Giống dưa trời Trường Giang

TS Trần Danh Sửu, PGĐ Trung tâm Tài nguyên thực vật (thuộc Viện Khoa học nông nghiệp VN), Chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu tuyển chọn và phát triển một số giống dưa trời làm rau xanh” cho biết: Dưa trời là loài thực vật thuộc họ bầu bí, một trong những loại cây làm rau được đồng bào các dân tộc miền núi sử dụng từ lâu đời.
Dưa trời có ưu việt là rất sai quả, đa dạng trong phương thức sử dụng: quả non sử dụng làm rau, quả già sử dụng như trái cây; đồng thời cũng là vị thuốc. Dưa trời có đặc điểm sinh trưởng phát triển bền vững, kháng nhiều loại sâu bệnh, chịu được đất nghèo dinh dưỡng. Do những đặc tính nêu trên, dưa trời là một trong những loại rau có tiềm năng phát triển mạnh trong các chương trình sản xuất rau an toàn cho cả miền núi, đồng bằng và thành thị. Hiện nay tại Ngân hàng gen cây trồng Quốc gia đang lưu giữ 38 giống dưa trời được thu thập và nhập nội từ nhiều địa điểm khác nhau. Việc đánh giá và bình tuyển các giống dưa trời có tiềm năng năng suất, khả năng kháng sâu bệnh khá phục vụ cho sản xuất rau an toàn và đa dạng hoá nguồn rau đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Theo TS Sửu, dưa trời tên khoa học là Trichosanthes L, còn có tên gọi dân gian là qua lâu, thau ca, mướp hổ, mướp tây, lặc lè gồm khoảng 45 loài, phân bố từ vùng viễn đông Australia và một số nơi khác. Đây là loại cây leo hoặc bò, sống hàng năm hoặc lâu năm, đơn tính cùng gốc hoặc khác gốc. Tua cuốn đính ở gốc cuống lá đơn hoặc phân 2-5 nhánh; lá mọc cách, có cuống dài. Hoa mọc ở nách lá, đơn tính, đối xứng tỏa tia. Quả mọng, nạc, hình cầu hay hình trái xoan, hình trứng dài. Hạt thường dẹt và dài. Dưa trời có đặc điểm sinh trưởng phát triển bền vững, chịu được đất nghèo dinh dưỡng và kháng nhiều loại sâu bệnh.
Từ năm 2006, Trung tâm TNTV đã phối hợp với nông dân trồng thử nghiệm giống dưa trời tại xã Tiền Phong (Mê Linh, Hà Nội), xã Hải Vân (Hải Hậu, Nam Định), xã Thạch Bình (Nho Quan, Ninh Bình), xã An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) và thị trấn Kỳ Sơn (Kỳ Sơn, Hòa Bình). Kết quả cho thấy thời gian ra hoa của các giống dưa trời dao động từ 52 – 92 ngày. Kết quả đánh giá năng suất các giống dưa trời năm 2007 cho thấy giống dưa trời 7781 đạt năng suất cao nhất là 58,1 tấn/ha, tiếp đến là giống T3291: 57,6 tấn/ha.
Theo chân Th.S Đỗ Mạnh Thụ, Bộ môn nhân giống và đánh giá nguồn gen (Trung tâm TNTV), chúng tôi đến nhà ông Đinh Duy Luyến tại thôn Ấp, xã Tiền Phong (Mê Linh, Hà Nội) – hộ nông dân tham gia mô hình trồng giống dưa trời. Ông Luyến cho biết: Từ vụ xuân 2006 gia đình ông trồng hơn 3 sào giống dưa trời (giống 7781 và T3291) do Trung tâm TNTV cung cấp giống. “Thú thật ban đầu họ đưa giống mới về tôi cũng thấy ngại, vì chẳng biết khi trồng ra quả có bán được không, song vẫn mạnh dạn trồng. Cũng như bí hoặc mướp, đây là cây rất dễ trồng. Trồng từ đầu tháng 2 dương lịch đến cuối tháng 3 đã ra hoa đậu quả. Quả lớn “nhanh như thổi”, chỉ 7 ngày sau đậu quả là thu hoạch. Bình quân 1 sào thu khoảng 50 kg quả/ngày. Những ngày đầu vợ tôi đem ra chợ bán, sau dân buôn đến tận vườn lấy hàng, bán tại chỗ từ 5.000 – 8.000đ/kg. Tính ra mỗi sào thu từ 8 – 9 triệu đồng” – ông nói.
Cũng theo ông Luyến thì cả 2 giống dưa trời này cho thu hoạch liên tục từ tháng 4 đến tháng 10, chống chịu sâu bệnh tốt. Từ khi trồng đến lúc phá giàn, không phải phun 1 bình thuốc BVTV nào. Tuy nhiên khó nhất là việc xử lí giống trước khi gieo. Giống dưa trời phải xử lí bằng phương pháp “3 sôi 2 lạnh”, sau đó ươm bầu 20 ngày (khoảng 4 lá) mới đưa ra luống. Khi trồng gặp thời tiết lạnh cây dễ chết… Th.S Đỗ Mạnh Thụ cho biết: Đây là loại cây giao phấn tự do nên khi trồng lấy giống phải cách ly. Nông dân tự trồng để lấy giống thì vụ sau quả sẽ không đều, đôi khi biến dạng, đem bán khó. Các giống dưa trời đều thích nghi với đất nghèo dinh dưỡng, ưa phân hữu cơ. Ngoài việc bón NPK, bón thêm phân ủ cây rất sai quả và bền.
TS. Trần Danh Sửu cho biết, từ 38 giống dưa trời đang lưu giữ tại Ngân hàng gen cây trồng quốc gia, Trung tâm TNTV đã bình tuyển được 2 giống dưa trời 7781 và T3291 có năng suất cao nhất. 2 giống dưa trời triển vọng này đều thích nghi tốt với các vùng sinh thái khác nhau. Mật độ gieo trồng cho năng suất cao nhất là 2.500 cây/ha. Nền phân bón áp dụng cho 1ha đạt năng suất cao là 90 kg đạm, 75 kg lân, 35 kg kali. Sắp tới Trung tâm TNTV sẽ đề nghị Bộ NN – PTNT công nhận giống TBKT để phục vụ sản xuất rau an toàn.
Click vào đây để biết kỹ thuật gieo trồng hoặc liên hệ: Trung tâm Tài nguyên thực vật, địa chỉ: An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội để tìm hiểu rõ hơn về giống và các thông tin liên quan khác.
Bài và ảnh theo https://agriviet.com/

Đới Hồng Hạnh

Admin trang web Trung tâm Tài nguyên thực vật phiên bản Wordpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.