Giới thiệu nguồn gen cây mác mật (Clausena indica Daizell (Oliv.))

Tên gọi

         Mác mật, còn gọi Mắc mật, Móc mật, Hồng bì núi, Củ khỉ, Dương tùng, Châm châu, Nhâm hôi, có tên khoa học  Clausena indica  Daizell (Oliv.) [tên đồng nghĩa Bergera nitida Thwaites/ Piptostylis indica Dalzell ],  là loài thực vật có hoa thuộc chi Clausena của họ Rutaceae. Từ “Mắc mật” là tiếng Tày-Nùng và có thể dịch thành “quả ngọt”.

Nguồn gốc và phân bố

         Theo Dữ liệu khoa học Hoa Kỳ (USDA, 2010), cây Mác mật có nguồn gốc ở châu Á nhiệt đới, chủ yếu ở Ấn Độ (các bang Maharashtra, Karnataka, Tamil Nadu, Kerala), Sri Lanka và Việt Nam. Một số tài liệu khác cho biết, loài Clausena indica  phân bố nhiều ở rừng tự nhiên Quảng Tây – Trung Quốc, Ấn Độ, Lào, Campuchia, Thái lan, Malaysia, Indonexia, Philippin và Việt Nam.

Tại Việt Nam, cây mọc phổ biến từ Bắc vào Nam, tập trung phân bố ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa, Hòa Bình… trong đó, Lạng Sơn là tỉnh trồng nhiều nhất khoảng 350 ha, bán quả với giá trung bình khoảng 14.000-15.000 đ/kg. Hiện nay, rải rác ở Lâm Đồng một số nông dân của các huyện như Lâm Hà, Đức Trọng đã trồng và cho thu hoạch lá, quả…

Giá trị sử dụng

         Mác mật là loài cây lâm sản ngoài gỗ bản địa của Việt Nam. Lá, quả và hạt của cây Mác mật ngoài chứa tinh dầu còn rất giàu khoáng chất và vitamin cần thiết cho con người. Lá của cây Mác mật có hàm lượng protein, sắt, mangan, can xi cao hơn quả và hạt, quả mắc mật giàu hàm lượng vitamin C. Tinh dầu tập trung chủ yếu ở lá, vỏ quả, hạt, cành, cuống lá, cuống quả. Bộ phận chứa nhiều tinh dầu nhất là vỏ quả chứa 5,5%. Sau vỏ quả là lá chứa 2,7 %. Hạt chứa 1,5%. Trong tinh dầu lá mác mật có 11 thành phần chất, trong đó, có 2 thành phần chính là myristicin (40,37-56,04%) và P-cymen-8-ol (18,58-22.45%). Trong tinh dầu của vỏ quả có 9 thành phần chất, trong đó chủ yếu là beta-myrcen (70%). Từ thành phần hoá học trong lá và vỏ quả có thể sử dụng làm thuốc giảm đau có nguồn gốc thiên nhiên. Một số nơi, người dân bản địa còn dùng cây mác mật để làm thuốc chữa cảm sốt, phong thấp, lá nấu nước gội đầu làm sạch gầu.

Quả mắc mật có thể ăn tươi hoặc dùng để nấu, kho trong một số món ăn đặc sản vùng cao, ngoài ra quả Mác mật tươi còn dùng để ngâm món măng ớt đặc biệt; Lá mắc mật có tinh dầu thơm nên được dùng để cất tinh dầu và sử dụng như loại gia vị đặc trưng trong các món vịt quay hay lợn quay có mùi thơm ngon đặc biệt tại Cao Bằng, Lạng Sơn. Hạt mắc mật phơi khô xay thành bột, dùng để làm gia vị  Ngoài ra, lá và rễ được dùng trong đông y như vị thuốc có  tác dụng lợi mật, kích thích tiêu hóa; tinh dầu quả mác mật có tác dụng bảo vệ gan, làm giảm đau. Các nhà khoa học cũng đã xác định được dạng chiết của cây Mác mật Cao Bằng có tác dụng dược lý tốt là cao ethanol và phân đoạn EtOAc có tác dụng lợi mật, giảm đau, chống ôxy hóa và bảo vệ gan so với các phân đoạn khác.
Những năm gần đây, các sản phẩm của cây Mắc mật như lá, quả, vỏ, thân, rễ cây được sử dụng nhiều trong chế biến hương vị cao cấp trong công nghiệp thực phẩm, dược liệu trong trị liệu các bệnh đường tiêu hóa và hô hấp. Giá trị của cây Mắc mật đem lại hiệu quả cao nên nhiều nơi nông dân đã trồng và mở rộng diện tích. Tuy nhiên cho tới nay công tác nghiên cứu bảo tồn và khai thác sử dụng nguồn gen này hầu như chưa thực hiện.

Đặc điểm sinh học và sinh thái

Mác mật thuộc loại cây gỗ nhỏ, cao từ 2-7m, trung bình 4m, vỏ thân màu xám đen có những nốt sần. Cây phân cành thấp, khoảng  56-80cm, phù hợp đối với cây thu hái quả. Cành non có màu xanh nhạt, có lông rải rác về sau nhẵn màu hơi đen. Lá kép lông chim mọc so le, dài 10-30cm, chóp lá nhọn, gốc lá lệch, tù hay nhọn, mép lá gần như nguyên hay có khía răng nhỏ; có lông mặt dưới lá về sau nhẵn. Các cặp gân mờ. Chùy hoa ở ngọn, nụ tròn, hoa màu trắng- phớt hồng, cuống hoa 4mm. Quả mọng, khi còn non có màu xanh đậm, trên vỏ có túi tinh dầu, nhẵn bong, khi chín vỏ quả màu vàng nhạt, nhẵn bóng, trong. Quả hình cầu- trứng, đường kính 9-13mm, có các điểm tuyến. Trong mỗi quả chỉ có 1 hạt, cỡ 1-2 mm, màu xanh nhạt.Các bộ phận vỏ thân, cành, lá, hoa, quả đều có tinh dầu thơm.

Cây Mác mật ra 2 đợt lộc trong năm là lộc xuân và lộc hè thu.  Cây đạt chiều cao và hình dạng bộ khung tán ổn định có hình mâm xôi hoặc hình bát úp vào giai đoạn từ 16- 20 năm tuổi sau trồng. Mác mật tùy vùng trồng, ra hoa tháng 3-6, quả chín vào tháng 7-9.

Cây mác mật mọc chủ yếu ở chân núi đá vôi ở độ cao dưới 1.000m, một số ít mọc trên sườn núi đá và sườn đồi. Cây thích hợp nơi có điều kiện khí hậu ôn hoà, nhiệt độ trung bình năm từ 20-25 0C, lượng mưa hàng năm trung bình trên 1500mm. Cây Mắc mật là cây ưa sáng, chịu hạn tốt, lúc nhỏ cần che bóng nhẹ. Cây trồng từ hạt 4-5 năm sau có quả; cây trồng từ cây ghép 2-3 năm cho quả, cây có tuổi thọ khoảng 40 năm. Cây trưởng thành bình quân cho năng suất 40-50kg/cây.
Cay mac mat La mac mat                                                                                             Quả và lá cây mắc mật
Kỹ thuật trồng

Chuẩn bị giống: Cây giống từ hạt 12 tháng tuổi trong vườn ươm, chiều cao 15- 20 cm, khỏe, không sâu bệnh. Cây giống ghép 6-8 tháng tuổi (cành ghép bánh tẻ ( 10cm với 4-5 chồi ngủ được ghép nêm vào cây gốc ghép 16-18 tháng tuổi) từ cây mẹ nhiều quả.
Đất trồng: Đất trồng có tầng đất dày > 50cm,  đất thoát nước tốt, đất nương rẫy, đất đồi thấp, phù sa, đất đỏ bazan, đất thịt pha cát, đất ven suối

Mật độ trồng: trồng mật độ 400-500 cây/ha với khoảng cách hang cách hang 4,5-5m, cây cách cây  5m; có thể trồng xen vào các vườn cà phê, chè để làm cây che bóng (với mật độ thấp hơn).

Hố trồng: Đào hố kích thước 50x50x50 cm. Mỗi hố bón lót hỗn hợp trộn đều 5kg phân chuồng hoai hoặc 0,5kg hữu cơ vi sinh + 1kg phân lân. Hố được bón phân và lấp hố trước khi trồng 1 tháng.

Kỹ thuật trồng: Dùng cuốc đào lỗ giữa hố có độ sâu hơn chiều cao của bầu cây  2-3cm. Dùng dao rạch bầu nylon từ trên xuống, cắt bỏ rễ cong queo dưới đáy bầu, đặt cây nhẹ xuống hố cuốc, lấp đất và ấn nhẹ xung quanh gốc cây. Cắm cọc cố định và buộc cây vào cọc chống gió lay gốc. Trồng vào mùa mưa vun đất cao hơn mặt bầu để thoát nước.

Tưới nước: Mắc mật là cây chịu hạn tuy nhiên mùa khô cũng cần tưới nước giữ ẩm để cây sinh trưởng và phát triển tốt.

Bón phân: Sau khi trồng 1-2 tháng cây đã bén rễ cần bón phân đạm (pha loãng 1-2%) 1-2 lần, cách nhau 1 tháng để cây mau phục hồi. Thời gian 2 năm đầu, hàng năm bón cho mỗi cây 0,2-0,4kg phân NPK 16-16-8, một năm bón 2 lần, những năm sau đó tăng thêm 0,1kg/cây. Khi cây ra hoa, có quả bón 1-2kg NPK/cây, bón cách gốc 1-1,5m, bón bổ sung 0,2-0,3 kg vôi/ cây.

Làm cỏ: Thường xuyên làm sạch cỏ quanh gốc cây với đường kính 1m để tránh cạnh tranh dinh dưỡng.

Tạo tán: Hai năm đầu cắt ngọn cây 1-2 lần để ra 4-5 cành khung khỏe, bộ tán gọn. Cắt bỏ cành nhỏ, cành vượt trong tán cây.

Phòng trừ sâu bệnh: Cây Mắc mật ít bị sâu bệnh, tuy nhiên cần thường xuyên kiểm tra theo dõi để phòng trừ kịp thời sâu bệnh có thể phá hại.

Thu hoạch, bảo quản và chế biến: Khi quả chín đều cần thu hoạch từng cây một, có thể buộc thành bó nhỏ đem bán; quả tách vỏ đem hạt phơi khô, xay thành bột, dùng làm gia vị như hạt tiêu để kho thịt cá, bảo quản trong túi nylon để nơi khô ráo, thoáng mát; quả tươi rửa sạch cho vào lọ ngâm với muối, ớt, măng chua để làm gia vị làm cách này quả luôn tươi, khi ăn luôn có mùi thơm.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Tiến Bân (2003), Danh lục các loài thực vật Việt Nam, tập II. NXB Nông nghiệp, tr.696

2. Phạm Hoàng Hộ (1999), Cây cỏ Việt Nam, tập II, tr.425.

3. Department of the Army (2003). The illustrated Guide to edible wild plants. The Lyons press. p.35

3. USDA (2010). USDA Plants Database Search. Clausena indica in the Germplasm Resources Information Network (GRIN).

4. https://www.benh.vn/dong-y/Tac-dung-it-biet-den-cua-cay-mac-mat/61/3968/26-10-2013.htm

5. https://khuyennonglamdong.gov.vn/hoat-dong-kn-lam-dong/qui-trinh-ky-thuat/15 tháng 9, 2014-k-thut-trng-cay-mc-mt.html.

PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Huệ sưu tầm và biên soạn

Đới Hồng Hạnh

Admin trang web Trung tâm Tài nguyên thực vật phiên bản Wordpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.