Chi bộ Trung tâm Tài nguyên thực vật dâng hương tại Khu di tích, đền thờ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh thuộc thị trấn Diêm Điền,huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình

Nhằm nâng cao nhận thức của các Đảng viên về lịch sử phát triển của Đảng cộng sản và các nhà hoạt động cách mạng Việt Nam, ngày 02 tháng 4 năm 2021 vừa qua, Chi bộ Trung tâm Tài nguyên thực vật do đồng chí Lã Tuấn Nghĩa, Bí thư Chi bộ dẫn đầu đã đến dâng hương tại Khu di tích, đền thờ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh thuộc thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Đây là dịp để các đồng chí Đảng viên trong Chi bộ nâng cao nhận thức, hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử truyền thống vẻ vang của Đảng và sự hy sinh cao cả của những lãnh tụ thời kỳ đầu do Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục và rèn luyện.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (1908 – 1931) sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, giàu truyền thống yêu nước, hiếu học tại làng Diêm Điền, tổng Hộ Đội, huyện Thụy Anh (nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Được giác ngộ cách mạng rất sớm, đồng cảm với nỗi thống khổ của của công nhân và nhận thấy sức mạnh to lớn của giai cấp công nhân nếu được đoàn kết lại. Đồng chí đã trực tiếp tham gia, vận động, tổ chức thành phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân.

Ngày 28 tháng 7 năm 1929, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã sáng lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ (tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) ngày nay. Sự ra đời của Tổng Công hội đỏ đặc biệt có ý nghĩa đối với phong trào công nhân Việt Nam và hoạt động tổ chức Công đoàn. Tháng 2 năm 1930, đồng chí tham dự Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và được phân công giữ các trọng trách: Bí thư Đảng bộ Hải Phòng, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ. Phụ trách công tác tuyên huấn tại Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã đóng vai trò quan trọng, cùng với Xứ ủy Trung Kỳ xây dựng một hệ thống báo Đảng từ xứ đến tỉnh và các cơ sở.

Ngày 9 tháng 4 năm 1931, trên đường từ cuộc họp quan trọng của Xứ ủy Trung kỳ trở về cơ sở, đồng chí bị chính quyền thực dân Pháp bắt giữ tại làng Yên Dũng Hạ (nay thuộc phường Hưng Thủy, TP. Vinh). Đồng chí lập tức bị chuyển giải về giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò chờ xét xử. Tại phiên tòa Hội đồng đề hình của thực dân Pháp mở ngày 15 đến ngày 17 tháng 11 năm 1931 tại Hà Nội, đồng chí bị kết án tử hình. Khi chánh án hỏi có xin ân xá không, đồng chí khẳng khái trả lời: “Đánh đuổi quân cướp nước, giành độc lập cho Tổ quốc, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam là không có tội. Đã không có tội, cần gì ân xá”.

Trong những ngày cuối cùng trong xà lim án chém, đồng chí đã dồn sức viết nhiều tài liệu như “Gia đình và Chủ nghĩa Cộng sản”“Nói chuyện với nước Tàu” và đặc biệt là tập “Công nhân vận động” nêu rõ đặc điểm giai cấp công nhân và kinh nghiệm vận động công nhân.

Ngày 30 tháng 7 năm 1932, chính quyền thực dân Pháp đã đưa đồng chí cùng một chiến sĩ cách mạng khác là đồng chí Hồ Ngọc Lân từ nhà tù Hỏa Lò Hà Nội xuống nhà lao Sông Lấp Hải Phòng để xử chém. Hai đồng chí đã bị thực dân pháp tử hình tại đây vào sáng sớm ngày 31 tháng 7 năm 1932. Tấm gương một lòng trung kiên hy sinh vì nước, vì dân, vì nhiệm vụ cao cả mà Đảng, Bác Hồ giao phó, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh mãi là gương sáng để các thế hệ Đảng viên sau này học tập, phấn đấu noi theo.

Đới Hồng Hạnh

Admin trang web Trung tâm Tài nguyên thực vật phiên bản Wordpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.