Kết quả nghiên cứu tuyển chọn giống chè mới năng suất cao từ các dòng chè lai cứu phôi ở điều kiện Phú Hộ, Phú Thọ

        Chọn tạo giống chè mới theo phương pháp truyền thống là một quá trình kéo dài nhiều năm, thậm chí vài chục năm, bao gồm nhiều giai đoạn khác nhau. Giai đoạn chiếm nhiều thời gian nhất là giai đoạn chọn lọc cá thể và đánh giá khảo nghiệm trên đồng ruộng, quá trình này được tính từ lúc trồng cây con ra ngoài đồng ruộng đến khi cây thành thục và biểu hiện đầy đủ tất cả các tính trạng vốn có của nó. Dựa vào những tính trạng để đánh giá, tuyển chọn những dòng, giống tốt có năng suất cao, chất lượng tốt và mang những đặc điểm mong muốn, trên cơ sở đó phát triển nhân rộng đưa vào sản xuất.

Ứng dụng Công nghệ sinh học là một hướng mới trong công tác giống chè ở nước ta hiện nay. Nhờ đó, thời gian chọn tạo giống chè mới sẽ được rút ngắn do định hướng được gen mong muốn và nuôi cấy mô sớm tạo ra số lượng nhiều cây là nguồn vật liệu khởi đầu có giá trị phục vụ cho đánh giá, chọn lọc. Nhằm sớm tạo được giống chè mới phục vụ sản xuất, chúng tôi đánh giá dòng chè mới ưu thế lai được tạo ra bằng kỹ thuật chỉ thị phân tử và công nghệ cứu phôi ngay từ giai đoạn nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, ở giai đoạn vườn ươm và trên đồng ruộng. Nội dung bài báo trình bày kết quả thí nghiệm đánh giá đồng ruộng cây chè con 1 năm tuổi.

Vật liệu nghiên cứu: là 9 dòng chè lai cứu phôi triển vọng được nhân bằng kỹ thuật nuôi cấy mô, gồm các dòng: CNS-1; CNS-2; CNS-3; CNS-4; CNS-5; CNS-6; CNS-7; CNS-8; CNS-9, được tạo ra từ các cặp bố mẹ có khoảng cách di truyền xa nhau và đã được chọn lọc từ các cá thể ở giai đoạn nuôi cấy mô và giai đoạn vườn ươm khi cây chè con được một năm tuổi.

Nội dung nghiên cứu: Thí nghiệm gồm 12 công thức với 9 dòng cứu phôi triển vọng và 3 giống đối chứng: LDP1, LDP2, Shan Chất Tiền (CT). Trồng tháng 11 năm 2010, trên đất dốc 10 độ, đã được san  thành băng phẳng kiểu bậc thang rộng 6m theo đường đồng mức. Chè trồng theo hàng kép, hàng lớn cách nhau 1,8m hàng kép cách nhau 0,4m, mật độ trồng 2,2 vạn cây/ha. Kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc nương chè theo quy trình.

Phương pháp nghiên cứu: Bố trí thí nghiệm với 3 lần nhắc lại theo khối ngẫu nhiên đầy đủ, diện tích mỗi ô thí nghiệm 5m2, diện tích toàn thí nghiệm (cả diện tích bảo vệ) 340 m2.

Các chỉ tiêu nghiên cứu: Tỷ lệ sống sau trồng, đặc điểm nông, sinh học, sâu bệnh cây chè lai cứu phôi giai đoạn 1 năm tuổi. Đánh giá các chỉ tiêu theo các phương pháp thông dụng về nghiên cứu chè. Nhằm sớm nhận biết khả năng năng suất, khi chè thí nghiệm được 9 tháng tuổi (tháng 8/2011) bắt đầu hái tạo hình lứa đầu tiên, cứ 30-32 ngày sau hái lứa tiếp theo. Từ tháng 8/2011 đến tháng 11/2011 có 3 lứa hái để đánh giá năng suất lý thuyết và năng suất thực thu. Búp chè hái 1 tôm + 3 lá non, cân khối lượng và quy ra ha.

   Kết quả nghiên cứu cho thấy:
1/ Các dòng chè lai cứu phôi đều có khả năng thích ứng với môi trường, sức chống chịu tốt và tỷ lệ sống sau 6 tháng trồng cao đạt 95-97%.

2/ Các dòng chè lai cứu phôi đều có sức sinh trưởng và phát triển khỏe hơn các giống chè đối chứng. Vượt trội nhất là các dòng CNS-1, CNS-3, CNS-6 và CNS-8, đường kính gốc đều > 2 cm, chiều cao hầu hết  > 1 m, số cành cấp 1 đạt từ 21 – 23 cành và cành cấp 2 từ 50-82 cành.

3/ Các dòng chè lai cứu phôi đều có năng suất cao hơn các giống đối chứng, năng suất thực thu cao nhất là các dòng CNS-6 (1197,33 kg/ha); CNS-1 (1149,33 kg/ha); CNS-3 (1076,18 kg/ha); CNS-8 (1007,51 kg/ha); trung bình là các giống CNS-9, CNS-2, CNS-7.

4/ Bước đầu tuyển chọn được 4 dòng chè lai cứu phôi có ưu thế lai vượt trội về khả năng thích nghi, sức sinh trưởng phát triển và khả năng cho năng suất cao đó là các dòng CNS-1, CNS-3, CNS-6 và CNS-8. Các dòng chè đang tiếp tục được đánh giá các chỉ tiêu cần thiết.
Xem báo cáo chi tiết tại đây

Cao Thị Huyền & cs

Đới Hồng Hạnh

Admin trang web Trung tâm Tài nguyên thực vật phiên bản Wordpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.