Quy trình kỹ thuật sản xuất giống lúa khẩu Ký

1. Phạm vi áp dụng
Tài liệu này áp dụng cho sản xuất giống lúa Khẩu Ký trong điều kiện vụ Mùa tại Lai Châu.
2. Tiêu chuẩn viện dẫn
+    Quy phạm Khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định của giống lúa do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành (Tiêu chuẩn ngành 10TCN 554-2002).
+    Quy trình kỹ thuật sản xuất hạt giống do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành (Tiêu chuẩn ngành 10TCN 395: 2006).
+    Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng hạt giống lúa do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành (QCVN 01-54 : 2011/TTBNNPTNT).
3. Kỹ thuật trồng trọt
3.1. Thời vụ gieo trồng

Thời vụ gieo mạ:  từ 20/5 – 10/6 dương lịch.
3.2  Đất và làm đất
3. 2.1. Ruộng mạ

– Làm đất mạ: Chọn loại đất thịt nhẹ, độ phì khá, được làm nhuyễn, lên luống rộng 1,2-1,4m, có rãnh rộng 25- 30cm, mặt luống phẳng và không đọng nước.
3. 2.2. Ruộng sản xuất
Yêu cầu ruộng sản xuất (theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN1776:2004)
Chọn ruộng có độ phì khá, bằng phẳng, đầy đủ ánh sáng, chủ động tưới tiêu, sạch cỏ dại và sâu bệnh, không có lúa vụ trước mọc lại, ít bị tác động bởi các điều kiện ngoại cảnh bất thuận.
Cách ly: Ruộng giống phải được cách ly với các ruộng lúa xung quanh tối thiểu 3m, ruộng giống phải trỗ trước hoặc sau các ruộng khác ít nhất 15 ngày.
Phải cầy bừa đất kỹ sạch cỏ dại, lúa vụ trước và các cây trồng khác. Đặc biệt chú  ý xử lý rơm rạ, cỏ rác làm đất sớm để tính hiện tượng cây lúa bị ngộ độc hữu cơ giai đoạn sau cấy.
3.3. K‎ỹ thuật làm mạ
3.3.1 Ngâm ủ hạt giống

Hạt giống được ngâm trong nước sạch đến khi no nước (thường từ 24-30 giờ), sau đó rửa chua, để ráo nước, ủ ở nhiệt độ 30-350C. Trong quá trình ủ cần thường xuyên kiểm tra (5-6 giờ 1 lần) để điều chỉnh nhiệt độ và ẩm độ phù hợp, kết hợp ngày ngâm đêm ủ để mầm lúa và rễ lúa mọc đều nhau. Khi mầm lúa đạt độ dài 2-3 mm thì có thể tiến hành gieo mạ.
3.3.2 Kỹ thuật gieo mạ
Gieo 30-50g mộng trên 1m2, gieo đều và chìm mộng. Thường xuyên giữ nước để ruộng mạ liền bùn.
3.3.3 Phân bón
Lượng phân bón cho 1ha mạ: 0,5 tấn phân hữu cơ vi sinh, 30-35kg N, 40-45kg P2O5 và 40-45kg K2O.
– Cách bón:
+ Bón lót toàn bộ phân hữu cơ vi sinh và P2O5 trước khi bừa lần cuối, trước khi gieo bón 50% N + 50% K2O bằng cách rải và xoa đều trên mặt luống.
+ Bón thúc lượng N và K2O còn lại từ 1 đến 2 lần tuỳ theo tuổi mạ và kết thúc trước khi nhổ cấy 5 – 7 ngày.
3.3.4 Chăm sóc mạ
– Quản lí nước: Thường xuyên giữ nước để ruộng mạ liền bùn. Sau khi gieo đến 1,1 lá giữ mặt luống khô, tránh vũng nước trên mặt luống, cần giữ nước thường xuyên ở rãnh.  Khi mạ 2,1 lá tưới một lớp nước mỏng, sau đó tháo và tưới xen kẽ. Khi mạ đạt 2.1 lá tiến hành giữ lớp nước khoảng 1 cm
– Phòng trừ sâu bệnh hại: Cần kiểm tra thường xuyên, phát hiện và phòng trừ kịp thời các loại sâu bệnh: Như khô vằn, rầy, sâu đục thân sâu cuốn lá. .trước khi cấy 3-5 ngày tiến hành phun phòng một số sâu bệnh hại chính.
3.3.5 Yêu cầu mạ khi cấy
– Mạ được cấy khi tuổi mạ đạt 25 – 30 ngày. Khi cấy cây mạ phải to, khỏe, tỷ lệ mạ đẻ nhánh cao, rễ dài và trắng, lá xanh, sạch sâu bệnh
4. Kỹ thuật canh tác ruộng cấy
4.1 Mật độ và khoảng cách gieo trồng

– Tuổi mạ: khi cấy tuổi mạ đạt 5 đến 6 lá
– Kỹ thuật cấy: Cấy 1 dảnh, thẳng hàng, theo băng. Mật độ: Cấy 40-45 cây/m2 .
4.2  Phân bón
+ Lượng phân bón (tính cho ha): Phân hữu cơ vi sinh: 0,8-1 tấn; Phân Urê: 150 – 180 kg; Phân Lân: 350 – 450 kg; Phân Kali: 100 – 120 kg
+ Cách bón:
+ Bón lót toàn bộ phân vi sinh, lân, 30% đạm Urê và 30% Kali, trước khi bừa lần cuối.
+ Bón thúc đợt 1: bón sau khi lúa bén rễ hồi xanh (sau cấy 5-7 ngày) 50% Urê + 40 % Kali kết hợp làm cỏ sục bùn.
+ Bón thúc đợt 2: bón khi cây lúa phân hóa đòng 20% đạm Urê, 30% Kali.
4.3  Chăm sóc
4.3.1 Quản lí nước

Sau khi cấy giữ lớp nước 3 – 5cm cho lúa hồi xanh, sau đó thường xuyên giữ nước ở mức 2 – 3cm. Khi lúa kết thúc đẻ nhánh rút nước phơi ruộng 5 – 7 ngày, sau đó giữ đủ nước trong suốt thời kỳ làm đòng, trỗ bông và vào chắc. Trước khi thu hoạch 7 – 10 ngày rút kiệt nước.
4.3.2 Kiểm soát cỏ dại
+ Loại bỏ cỏ khi làm đất, giai đoạn mạ, khi cây đẻ nhánh và trước thu hoạch, chú ý loại bỏ hoàn toàn cỏ lồng vực.
+ Khi lúa bắt đầu vào giai đoạn đẻ nhánh cần phải làm cỏ sục bùn.
+ Thời gian làm cỏ: Vào đầu thời kỳ đẻ nhánh hữu hiệu. Tuỳ theo tình hình sinh trưởng của lúa mà có thể làm cỏ 1-3 lần, cần kết thúc trước khi lúa làm đòng.
+ Khi làm cỏ cần để mực nước nông, thường làm cỏ sau khi bón thúc đẻ nhánh.
5.  Phòng trừ sâu bệnh
Cần theo dõi và phòng trừ kịp thời các loại sâu bệnh chính trong từng giai đoạn như bọ trĩ, ruồi đục nõn, sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy nâu, đạo ôn, khô vằn và bạc lá, đồng thời tích cực trừ chuột. Dưới đây là cách phòng trừ hai sâu bệnh chính.
5.1 Sâu đục thân
Sâu non đục vào thân mạ, lúa cắn nõn lúa gây ra dảnh héo thời kỳ lúa đẻ nhánh hoặc cắn đứt ngang cuống đòng, cuống bông gây ra bông bạc thời kỳ lúa trổ. Trong một vụ thường có 2 đợt sâu non phát sinh gây hại nặng (Khi lúa ở giai đoạn đẻ nhánh và trỗ).
Phòng trừ:
– Bố trí thời vụ gieo thích hợp để khi lúa trồng không trùng thời gian bướm rộ.
– Lúa đẻ nhánh: Sử dụng một trong các loại thuốc sau để rải: Regen 0.3G, Diazan 10H, Vibasu 10H, Patox 4G… (lưu ý giữ mực nước ruộng 2 – 4 cm). Liều lượng: 2-3kg/1000m2.
– Lúa đòng trỗ: Dùng một trong các loại thuốc trừ sâu đục thân đặc hiệu (Virtako 40WG, Padan 95 SP, Regent 800WG, Marshal 200SC) theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Phun thuốc lần 1 khi sâu non nở rộ (hoặc lúa bắt đầu trổ). Nếu mật độ ổ trứng cao phun lại lần 2 cách lần 1 từ 4 – 5 ngày.
5.2 Bạc lá
Giống Khẩu ký kháng trung bình với bệnh bạc lá (ít nhiễm). Trong quá trình gieo trồng phải theo dõi để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Khi có bệnh bạc lá xuất hiện 5-10% số lá có thể dùng các loại thuốc như Xanthomex 20WP, Sasa 20WP, Starnor 20WP… theo liều khuyến cáo.
6.  Thu hoạch và bảo quản
– Thời gian thu hoạch: Thu hoạch vào lúc sau trỗ 28-32 ngày hoặc khi thấy 85-90% số hạt trên bông đã chín vàng.
– Sau khi gặt tiến hành tuốt ngay, không nên phơi mớ trên ruộng.
– Phơi thóc trên sân gạch, xi măng hoặc sân đất. Nên sử dụng bạt dứa lót dưới trong quá trình phơi, phơi từ 2-3 ngày là được.
– Sau khi làm khô, rê sạch và sử dụng bao để đựng. Bảo quản lúa ở những nơi khô ráo và thoáng. Nếu bảo quản trong thời gian dưới 3 tháng, độ ẩm thóc đạt 13-14%. Nếu thời gian bảo quản trên 3 tháng, độ ẩm phải dưới 13%.

Đới Hồng Hạnh

Admin trang web Trung tâm Tài nguyên thực vật phiên bản Wordpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.