Kết quả phục tráng củ Từ Bơn Nghệ An
Ngày nay cùng với sự gia tăng về nhận thức và trình độ dân trí, nhu cầu tiêu thụ nguồn tinh bột từ cây có củ ngày càng gia tăng. Mặt khác, những thách thức về biến đổi khí hậu, sự suy giảm độ phì của đất, sự khan hiếm của nguồn nước tưới và nguy cơ ngày càng cao của suy thoái môi trường do sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật và phân hoá học… đòi hỏi phải tăng cường phát triển các nguồn gen cây có củ có khả năng thích nghi cao, đầu tư ít về phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật.
Giống củ từ Bơn (Dioscorea esculenta L.) được trồng nhiều ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An nên thường gọi là Củ từ Bơn Nghệ An. Củ từ Bơn Nghệ An có chất lượng tốt, thích nghi với đất khô hạn, bạc màu, đất đồi, đất thấp và vùng núi cao, kháng sâu bệnh tốt nên hạn chế việc sử dụng hoá chất, chất lượng ăn luộc ngon. Ở Nghệ An, củ từ là cây mang lợi nhuận cho người dân nghèo vùng khó khăn, đặc biệt ở huyện Nam Đàn, củ từ đã trở thành củ từ đặc sản của địa phương. Tuy nhiên, củ từ Bơn đang bị thoái hoá, năng suất càng ngày càng bị suy giảm. Ngoài ra giống cũng đang bị mất dần do lẫn tạp các giống khác như củ từ dài, từ lông…, giống bị già sinh lý; kỹ thuật sản xuất không phù hợp, đầu tư phân bón ít và do thiếu công lao động nên nông dân thường áp dụng cách trồng tối thiểu không lên luống, ít che phủ, do vậy việc nghiên cứu phục tráng giống củ từ Bơn Nghệ An là rất cần thiết để tạo ra được quần thể giống đồng nhất cho năng suất cao và ổn định.
Áp dụng phương pháp phục tráng với 50 quần thể ban đầu thu thập ở địa phương đã phục tráng được 8 quần thể đáp ứng đủ điều kiện so với bảng mô tả giống gốc. Các quần thể này đã được chuyển giao cho địa phương, góp phần duy trì và phát triển giống củ từ Bơn Nghệ An đã bị thoái hóa, trong các năm tiếp theo.
Từ khóa: Bản mô tả, củ từ Bơn (Dioscorea esculenta L.), Nghệ An, phục tráng, quần thể, thoái hóa.
Xem bản đầy đủ: tại đây