tưới bổ sung kết hợp làm cỏ trước hoặc sau khi trỗ bông.
– Phòng trừ sâu bệnh:
    + Vào thời kỳ đẻ nhánh thường có rệp gây hại. Sử lý bằng thuốc Dipterex, Surpation, Bassa và các thuốc trừ rệp khác theo đúng nồng độ chỉ dẫn.
+ Thời kỳ đẻ nhánh chú ý bệnh đốm nâu, diện tích trỗ muộn thường gặp bệnh phấn trắng, mốc hồng đặc biệt khi mưa ẩm hoặc độ ẩm không khí cao trong thời gian dài.   Nên sử dụng thuốc Triadimefon phun trừ bệnh 2 lần. Lần 1 khi đại mạch được 6-7 lá, liều lượng 450gr/ha, lần 2 trước khi đại mạch trỗ bông liều lượng 600gr/ha.
6. Thu hoạch
Khi thấy khoảng 80-85% bông chín vàng thì thu hoạch. Khi thu, cắt theo chiều dài rơm khoảng 50-60cm để bó thành bó nhỏ, đường kính bó khoảng 15cm, treo hoặc hong khô khoảng 3-5 ngày. Sau đó có thể tuốt như tuốt lúa hoặc đập để lấy hạt, tiếp tục phơi nắng 2-3 ngày cho hạt đạt tới độ ẩm 13%, làm sạch hạt. Có thể đóng bao dứa bên trong có túi nilon.                                                                                 

Th.S Dương Thị Hồng Mai

Đới Hồng Hạnh

Admin trang web Trung tâm Tài nguyên thực vật phiên bản Wordpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.