Giống đậu tương cao sản ĐT2006

Giống ĐT 2006 được lai tạo và chọn lọc theo phương pháp phả hệ từ dòng lai 1918…
     Sau 4 năm tập trung nghiên cứu, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Tài nguyên thực vật (Viện KHKTNN Việt Nam) đã tuyển chọn, lai tạo và sản xuất thành công giống đậu tương cao sản ĐT2006.

     Giống ĐT 2006 được lai tạo và chọn lọc theo phương pháp phả hệ từ dòng lai 1918. Giống đậu tương ĐT 2006 có thời gian sinh trưởng trung bình 80-90 ngày, cây cao trung bình 40-50cm, thân to và cứng, ít đổ, lá nhỏ, màu xanh nhạt. Thân có từ 12-18 đốt, phân cành nhiều (4-8 cành/cây). Hoa màu trắng, sai quả (60-150 quả/cây), trong đó số quả có 3 hạt chiếm tới 60-65%, 30-35% số quả có 2 hạt, quả 1 hạt chỉ có từ 1-5%. Khối lượng 1.000 hạt đạt từ 150-170g, hạt màu vàng sáng, rốn (mày) hạt màu nâu. ĐT 2006 có khả năng kháng các bệnh rỉ sắt và phấn trắng cao nên thích hợp cho gieo trồng vụ xuân, xuân muộn, vụ hè và thu đông. Năng suất hơn 4 tấn/ha trên diện rộng, đặc biệt là giống cho năng suất cao nhất ở các vụ hè và hè thu, nếu thâm canh tốt có thể đạt trên 6 tấn/ha. Từ năm 2004 đến nay giống ĐT 2006 được đưa vào sản xuất trên diện rộng ở một số địa phương như Phú Xuyên (Hà Tây), Từ Sơn (Bắc Ninh), Lục Nam (Bắc Giang) cho kết quả rất tốt, được nông dân chấp nhận.

     Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Xuân, Trạm phó Trạm Khuyến nông Phú Xuyên (Hà Tây) cho biết: Nhiều bà con nông dân huyện Phú Xuyên rất ưa giống đậu tương ĐT 2006 vì dễ trồng, cho năng suất cao, hiệu quả kinh tế lớn. Khuyến nông huyện sẽ phối hợp với Viện KHKTNN Việt Nam tiếp tục đưa khoảng 50ha giống đậu cao sản này vào cơ cấu cây trồng vụ đông năm nay của huyện.

     Theo TS. Tạ Kim Bính, tác giả giống ĐT 2006, để đạt năng suất cao, ngoài các biện pháp thâm canh đậu tương thông thường ra, bà con cần chú ý thêm một số điểm sau đây:

     – Thời vụ: ĐT 2006 có thời vụ gieo trồng rộng, trồng được nhiều vụ trong năm; từ 20/1 đến 30/9, trong đó vụ thu đông và vụ đông gieo từ 10/8 đến 30/9.

      – Phân bón: Lượng phân tính cho 1ha gồm: 5 tấn phân chuồng hoai mục + 40kg N + 60kg P2O5 + 40kg K2O. Bón lót toàn bộ phân chuồng và phân lân. Lượng phân đạm và kali dùng bón thúc chia làm 2 lần kết hợp làm cỏ, xới xáo, vun gốc lần 1 sau gieo 10-15 ngày và lần 2 sau lần 1 khoảng 2-3 tuần.

    – Khoảng cách mật độ: Vụ xuân, xuân muộn gieo khoảng cách 30-35cm x 8-10cm/cây (30-35 cây/m2). Vụ hè, hè thu gieo khoảng cách 40-45cm x 8-15cm/cây (20-25cây/m2). Vụ thu đông và vụ đông gieo khoảng cách 30-35cm x 4-6cm/cây (40-50 cây/m2).

Theo NNVN

Đới Hồng Hạnh

Admin trang web Trung tâm Tài nguyên thực vật phiên bản Wordpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.