Kết quả khoa học công nghệ năm 2015 của Trung tâm Tài nguyên thực vật
Năm 2015, Trung tâm Tài nguyên thực vật đã thực hiện 26 nhiệm vụ khoa học công nghệ. Trong đó, nhiệm vụ “Bảo tồn tài nguyên thực vật nông nghiệp” là nhiệm vụ trọng tâm của Trung tâm. Ngoài nhiệm vụ này, Trung tâm còn thực hiện Dự án “Phát triển ngân hàng gen cây trồng Quốc gia”, các đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, phối hợp với các địa phương và hợp tác Quốc tế. Trong năm 2015, Trung tâm đã đạt được những kết quả chính sau đây:
1. Thu thập nguồn gen
Thực hiện các nội dung phần vốn sự nghiệp thuộc Dự án Phát triển Ngân hàng gen cây trồng Quốc gia giai đoạn 2011-2015, Trung tâm đã tổ chức và phối hợp với các cơ quan mạng lưới để thu thập nguồn gen. Đã thu được trên 12.000 nguồn gen thuộc các loài, giống cây trồng và dạng bán hoang dại, góp phần quan trọng trong việc nâng cao số lượng và chất lượng cho ngân hàng gen cây trồng quốc gia. Năm 2015, Dự án Phát triển Ngân hàng gen cây trồng Quốc gia thu thập 900 nguồn gen, nhiệm vụ Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen thực vật nông nghiệp thu thập 44 nguồn gen cây trồng bản địa tại 4 tỉnh miền núi phía bắc.
2. Lưu giữ nguồn gen
Hiện tại, việc lưu giữ nguồn gen tại Ngân hàng gen cây trồng được phân ra thành 4 loại: Ngân hàng gen hạt giống, Ngân hàng gen đồng ruộng, Ngân hàng gen In-vitro và Ngân hàng gen ADN. Đến cuối năm 2015, Ngân hàng gen hạt giống lưu giữ an toàn trên 28.000 mẫu nguồn gen cây có hạt, Ngân hàng gen đồng ruộng lưu giữ 4.099 mẫu nguồn gen cây sinh sản vô tính, 131 mẫu nguồn gen cây ăn quả tại Trung tâm TNTV. Ngân hàng gen In-vitro đang lưu giữ 787 mẫu giống khoai môn – sọ, cỏ ngọt tại Trung tâm TNTV và 68 mẫu giống tại đơn vị mạng lưới (dâu tây, khoai tây). Ngân hàng gen ADN lưu giữ 100 mẫu nguồn gen ADN.
Ngoài ra có 6.120 nguồn gen khác (cây ăn quả, cây công nghiêp, cây thức ăn gia súc, nấm.v.v.) đang được lưu giữ tại các cơ quan mạng lưới, đồng thời đã xây dựng các mô hình bảo tồn nguồn gen cây trồng trên đồng ruộng của nông dân và trong vườn gia đình ở một số vùng sinh thái đặc trưng.
3. Nhân giống nguồn gen
Trong năm 2015, số lượng nguồn gen được nhân mới là khoảng 4.500 mẫu. Số lượng nguồn gen được nhân lại thu được lượng hạt giống đảm bảo về số lượng và chất lượng. Các nguồn gen được tiến hành nhân tại Trung tâm TNTV và các vùng sinh thái khác nhau như: Lạng Sơn, Nam Định và Ninh Thuận.
4. Đánh giá nguồn gen
Năm 2015 đã đánh các đặc điểm nông sinh học của hơn 1.505 nguồn gen. Đánh giá 50 mẫu giống lúa về tính chống chịu với điều kiện hạn; đánh giá đa dạng di truyền của 45 mẫu giống đậu tương bằng chỉ thị SSR; đánh giá chất lượng của 410 nguồn gen lúa; đánh giá khả năng kháng sâu, bệnh của 130 mẫu nguồn gen.
5. Xây dựng cơ sở dữ liệu và thông tin nguồn gen
Đã và đang tư liệu hoá, xác lập cấu trúc các bảng số liệu tương thích cho các modul đưa vào chương trình quản lý cơ sở dữ liệu TNDTTV Quốc gia đối với 7.322 nguồn gen lúa và 91 nguồn gen kê. Quản lý thống nhất dữ liệu của 28.791 nguồn gen đang bảo tồn tại Ngân hàng gen cây trồng Quốc gia.
6. Cấp phát nguồn gen
Tính đến tháng 12 năm 2015, Trung tâm đã cấp phát trên 4.500 mẫu giống cùng các thông tin liên quan cho các chương trình nghiên cứu như: nhân giống, đánh giá, chọn tạo.v.v. các giống như: lúa, rau, đậu đỗ, ngũ cốc và cây có củ.v.v.
7. Khai thác, phát triển nguồn gen, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật
Năm 2015, Trung tâm đã đẩy mạnh việc khai thác sử dụng các nguồn gen địa phương. Các nguồn gen đang khai thác, phát triển bao gồm lúa, đậu tương, đậu xanh, cải ngồng, bí xanh, mướp đắng, sen, rau gia vị, cây ăn quả.v.v.
Trong năm 2015, Trung tâm triển khai 07 nhiệm vụ khai thác và phát triển nguồn gen và đã đạt được các kết quả đáng khích lệ như: các giống bưởi Quế Dương, bưởi Đường Hiệp Thuận, Hồng Yên thôn đã được Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội công nhận là cây đầu dòng. Các giống lúa Tan nương, Khẩu mang, Khẩu ký, Khẩu nẩm pua, Dự thơm Thái Bình và Di hương Hải Phòng; các giống bí Đá chữ thập, bí Xanh trái dài và mướp Đắng xanh.v.v. đang được khai thác có hiệu quả và mang lại hiệu quả tích cực cho các địa phương. Phục tráng và phát triển 2 giống hoa sen mặt bằng và sen Tây Hồ. Khảo nghiệm cơ bản và hoàn thiện quy trình nhân giống 2 bộ giống gừng, nghệ triển vọng. Hoàn thiện quy trình nhân giống lan Hoàng thảo, Phi điệp.
Tiếp tục phát triển rộng trong sản xuất giống lúa Tẻ thơm ngắn ngày LT2, LT3, LH12, giống Khoai sọ KS4, KS5, 02 giống khoai lang ăn lá KLR1, KLR5; 02 giống Dưa trời năng suất cao.v.v. tại nhiều địa phương; tiếp tục khai thác, phát triển các nguồn gen lúa địa phương, đậu tương, đậu xanh, cải ngồng, cải mèo, cải mào gà, bí xanh, mướp đắng, húng láng.v.v.
Đặc biệt trong năm 2015, Trung tâm có 1 giống cây trồng được công nhận sản xuất thử đó là giống LH12.
Trung tâm đã phối hợp với các địa phương: Hà Nội, Hoà Bình, Lạng Sơn, Lai Châu, Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Nam, Phú Yên, Đắc Lắc để triển khai các đề tài do Trung tâm chủ trì. Hầu hết các địa phương đã tham gia phối hợp tích cực với chủ nhiệm và cán bộ nghiên cứu của Trung tâm
PGS.TS. Lã Tuấn Nghĩa