Nghiên cứu khả năng chịu mặn của một số nguồn gen lúa lưu giữ tại ngân hàng gen cây trồng Quốc gia

     Đất nhiễm mặn đang là một trở ngại lớn trong sản xuất nông nghiệp ở các vùng ven biển trên Thế giới. Băng tan ở hai cực cùng với mực nước biển dâng cao đã và đang tác động rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực, đời sống nông dân nhiều vùng sản xuất nông nghiệp ven biển.
Ở Việt Nam, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, ven biển Bắc và Nam Trung bộ và một số tỉnh đồng bằng Bắc bộ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng của vấn đề xâm nhập mặn. Vấn đề đặt ra là cần nghiên cứu các giải pháp cụ thể nhằm ổn định, nâng cao năng suất và hiệu quả trồng lúa tại các vùng đất nhiễm mặn trên.
Các nghiên cứu cơ bản về đặc tính chịu mặn của lúa sẽ cung cấp thông tin khoa học rất hữu ích cho canh tác và chọn tạo giống lúa chịu mặn, đây cũng là vấn đề cần được tăng cường nghiên cứu ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Việc chọn lựa các giống lúa có khả năng chịu mặn cao, xây dựng quy trình thâm canh các giống lúa trong điều kiện sản xuất thực tế, tập trung khai thác nguồn tài nguyên di truyền địa phương là việc làm mang tính cấp thiết.
Với mục đích tìm hiểu các đặc điểm sinh lý trong giai đoạn trỗ có liên quan đến khả năng chịu mặn của một số nguồn gen lúa, thí nghiệm đã được bố trí với 5 nguồn gen lúa chịu mặn và 2 giống lúa đối chứng: Nước mặn dạng 1 (G1, SĐK3443), Lúa chăm (G2, SĐK5127), Cườm dạng 1 (G3, SĐK6188), Chiêm rong (G4, SĐK6191), Lúa chăm biển (G5, SĐK6234), IR28 (mẫn cảm với mặn – đối chứng 1) và A69-1 (kháng mặn – đối chứng 2).
Kết quả nghiên cứu cho thấy: cường độ quang hợp và các chỉ tiêu liên quan đến quang hợp như độ nhạy khí khổng, hàm lượng CO2 trong gian bào, cường độ thoát hơi nước, chỉ số SPAD, khả năng vận chuyển điện tử của hệ quang hóa II, hàm lượng Chlorophyl của các nguồn gen lúa đều chịu ảnh hưởng của mặn, trong đó mặn ảnh hưởng đến độ nhạy khí khổng, hàm lượng CO2 trong gian bào, cường độ thoát hơi nước nhiều hơn so với SPAD và khả năng vận chuyển điện tử của hệ quang hóa II. Hàm lượng Chlorophyl trong lá cũng chịu ảnh hưởng của mặn, khi tăng nồng độ xử lý mặn hàm lượng Chlorophyl của các nguồn gen giảm. Mặn cũng ảnh hưởng đến một số chỉ tiêu hình thái của các nguồn gen lúa như làm chậm khả năng đẻ nhánh, ra lá và hạn chế sự sinh trưởng về chiều cao cây. Ngoài ra, khi tăng nồng độ xử lý mặn khối lượng của chất khô tích lũy của các nguồn gen giảm. Kết quả ban đầu cho thấy 2 nguồn gen Cườm dạng 1 và Chiêm rong có khối lượng chất khô tích lũy cao nhất, có tiềm năng cho năng suất cao nhất. Đây là 2 nguồn gen có khả năng chịu mặn tốt hơn các nguồn gen còn lại.
Xem báo cáo chi tiết tại đây
ThS. Dương Thị Hồng Mai, TS. Tăng Thị Hạnh & cs

Đới Hồng Hạnh

Admin trang web Trung tâm Tài nguyên thực vật phiên bản Wordpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.