Khả năng chịu hạn của một số nguồn gen lúa địa phương đang được bảo tồn tại ngân hàng gen cây trồng quốc gia

       Ở Việt Nam, nghiên cứu về lúa chịu hạn thời gian qua đã tập trung vào đánh giá các đặc điểm hình thái, sinh lý sinh hóa và di truyền liên quan đến tính chịu hạn của cây lúa đồng thời chọn tạo, đưa ra các giống lúa chịu hạn phục vụ sản xuất (Vũ Tuyên Hoàng và cs., 1992; Nguyễn Hữu Cường và cs., 2003; Nguyễn Thị Thu Hoài, 2005; Phạm Anh Tuấn và cs., 2008). Đến nay, kết quả nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã được công bố và hàng chục giống lúa chịu hạn đã được Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chọn tạo ra như LC93-1, BC12, CH2, CH3, CH 133, CH5… đang được trồng rộng rãi ở vùng Trung du miền núi phía Bắc, Trung bộ, Đông Nam bộ và Tây nguyên. Tuy nhiên, đến nay chương trình chọn tạo, nhân giống lúa tập trung vào khả năng chịu hạn nhưng chưa tạo ra được nhiều giống lúa chịu hạn, năng suất cao phục vụ sản xuất. Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu khả năng chịu hạn của tập đoàn lúa địa phương đang được lưu giữ tại Ngân hàng gen cây trồng quốc gia, từ đó phân nhóm và xác định các nguồn gen chịu hạn tốt đề xuất như nguồn vật liệu khởi đầu phục vụ chọn tạo giống lúa chịu hạn hoặc giới thiệu trực tiếp cho sản xuất ở những vùng khó khăn về nước tưới là yêu cầu cấp thiết.

       Nghiên cứu nhằm xác định khả năng chịu hạn và khả năng phục hồi của 100 mẫu giống lúa địa phương được thu thập tại các tỉnh vùng Bắc Trung bộ (đối chứng với giống lúa chịu hạn CH5) theo phương pháp gây hạn nhân tạo ở các giai đoạn sinh trưởng khác nhau. Kết quả cho thấy các mẫu giống lúa có phản ứng khác nhau với điều kiện hạn ở mỗi giai đoạn sinh trưởng phát triển. 100 mẫu giống lúa đã được phân nhóm theo mức độ chịu hạn, khả năng phục hồi ở các giai đoạn sinh trưởng phát triển. Xác định được bốn mẫu giống lúa chịu hạn tốt (điểm 1) qua tất cả các giai đoạn là Tứ thời Thanh Hóa (SĐK 12), Tám đỏ Thanh Hóa (SĐK 299), Nếp Lốc Thanh Hóa (SĐK 325) và Mùa trắng Thanh Hóa (SĐK 585). Ngoại trừ mẫu giống Tám đỏ Thanh Hóa (SĐK 299), 03 giống còn lại có năng suất cao hơn hoặc tương đương đối chứng CH5 (4,18 tấn/ha) trong điều kiện hạn nhân tạo.

Chi tiết: xem tại đây

Đới Hồng Hạnh

Admin trang web Trung tâm Tài nguyên thực vật phiên bản Wordpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.