Các giống lúa trồng ở Việt Nam từ thời nguyên thủy đến hiện đại

1. MỞ ĐẤU

 Quá trình lịch sử sản xuất lúa gạo trên đất nước Việt Nam đã trải qua nhiều thời đại và các nền văn hóa từ nguyên thủy đến hiện đại. Các cư dân nguyên thủy phải sống với nhiều thử thách lớn, tranh đấu từng ngày với môi trường thiên nhiên để sinh tồn và tiến bộ. Họ phát triển đời sống của mình và cộng đồng dựa trên óc sáng tạo, sức chịu đựng và kinh nghiệm mưu sinh. Từ thời nguyên thủy, nghề nông đã giúp họ đạt đến đời sống ổn định, cộng đồng làng ấp có tổ chức, tiến bộ lâu dài, truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác không ngừng trong 10 000 năm qua. Hệ thống quản lý trồng lúa tiến bộ hôm nay là do trí tuệ khôn ngoan, lòng kiên nhẫn và sức phấn đấu gian khổ con người trên bước đường tiến hóa dân tộc và thăng trầm đất nước.

 Ở Việt Nam cũng như nhiều nước châu Á khác, cây lúa hoang có thể hiện diện cách nay ít nhứt 18 000 năm sau thời kỳ băng giá cực đại. Đến 10.000-8.000 năm trước, nền nông nghiệp sơ khai xuất hiện trong nền Văn Hóa Hòa Bình; đây là cuộc Cách Mạng Xanh đầu tiên của nhân loại. Ngoài cuộc sống hàng ngày với săn bắt, các cư dân biết hái lượm đậu, khoai, trái cây và sau đó hạt lúa để có thêm thức ăn hàng ngày. Cây lúa hoang được cư dân cổ thuần hóa từ thiên nhiên hàng ngàn năm để tiến đến sản suất có hệ thống như nghề trồng lúa rẫy du canh quanh các hang động cách nay 7 000-6 000 năm. Loại Hòa thảo này tiến hóa và phát triển không ngừng dưới sức tác động con người và môi trường, qua các nền văn hóa Bắc Sơn, Phùng Nguyên, Suối Linh-Cầu Sắt, Đông Sơn, cho đến thời Bắc thuộc, Độc Lập phong kiến, Pháp thuộc, cuộc Cách Mạng Xanh cuối cùng và thời Đổi Mới kinh tế trong nước.

Tiến trình tiến hóa của cây lúa được nhận biết dễ dàng qua hình dạng cây lúa từ loài hoang dại ít chồi, thân nhỏ, lá dài nhỏ màu xanh lợt cong rũ, và hạt dễ rụng khi chín đã phát triển thành cây lúa trồng: lúa rẫy, lúa nước cổ đại; qua thời gian trở nên cây lúa cổ truyền không thay đổi nhiều về hình dạng; sau đó được tuyển chọn, lai tạo để trở thành cây lúa cải tiến; và bước tiến hóa cuối cùng do khám phá gen lùn để trở nên cây lúa hiện đại thấp giàn, lá thẳng đứng, màu xanh đậm, phản ứng đạm cao, nhiều chồi, không đổ ngã, hạt ít rụng và năng suất cao. 

Hiện nay, cây lúa có mặt từ Nam ra Bắc, từ vùng đồng bằng đến các miền đồi núi, từ các vùng nước mặn, nước lợ, phèn đến nước ngọt, từ nơi ngập nước đến các vùng khô ráo, từ ruộng lúa nổi của đồng bằng sông Cửu Long đến ruộng bậc thang ở Sapa, Yên Bái, Hà Giang…, và cây lúa được trồng quanh năm ở nhiều nơi, thích nghi từng môi trường, với chu kỳ sinh trưởng và các hình dạng chồi, lá, hạt lúa khác nhau tiếp nối thay đổi không ngừng theo thời gian và không gian. 

2. VỤ LÚA QUA CÁC THỜI ĐẠI 

Do ảnh hưởng gió mùa, từ thời tiền sử cư dân Việt cổ trồng chỉ một vụ lúa rẫy hoặc lúa nước vào mùa mưa. Các bộ lạc trồng lúa trong nền văn hóa Hòa bình-Bắc Sơn (khoảng 7 000-6 000 năm trước) chỉ trồng một vụ lúa rẫy mỗi năm trên diện tích đất không giới hạn vừa đủ nuôi sống gia đình. Đến nay, nghề trồng lúa lâu đời này vẫn còn tồn tại ở các vùng núi đồi Miền Bắc và Cao nguyên Miền Trung với hệ thống du canh và kỹ thuật trồng trọt-gặt hái còn lạc hậu. 

Đến nền văn hóa Phùng Nguyên-Đồng Đậu (cách nay 4 000-3 500 năm) cư dân sống tập trung ở những buôn bản, thôn làng. Khi biển thoái, họ trồng lúa nước ở các gò cao, thung lũng hoặc lưu vực sông ngòi để sản xuất ổn định và thành lập làng xã lâu dài. Chiều hướng trồng loại lúa này tiếp tục phát triển ngày càng sung túc cho đến cuối thời đại Hùng Vương và An Dương Vương; từ đó nền văn minh lúa nước ra đời và được người sau thường nhắc đến. Vào trước CN, nhờ các giống lúa sớm và sau CN có thêm giống lúa Chiêm ít quang cảm và ngắn ngày, người Việt có thể phối hợp giống với dẫn thoát thủy để trồng hai vụ mỗi năm hầu đáp ứng nhu cầu lúa gạo gia tăng. Từ đó, miền Bắc có thêm vụ lúa Chiêm, còn gọi vụ Đông-xuân trồng từ tháng 11 đến tháng 5 và vụ lúa Mùa từ tháng 6 đến tháng 10 âm lịch. 

Ở Miền Trung, nhiều nơi cũng trồng 2 vụ lúa mỗi năm từ lúc nước Chiêm Thành được thành lập năm 192 sau CN, do ảnh hưởng nền văn minh Ấn Độ. Tại Miền Nam, lúa hai vụ (mùa mưa và mùa nắng) chỉ xuất hiện từ thời Pháp thuộc khi công tác thủy nông được thực hiện qui mô để đem nước tưới ruộng mùa khô. Cho đến 1975, miền này chỉ có khoảng 300 000 ha đất ruộng được tưới mùa khô với máy bơm nước. 

Đến cuộc Cách Mạng Xanh xảy ra từ 1968, cơ cấu trồng lúa trong nước đã thay đổi rất quan trọng: 

– Miền Bắc: Vụ Chiêm lần lượt giảm bớt và chuyển qua vụ Xuân, hoặc Xuân muộn. Ngoài ra, nhiều nơi còn trồng thêm vụ màu mùa đông như bắp, đậu tương, khoai tây… sau vụ Mùa. 

– Miền Nam: Vụ lúa Mùa giảm sút đáng kể và chuyển qua vụ Đông-xuân và vụ Hè-thu. 

– Miền Trung và Miền Nam: Trong thời kỳ Đổi Mới, nhiều nông dân trồng đến 3 vụ lúa mỗi năm ở những vùng thiếu đất và điều kiện thủy lợi cho phép. Trong 2012, ĐBSCL có đến hơn 500 000 ha với 3 vụ lúa, nhứt là tại những vùng có đê bao vững chắc (Dương Văn Chín, 2014). Về mặt kỹ thuật, hệ canh tác này không bền vững vì có thể gây ra nhiều dịch hại sâu bệnh trầm trọng và phì nhiêu đất đai suy thoái mau lẹ. Cho nên, cần thay thế vụ 3 bằng một màu phụ khác hoặc nuôi trồng thủy sản có lợi tức cao hơn. 

Do đó, các nông dân trồng lúa muốn có năng suất cao phải lựa chọn giống thích nghi với phong thổ từng vùng từng mùa: 

Vụ Chiêm em cấy lúa Di

Vụ Mùa lúa Dé, sớm thì Ba giăng (Ba trăng).

3. CÁC GIỐNG LÚA TỪ VĂN HÓA BẮC SƠN ĐẾN NAY 

Xin nhắc lại trong khoảng thời gian 7 000-8 000 năm qua, cây lúa đã trải qua quá trình tiến hóa từ loài cây hoang được thuần hóa đến tuyển chọn và lai tạo để phát triển liên tục và trở nên cây lúa hiện đại ngày nay. Một số đặc tính chủ yếu của cây lúa biến đổi từ lúa hoang qua lúa trồng như sau: 

– Một số lúa hoang đa niên trở thành lúa hoang hàng niên và cây lúa trồng hàng niên, qua đột biến hoặc tuyển lựa, 

– Thân cao trở thành thấp giàn: nửa lùn, 

– Ít chồi trở nên nhiều chồi hữu hiệu, 

– Lá lúa cong oằn, xanh lợt trở nên lá thẳng và xanh đậm, 

– Lá lúa xoè ra trở thành gom lại, 

– Bông lúa ít hạt, dễ rụng trở nên nhiều hạt và ít rụng, 

– Hạt lúa có đuôi trở nên không đuôi, 

– Thời gian hạt chín kéo dài trở nên chín đồng đều trong thời gian ngắn, 

– Hạt lúa màu nâu tím trở nên vàng lúc chín, 

– Hạt lúa hưu miên kéo dài trở nên ít, 

– Năng suất tăng từ thấp (độ 540 kg/ha vào đầu CN) lên cao (10-11 t/ha). 

Ngoài điều kiện địa phương, chính sự biến đổi này đã tạo ra nhiều giống lúa khác nhau theo thời gian ở mỗi vùng sinh thái. Cho đến khi các bộ lạc trồng lúa xuất hiện, cây lúa đã được thuần dưỡng hàng trăm, ngàn năm và đã trở thành những cây lúa hàng niên, nhưng diện mạo còn giống như cây lúa hoang nên năng suất rất thấp. Thời bấy giờ, chắc chắn đã có nhiều giống lúa được trồng bởi nhiều bộ lạc khác nhau trên khắp nước, nhứt là từ khi cư dân biết trồng lúa rẫy, lúa na (thung lũng) và lúa nước phù sa. Các giống lúa của 3 hệ thống này khác xa nhau do điều kiện sinh thái khác nhau: vùng đất cao, thung lũng và đồng bằng phù sa. Hơn nữa, các giống lúa được trồng ở nhiều địa phương khác nhau, nên tiến hóa theo thời gian và môi trường. Cần lưu ý rằng các “giống” lúa tìm thấy trong các di chỉ khảo cổ học từ thời sơ cổ đến trước thời Bắc thuộc chưa được định danh rõ ràng, ngoại trừ nhận diện hai loại gạo nếp và gạo tẻ, và các hạt gạo có hình dạng khác nhau. Sau đây là một số báo cáo về các loại, giống lúa đã biết đến: 

  • Lúa nếp và lúa tẻ: Trong nền văn hóa Bắc Sơn, các bộ lạc phần lớn trồng lúa nếp (có hạt bầu tròn) ở nương rẫy trên các đồi núi hay đất cao. Hiện nay, nếp vẫn còn là lương thực quan trọng của dân tộc Thái, Tài, Mường…. Dân tộc Lào, và người Thái vùng Đông Bắc vẫn còn ăn cơm nếp ba lần mỗi ngày. Tục lệ cúng bánh chưng và bánh dày vào dip Tết; làm xôi, nấu rượu cúng Ông Bà trong ngày giỗ kỵ và dùng trong các lễ hội vẫn còn tiếp nối từ thời đại Hùng Vương đến nay. Trong thời đại này, lúa tẻ có hình dáng thon dài, được các nhà khảo cổ tìm thấy trong các hạt gạo cháy tại di chỉ văn hóa Đồng Đậu cách nay 3 000 năm; cho nên, giả thuyết lúa tẻ Việt Nam do nhập nội từ Trung Quốc chưa hẳn đúng. 

Trong các thế kỷ sau CN, lúa tẻ được trồng ngày càng nhiều và thay thế dần lúa nếp ở ruộng nước, do năng suất cao và gạo tẻ cho cơm nhiều hơn gạo nếp. Lúa tẻ được biết vào thời Hai Bà Trưng (40-43 năm sau CN), vì trong lễ cúng Hai Bà có cả bánh dầy và bánh cuốn làm bằng gạo. Lúa tẻ trở nên phổ biến muộn nhứt từ thế kỷ XVII (Bùi Huy Đáp, 1980 và 1999). 

Cũng cần biết lúa tẻ và lúa nếp khác nhau chủ yếu về hàm lượng tinh bột (amylose) trong hạt gạo. Gạo tẻ có nhiều chất tinh bột (20-28%), còn gạo nếp chỉ có 0-10% chất amylose. Khi nấu cơm, gạo tẻ nở nhiều gấp 2 lần gạo nếp. Vì thế, lúa tẻ đã bành trướng mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu dân số gia tăng trong các vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới. 

  • Ở di chỉ An Sơn (Long An), một dòng lúa nước thuần được phát hiện với công nghệ MicroCT qua một mảnh gốm chứa vỏ trấu có niên đại Đá Mới cách nay 4 000 năm (Barron và cộng sự viên, 2017). Các khám phá mới này cho biết có hai hệ thống trồng lúa rẫy trên đất cao và lúa nước dưới đất thấp, dĩ nhiên mỗi loại lúa có nhiều giống được trồng ở các địa phương khác nhau.
  • Trong di chỉ khảo cổ Đồng Đậu (cách nay 3 500-3 000 năm), các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều hạt gạo cháy có hình dáng kích thước khác nhau, cho biết nông dân đã dùng nhiều giống lúa để trồng. Theo mô tả của Ông Đào Thế Tuấn (1988), có ít nhứt 6 giống lúa tìm thấy tại di chỉ Đồng Đậu; đó là những giống có hạt thon dài, thon ngắn (tẻ), bầu dài, bầu ngắn, tròn dài, tròn ngắn (nếp). Ở di chỉ Tràng Kênh (Hải Phòng), họ còn phát hiện nhiều phấn hoa của một giống lúa nước, có niên đại 3 405 ± 50 năm (Nguyễn Phan Quang và Võ Xuân Đàn, 2000). Nhiều hạt lúa có hình dạng khác nhau được phát hiện ở di chỉ Gò Mun có niên đại C14 là 3 120 ± 100 năm (Sakurai, 1987). Hình dạng khác nhau của hạt lúa cho biết đó là những giống lúa khác nhau được trồng trên đất cao, thung lũng và ruộng nước thấp.
  • Từ thế kỷ VII đến II trước CN, trong Triều đại Hùng Vương, lúa nếp còn chiếm vị thế quan trọng, với truyền thuyết bánh chưng và bánh dày. Ngoài ra, còn có các giống lúa rẫy, lúa ruộng nước theo thủy triều (lúa nổi), các giống lúa thung lũng (lúa nà), các giống lúa ở lưu vực sông Hồng, sông Mã, sông Chu và sông Cả; các giống lúa ở miền Đông và Đồng bằng sông Cửu Long và các giống lúa sớm, lỡ và muộn do ảnh hưởng quang cảm.
  • Thế kỷ II sau CN, có các giống lúa Chiêm, lúa Mùa, lúa nếp hạt tròn, lúa tẻ, lúa nước, lúa rẫy, lúa na. Theo sách Di vật chí : “Lúa Giao chỉ mỗi năm trồng hai lần, về mùa hạ và mùa đông”. Ở miền Bắc, lúc bấy giờ vụ lúa Chiêm (tháng 11-5) bắt đầu xuất hiện với những giống lúa không có quang cảm tại nhiều địa phương, như lúa chiêm Di, chiêm Vàng, Tép, Cúc…. Vụ lúa Mùa (tháng 6-11) là vụ lúa chính nhờ nước trời mưa và thủy triều lên xuống với các giống lúa có quang cảm ở các địa phương. Sách Di Vật Chí ghi rằng: “Ở Giao Chỉ có loại nếp hương, mỗi năm trồng hai vụ”.
  • Thế kỷ III sau CN, xứ Giao Châu (gồm cả Giao Chỉ) “có lúa Hổ chướng (bàn tay hổ), lúa Tử mang (râu tía), lúa Xích khoáng (lúa lụa đỏ). Phương Nam có lúa Thiền minh (lúa chín vào vụ ve kêu), lúa Thất nguyệt thục (chín tháng 7). Có lúa Cái hạ bạch trồng về tháng 1, tháng 5 gặt; sau gốc lại mọc, tháng 9 lại có lúa chín. Lúa Thanh vu lại chín về tháng 6. Lúa Lũy tử, lúa Bạch mạc đều chín về tháng 7. Ba giống lúa này vừa to, vừa dài, nhánh lúa dài một tấc rưỡi, có ở Ích châu. Lúa Cánh có các loại Ô cánh, Hắc khoáng, Thanh ảnh, Hạ bạch” (Sách Quảng chí theo Lê Quí Đôn, 2003).
  • Thế kỷ X và XI, có giống lúa (Đạo) còn gọi là lúa Tiên hay lúa Chiêm. Lê Quí Đôn (thế kỷ XVIII) viết: “…còn lúa Cái hạ bạch thì mãi đến đời Chân Tông (998-1022) nhà Tống mới sai sứ sang Chiêm Thành lấy 3 vạn hộc lúa đạo đem về phân phát cho các đạo (các tỉnh) nên mới có giống lúa ấy. Giống lúa này gọi là Tiên (thứ lúa 8 cánh, chín sớm)”. Lúa Chiêm có nhiều loại giống: Lúa Tiên tử hay còn gọi là Hồng liên có hạt thóc to, lòng đỏ, trấu cũng đỏ. Gạo hạt nhỏ, trắng, cấy tháng 4 gặt tháng 6 gọi giống lúa “60 ngày”. Gạo đỏ chín muộn hơn gọi là lúa “80 ngày”. Lại có giống muộn hơn nữa gọi là lúa “100 ngày” (Ho, 1969 và theo Bùi Huy Đáp, 1980). Dĩ nhiên, các giống lúa Chiêm này có mặt ở Miền Trung (có thể ở cả Miền Bắc), tuy nhiên chúng khác với các giống lúa Chiêm đã du nhập vào đồng bằng sông Hồng trước đó 9-10 thế kỷ.
  • Giữa thế kỷ XVII“Ở Lĩnh Nam có nhiều thóc tẻ, mà ở Giao Chỉ nhiều nhất. Còn thóc nếp ở An Nam có nếp trắng, nếp vàng; có đến hơn 10 giống; họ dùng gạo tẻ nấu cơm ăn và gạo nếp nấu rượu.” (Sách Quảng Đông tân ngữ theo Bùi Huy Đáp, 1980 và Lê Quí Đôn, 2003).
  • Cuối thế kỷ XVIII, Lê Quí Đôn đã quan sát và phân loại 70 giống lúa ra làm: 27 giống lúa mùa, 14 giống lúa Chiêm và 29 giống lúa nếp. Cho đến 1980, hơn 200 năm sau, một số giống lúa kể trên vẫn còn được trồng, như Tám xoan ở Hà Bắc; lúa Thông ở Nam Ninh, Thanh Hóa; Tám râu ở Hải Phòng; Bát ngoạt ở Nghệ Tỉnh; Chiêm bầu ở Vĩnh Phú, Hải Hưng,…(Bùi Huy Đáp, 1980). Lê Quí Đôn (2003) đã mô tả chi tiết về một số giống lúa như sau: 

Miền Bắc: 

  • Lúa Thông: cây nhỏ, yếu,
  • Lúa Tám canh hay Tá quảng: cây cao, quả sai,
  • Lúa Hiên: cây cao bông dài,
  • Lúa Chiêm hom có 3 giống: một giống hạt nhỏ dài, đỏ, có râu; một giống hạt mỏng không râu; một giống hạt to đỏ có râu,
  • Lúa Sài đường, Chiêm di: cây nhỏ, yếu, dễ đổ,
  • Lúa Tám trâu, Bồ lo, Thạch, Mang hai, lúa Bột: cây cứng thẳng
  • Lúa Chiêm vàng và lúa Đăng sơn: cây cứng bị mưa gió không đổ.
  • Lúa Mân sơn, lúa Câu, lúa Ba trăng, Sài đường, Mận đẻ, lúa Lốc: chín sớm
  • Lúa Thạch: chín muộn,
  • Lúa Chiêm dự, lúa Hoa giềng: bông thưa,
  • Lúa Nàng hai, lúa Bột: hạt chi chít, đông đặc;
  • Lúa Nghệ: hạt cực đỏ,
  • Lúa Nấm: Hạt tròn to, có râu, nhẵn,
  • Lúa Tám trâu: hạt vừa vàng vừa đen,
  • Lúa nếp đen: hoa lá đều có hương,
  • Lúa Vươn cổ, lúa Hùng: bông vượt ra khỏi lá, lúa trổ khoe bông,
  • Lúa nếp lùn: bông lúa không ra khỏi ngoài lá hay lúa trổ dấu bông,
  • Lúa Cái hạ bạch: khả năng đẻ chét,
  • Lúa Chiêm di, lúa Gié nước, lúa Hom: chịu đựng nước sâu,
  • Lúa Tám hom, lúa Câu: cần ruộng cao,
  • Lúa Tám sinh, lúa Mít, Lúa Hoa giềng, lúa Lốc: nẩy chồi nhanh”. 

Miền Trung, Lê Quý Đôn đã ghi nhận trong Phủ Biên Tạp Lục: 

  • Ở Triệu Phong có nếp Kỳ lân, nếp Suất, nếp Hạt cau, nếp Hương bầu, nếp Ông lão, nếp Trâu (cấy tháng 11 gặt tháng 4). Lúa tẻ gồm có lúa Sú, lúa Chiêm, lúa Hẻo, lúa Xung, lúa Tám, lúa Viên, lúa vụ 8…
  • Ở Huyện Minh Linh có nếp Bò, nếp Mít, nếp Râu. Lúa tẻ có Ba bả, lúa Chiêm chịu nước mặn, lúa Chăm bọc, lúa Chăm xa, lúa Hẻo.
  • Ở Huyện Lệ Thủy có nếp Măng, nếp Nhựa, nếp Hạt cau, Lúa tẻ có Bát ngoạt, giống Chăm hót, lúa Hẻo.” 

Đầu thế kỷ XIX, ở Gia Định có một số giống lúa và nếp nổi tiếng (Phan Huy Chú, 1821): 

  • Lúa tẻ Mắc cửi: hạt gạo nhỏ và dài, trắng như bông, rất thơm,
  • Lúa nếp Mướp: hạt lớn, dài, trắng thơm và dẻo,
  • Nếp Mây: hạt gạo dài, lớn, mềm dẻo,
  • Nếp Than: hạt nhỏ đen và mềm dẻo,
  • Nếp Tre: hạt nhỏ như hoa tre,
  • Nếp Sáp. 

Các giống này đến tháng 5 gieo mạ, tháng 7 cấy, tháng 11 gặt đến tháng 1 mới xong, tháng 2 làm thóc”.

 Trong triều đại Gia Long (1802-1820), Sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức (2005) đã ghi: “Gia Định đất tốt lại rộng, thổ sản như: lúa gạo, cá muối, cây gỗ, chim muông. Lúa có nhiều loại, đại khái có 2 loại: lúa Canh và lúa Thuật, trong đó có xen lúa dẻo. Lúa Canh là thứ lúa không dẻo, hạt gạo nhỏ, cơm mềm, mùi rất thơm, là thứ lúa có cái mang (đuôi ở đầu hạt lúa); lúa Thuật là thứ lúa dẻo, hạt tròn mà lớn. Lúa có tên riêng như lúa Tàu, lúa Móng tay, lúa Móng chim, lúa Mô cải, lúa Càn đông, lúa Cà nhe, lúa Tràng nhất, lúa Chàng co, tên gọi khác nhau, và có sớm, muộn, dẻo và không dẻo khác nhau, nhưng thứ ngon đệ nhất là giống lúa Tàu, thứ nhì là giống lúa Cà nhe. 

Nếp có nếp Hương, nếp Sáp lại có thứ nếp Đen, có tên nữa là nếp Than, sắc tím, nước cốt đen, dùng nhuộm màu hồng, khi ăn không cần giã, lấy chõ xôi hấp cho chín, nhơn khi còn nóng rưới mỡ heo, lá hành và muối trắng, trộn cho đều, mùi vị rất ngọt và giòn.” 

Vào giữa thế kỷ XIX, đã có rất nhiều giống lúa tẻ và nếp được tìm thấy ở tỉnh Gia Định và Định Tường (Đại Nam Nhất Thống Chí, tr 241). Có rất nhiều giống lúa của Miền Bắc hoặc Miền Trung được đem vào Miền Nam, như lúa Thơm, lúa Chiêm, lúa Móng chim, lúa Man, lúa Hẻo trắng (Hẻo rằn), lúa Cánh, lúa Ba trăng, lúa Bát ngoạt, lúa Trắng, lúa Dung, lúa Đen, lúa Chày chày; hoặc các loại nếp như nếp Voi, nếp Cau, nếp Bò, nếp Vằn, nếp Bụt, nếp Kỳ lân, nếp Hương bầu, nếp Cút, nếp Cò, nếp Cái, nếp Than, nếp Lụa, nếp Sáp, nếp Trứng (Huỳnh Lứa và các cộng sự viên, 1987). Đầu thế kỷ XX (thập niên 1920-30), Việt Nam có độ 1 200-2 000 giống lúa, trong đó Miền Nam có ít nhất 800 giống (Carle, 1927) và miền Bắc có 300 giống (Dumont, 1995) (Hình 1). Ở miền Bắc, trong hơn 300 giống lúa nêu trên có độ 100 giống lúa tháng Năm, 200 giống lúa tháng Mười, độ hơn mười giống lúa “Ba trăng” và một số lúa nếp (Dumont, 1995). Theo khảo cứu trong thời gian này, lúa tháng Năm (vụ Chiêm) được chia làm 3 nhóm tùy theo sự phân nhánh cấp 1 và cấp 2 của gié lúa:

Nhánh rất ít: những giống lúa Tép, Sài đường và Chanh

Nhánh ít : những giống lúa Bầu

Nhánh nhiều: những giống lúa Hom và Cút 

Lúa tháng Năm hay lúa Chiêm: Thời gian sinh trưởng thay đổi tùy theo ngày gieo mạ vì ảnh hưởng của nhiệt độ thấp vào mùa đông, nên có từ 180 đến 230 ngày, năng suất bình quân 2 – 3 t/ha, gồm các giống được ưa thích như Chanh, Tép, Cút và vài loại nếp ở Hải Dương. Lúa Cút và nếp chống ngã. Ở miền Bắc, vụ Đông-xuân với giống lúa sớm (hay “lúa Chiêm”) đã có hơn 2 000 năm nay, bắt đầu vào mùa lạnh khô và chấm dứt vào đầu mùa mưa. Vụ lúa Chiêm ở miền Bắc có thể đã bắt nguồn từ giống lúa sớm được đưa từ miền Nam lâu đời (Bùi Huy Đáp, 1980), nhưng nay phần lớn vụ Chiêm được thay thế bởi vụ Xuân có năng suất cao hơn. Trong Lịch Triều Hiến Chương, Ông Phan Huy Chú ghi rằng phủ Triệu Bình ở khoảng giữa địa hạt Thuận Hóa, phía nam giáp Quảng Nam, có ít ruộng mùa, nhiều ruộng Chiêm. Vụ Chiêm là mùa chính còn vụ mùa là trái mùa. Ở Quảng Nam, hiện nay còn trồng lúa Chiêm gọi là lúa Champa, gốc Chiêm Thành, được gieo mạ vào tháng 5 âm lịch và là vụ mùa phụ giữa hai vụ mùa chính (Trần Gia Phụng, 2000). 

 Lúa Tháng Mười hay lúa Mùa: Lúa này ngắn ngày hơn lúa tháng Năm do ảnh hưởng quang cảm, có 130 đến 180 ngày, gồm có (Dumond, 1995): 

  • Nhóm lúa Tám: Tám lùn, Tám canh, Tám xoan;
  • Nhóm lúa Dé: Dé bun hay Dé muộn;
  • Nhóm nếp con: nếp Vân, nếp Thông, nếp Danh, nếp Ruồi.
  • Những giống sớm tốt như nhóm Dé, nhóm Tám (Tám canh), Sớm trăng hoặc Hông; Sớm giai hoặc Trúc.
  • Một số lúa muộn có năng suất cao và phản ứng phân tốt như: lúa Hon, râu trắng, râu đen. lúa Nghệ.
  • Những loại nếp cũng có năng suất cao, có khi đến 3 t/ha như: Hin đỏ, Hin trắng, Dé đen, Dé đỏ, nếp Thầu dầu, nếp Cái dộc. Ở Sơn Tây có Dé sớm, Dé đỏ và Tám lùn.

Lúa Chiêm thì cấy cho sâu,

Lúa Mùa thì gãy cành dâu là vừa.

Lúa Chiêm đào sâu chôn chặt,

Lúa Mùa vừa đặt vừa đi. 

● Trong thập niên 1920, Trung Tâm Thí Nghiệm Lúa đầu tiên của xứ ở Cần Thơ đã tuyển chọn nhiều giống địa phương để trồng đại trà (Bảng 1) (Trần văn Hữu, 1927): 

Bảng 1: Các giống lúa địa phương tuyển chọn vào thập niên 1920 

GIỐNG LÚA GIỐNG LÚA
Ba trăng Bông dừa Bông dâu Cà đung Cà đung đá Cà đung bông dâu Cà đung bông chanh Đung tiên Huê kỳ Lúa ngà Lúa hon Móng tay Nàng Gồng Nàng Gồng trắng Nàng huớt trắng Nàng bè Nàng ngọc chùm Phụng tiên Rạ mày Rạ niêu Rạ chùm Tàu chén Trăng lớn Trăng nhỏ

 ● Vào thập niên 1950 và 60: Năm 1952, Việt Nam (Cục Túc Mễ Đông Dương) đã tham gia vào chương trình Catalogue Thế Giới về Nguồn Gen được tổ chức bởi Ủy Ban Lúa Gạo Quốc Tế International Rice Commission – IRC) thuộc Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), Rome, qua cung cấp tài liệu chi tiết về 78 đặc tính của 51 giống lúa cải thiện (gồm nguồn gốc, mô tả cây và hạt lúa, phản ứng sâu bệnh, thiên nhiên và xếp loại chất lượng và năng suất) (FAO, 1952). Mỗi đặc tính được đánh giá từ 0-2 hoặc từ 0-9 (Bảng 2). 

Bảng 2: Các giống lúa địa phương tuyển chọn của Việt Nam trong Catalogue thế giới 

GIỐNG LÚA GIỐNG LÚA GIỐNG LÚA
Ba bo ti S7 Hồng xôi B R 31 Nếp hoa vàng 830
Ba Monh ti S6 Họp V A Nếp trứng vịt G5
Bàu 157 Lúa uoi R 87 Prey keo E 53
Bông sen đen 2R10 Móng chiêm R 58 Puang ngeon E 49
Cà đung Gò công 111 R22 Móng tay trung B2R1i Rạ vàng 2R5
Cà đung kết R26 Nàng co trắng R 10 Ru X 11 C
Cà đung phèn R29 Nàng ếch 2R6 Sa mo R 78
Cau 264 Nàng ếch R73 Sóc đỏ R 90
Chiêm chanh 198A Nàng keo R138 Sóc nâu R 42
Đốc phụng R 37 Nàng phệt muộn R18 Tám đen 516 A
Đốc phụng lùn A R16 Nàng quớt R 59 Tàu bắc R 80
Gi Nàng quớt R 79 Tàu binh C F18
Giàu cao 89 B Nàng rừng F6 Tàu chệt cục R 53
Dé nổi 33 B Nàng tây nhỏ C F15 Tép Sài gòn 229
Giồng chiêm 351 Neang Veng 339 E 23 Tiêu bé R 3
Hin trắng Nếp Cả cương 728 Tunsart R 96
Hồng xôi R 88 Nếp co G7 Vé vàng R 96

 Xin nhắc lại Ủy Ban Lúa Gạo Quốc Tế được thành lập từ tháng giêng năm 1949 và hiện có 62 quốc gia trồng lúa quan trọng trên thế giới tham dự với tư cách hội viên, văn phòng Thư Ký Điều Hành[1] hiện đặt tại Tổ chức FAO, Rome. Việt Nam là một hội viên của Ủy Ban. Đa số các giống lúa được nông dân trồng cho đến giữa thời kỳ Cách Mạng Xanh (thập niên 1970 và 80) và được ghi trong Bảng 2. 

Riêng tỉnh Tiền Giang có các giống lúa địa phương tiêu biểu cho Nam Bộ vào thời kỳ trước CMX như sau (Huỳnh Minh, 2000): 

  • Lúa sớm: Puang-ngeon, Sa-mo rằn, Sa-mo trắng, Lúa xiêm, Nàng cóc, Cà- đung sớm, Lúa tiêu, Lúa nhum, Cà-đung kết.
  • Lúa lỡ: Nàng quớt, Ba xuyên, Chim nghệ, Cà lây, Lúa nối, Nàng lai, Nanh chồn, Móng chim, Nàng mâu, Nàng vu, Nàng co lỡ, Đốc vàng.
  • Lúa mùa: Nàng rà, Nàng phiệt, Nàng gồng, Nàng co mùa, Sóc nâu, Trắng nhỏ, Tàu hương, lúa Chùm, lúa Soi, lúa Móng chùm, Lúa nhỏ, Chùm mai, Chùm mùa, Bông sen, Cà đung.
  • Lúa muộn: Lúa Sa vút, Vé vàng, Nàng thơm, Tàu chén.

 ● Từ thập niên 1970 đến nay: Các giống lúa địa phương giảm bớt dần, được thay thế bằng các giống lúa cao năng, nhập nội. Các giống sau này ngày càng chiếm ưu thế trong nền nông nghiệp thâm canh toàn quốc.

 (i) Miền Bắc: một số giống lúa chính được trồng gồm có:

            – Giống lúa tưới tiêu và lúa nước trời: 79-1, A, CR01, CR02, CR203, DH60, DONG 256, Xuân số 4, N28, C70, C71, C180, V1814, V18, DT10, IR17494, Tám thơm, Khang Dân, Q5…

            – Giống lúa lai: Vào năm 1991, nông dân bắt đầu trồng lúa lai đầu tiên trên 100 ha dọc theo biên giới Việt-Trung, chủ yếu ở tỉnh Quảng Ninh. Nhận thấy tiềm năng cao của lúa lai, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn đã thiết lập kế hoạch phát triển trồng loại lúa với giống nhập nội từ Trung Quốc, được hỗ trợ đặc biệt của cơ quan FAO qua liên tiếp hai dự án lúa lai vào năm 1992-93 và 1996-98. Diện tích lúa lai tăng nhanh từ 11.137 ha trong 1992 lên hơn nửa triệu ha trong năm 2008, tập trung ở Miền Bắc và Miền Trung. Việt Nam là nước đầu tiên trồng lúa lai đại trà ngoài Trung Quốc, kế đến Ấn Độ, Bangladesh, Philippines và Indonesia nhưng Việt Nam còn lệ thuộc quá nhiều vào nguồn hạt giống F1 của Trung Quốc. 

Các giống lúa lai đang phổ biến ở Miền Bắc và Miền Trung gồm có: 

  • Giống nhập nội: Nhóm giống 3 dòng: Giống Sán ưu 63, Sán ưu 93, Sán ưu quế 99, Boyou 64, Nhị ưu 63, Nhị ưu 838, Bác ưu 63, Bác ưu 903, Sán ưu quảng 12, Đặc ưu 63, Trúc long, Bio 404… Nhóm giống 2 dòng: Bồi tạp Sơn thanh, Bồi tạp 49…
  • Giống lai tạo trong nước: HYT 56, HYT57, HYT82, HYT84, HYT100, VN01/212, TM4, TH2, TH3, TH3-3, TH5-1, Việt lai (VL) 20, VL24, VL50, VL75… 

(ii) Miền Nam và miền Nam Trung phần: các giống lúa hiện đại được nông dân ưa chuộng trong đầu thập niên 2000 gồm có (Bảng 3, 4 và 5): 

Giống lúa sớm: OM 1490, OM 1723, IR 64, OM 1706, VND 95-20, IR 50404, MTL 145, MTL 250, OMCS 94, OM CS 96, OM 997, OM 2031, OM 1633, IR 26579, IR 62032. 

Giống lúa lỡ: IR 42, OM 723, OM 916, OM 922, THĐB (Tép hành đột biến). 

Các giống lúa rẫy thường gặp như: Bài thai hồng, BC35-12, C22, Hà lan, KN96, LC90-5, IR4768-1-5-1-1 (hoặc LC 88-67-1). 

Hiện nay có khoảng 63 giống lúa đang được trồng ở ĐBSCL, trong đó phổ biến nhứt là các giống OM1490, OMCS 2000, VNĐ 95-20, OM576, Jasmine 85, OM2517, OM 576, IR50404, IR 64, Khaw Dawk Mali, Hom Mali (Thái Lan), VD10, VD 20 (Đài Loan), Đài Thơm, Tài Nguyên, Nàng Hoa 9, Nàng Xuân, Trân Châu, Hương Lài, ST, OM 4900… (https://clrri.org/). 

Bảng 3: Các giống lúa cao năng phổ biến đồng bằng sông Cửu Long, (1999) 

Tên giống lúa Nguồn gốc Chu kỳ sinh trưởng (ngày)
Giống lúa sớm
OM 1490 OM 606/IR4592 90
OM 1723 KSB 54/IR 50401 95
IR 64 IRRI 105
OM 1706 OM 90/OM 33-1 95
VND 95-20 IR 64 ngẩu biến 105
IR 50404 IRRI 95
MTL 145 Đại học Cần Thơ 95
MTL 250 Đại học Cần Thơ 95
OMCS 94 IR59606-119 95
IR 56279 IRRI 95
OMCS 96 OM 269/IR 266 90
OM 997 OM 554/IR 50401 95
IR 62032 IRRI 105
OM 2031 Lúa Thái Lan/Bông hường 95
OM 1633 NN6A/IR32843 95
Giống lúa lỡ
IR 42 IRRI 135
OM 723 NN6A/A 69-1 130
OM 916 BG 380-2/Â9-1 130
OM 922 IR29723/BR4 125
THDB Tép hành ngẩu biến 130

 Nguồn: Bùi Bá Bổng, 2000

 Bảng 4: Những giống lúa được công nhận giống lúa mới 

Stt Tên giống Năm Stt Tên giống Năm
01 NN 4B 1985 22 Tài nguyên ĐB 1997
02 NN 5 B 1985 23 OMCS 95-5 1997
03 OM 89 1987 24 OM Fi 1 1997
04 OM 80 1987 25 OM 1706 1997
05 TN 108 1988 26 OM 1723 1999
06 OM 86-9 1989 27 OM1490 1999
07 IR 66 1989 28 OM 1633 1999
08 OM 576-18 1990 29 OM 2031 2000
09 IR 19660 1990 30 CM 16-27 2000
10 OM 597 1990 31 OMCS 2000 2002
11 OM 90-9 1992 32 OM 1348-9 2002
12 OM 90-2 1992 33 AS 996 2002
13 IR 29723 1992 34 OM 3536 2004
14 OM 269-65 1993 35 OM 2395 2004
15 IR 49517-23 1993 36 ĐS 20 2004
16 OM 997-6 1994 37 OM 2717 2005
17 Khaw dak Mali 1994 38 OM 2514 2005
18 OM 723 – 7 1994 39 OM 2718 2005
19 OM 1589 1995 40 OM 4498 2007
20 OMCS 94 1995 41 OM 5930 2008
21 IR 62032 1997

 Bảng 5: Những giống lúa được công nhận sản xuất thử

 Stt Tên giống Năm Stt Tên giống Năm
01 NN8A 1981 31 OM1633 1997
02 OM 33 1984 32 OM1726 1997
03 Mashuri 1985 33 OM1271 1997
04 OM 91 1986 34 OMCS 97 1999
05 OM 90 1986 35 OM 2031 1999
06 OM 88 1987 36 OMCS 2000 2000
07 IR 68 1988 37 OM 2037 2000
08 OM 87-1 1989 38 AS 996 2000
09 OM 87-9 1989 39 CM 42-94 2000
10 OMCS 7 1989 40 OM 2395 2002
11 Một bụi tuyển 1989 41 ĐS 20 2002
12 Trắng chùm 1989 42 OM 1352-5 2002
13 OM 44-5 1989 43 OM 2717 2004
14 OM 606 1989 44 OM 1352 2004
15 OM 87 1989 45 OM 4495 2004
16 OM 43-26 1989 46 OM 2718 2004
17 OM 296 1990 47 OM 2822 2004
18 Nam) 1990 48 OM 3242 2004
19 OM 344 1990 49 OM 1351 2004
20 OM 723-11E 1992 50 OM 3405 2004
21 IR 72 1992 51 OM 4498 2005
22 OM 987 – 1 1992 52 OM 2008 2007
23 OM 1630-108 1994 53 OM 5239 2007
24 OM861-20 1994 54 OM 6073 2008
25 OM 1055 1995 55 OM 4900 2008
26 OM 922 1995 56 OM 5636 2008
27 OM 1270-49 1995 57 OM 4668 2008
28 OMCS 96 1997 58 OM 5199-1 2008
29 OM 95-3 1997 59 OM 4059 2008
30 Tép hành ĐB 1997 60 OM 6561-12 2008

 Nguồn: Viện Lúa ĐBSCL, 2010 (https://clrri.org/)

4. TIẾN HÓA DIỆN TÍCH VÀ NĂNG SUẤT LÚA (Trần Văn Đạt, 2010) 

Trước cuộc CMX cuối cùng, sản xuất lúa ở Việt Nam phần lớn do bành trướng lãnh thổ và tăng gia diện tích trồng hơn là từ năng suất. Thật vậy, vì dân số gia tăng và sức ép Bắc phương, Việt Nam đã bắt đầu cuộc Nam tiến, sớm nhứt trong thời kỳ độc lập phong kiến từ cuối thế kỷ XI khi vua Lý Thánh Tôn đem quân chinh phạt nước Chiêm Thành năm 1069. Đến 1697, nước Chiêm không còn nữa. Hành trình mở mang bờ cõi tiếp tục tiến đến mũi Cà Mau năm 1760. Sau đó, sản xuất lúa tăng vọt nhanh chóng trong thời Đổi Mới kinh tế và CMX, chủ yếu do chính sách nhà nước, phát triển thủy nông và sử dụng nhiều phân hóa học. 

4.1 Diện tích trồng lúa 

Vào đầu Công Nguyên, diện tích trồng lúa của Giao Chỉ ước tính 216 000 ha. Diện tích báo cáo có lẽ sớm nhứt vào thời vua Minh Mạng khi công tác đo đạc điền thổ cả nước được hoàn tất, với 4 063 892 mẫu (1.105.200 ha) ruộng và đất năm 1836 (Trần Trọng Kim, 1990). Trong số đó ít nhứt 60% là ruộng lúa hay 663 120 ha. Sau đó, diện tích trồng lúa cả nước tiếp tục bành trướng mạnh trong thời Pháp thuộc và Độc Lập, từ 815 000 ha trong 1868 lên hơn 7,7 triệu ha trong 2017 (Bảng 6). 

Bảng 6: Diện tích trồng lúa từ Thế kỷ I đến 2017 

________________________________________

 Thế kỷ I sau CN <216.000 ha* 

1836: >663.120 ha* 

1868: > 815.000 ha* 

1912: 2.300.000 ha*

 1927: 4.373.000 ha** 

1930: 4.698.000 ha** 

1944: 4.862.000 ha** 

1961: 4.744.000 ha*** 

1980: 5.600.000 ha 

1990: 6.042.800 ha 

2000: 7.666.300 ha 

2010: 7.489.400 ha 

2017: 7.700.000 ha

 Ghi chú: * Phỏng đoán (Tham chiếu Chương 8: Phát triển trồng lúa nước trong thời đại Kim Khí).

                ** Viện Nông Nghiệp Quốc Tế 

                *** FAOSTAT 2017 

                   – Tổng cục thống kê, 2017 

4.2 Năng suất lúa 

Năng suất tăng lên chậm chạp lúc ban đầu cho đến thời Bắc thuộc và Độc Lập, từ độ 540 kg lúa/ha vào thời đại Hùng Vương lên 1t/ha cuối thời Bắc thuộc, 1,2t/ha trong thời Độc Lập phong kiến, 1,4 – 2t/ha trong thời Pháp thuộc, 3,2t/ha năm 1990 và 5,6t/ha năm 2017 (Bảng 7). Sự tăng năng suất từ thời Pháp thuộc phần lớn do cải tiến di truyền giống, công tác thủy lợi tốt hơn, dùng nhiều phân hữu cơ, ít phân hóa học, chăm sóc mùa màng và chính sách nhà nước. Thời kỳ tăng trưởng nhanh nhứt cho cả diện tích và năng suất chỉ xảy ra trong cuộc CMX và thời Đổi Mới kinh tế. 

Bảng 7: Năng suất lúa Việt Nam từ khoảng thế kỷ I trước/sau CN đến năm 2017

Năm Năng suất t/ha Yếu tố chính làm tăng năng suất
Thế kỷ I trước/sau CN0.54*– Giống lúa thuần hơn
– Làm đất tốt hơn
Bắc thuộc đến 938 sau CN1,0** – Lưỡi cày sắt
– Giống thuần hơn
19001,20– Thủy lợi tốt hơn
– Canh tác và chăm sóc tốt hơn, dùng phân hữu cơ
1927 1,22– Giống lúa cải tiến
19551,43– Sử dụng nhiều phân lân, hữu cơ và ít đạm
19702,10– Canh tác và chăm sóc tốt hơn
19903,20– Giống lúa cao năng hiện đại, nửa-lùn
2009 5,20– Phát triển thủy lợi
20175,60– Sử dụng nhiều phân hóa học, nhất là đạm

 Ghi chú: * Uớc lượng

                ** Theo năng suất lúa Trung Quốc (thời Bắc thuộc) 

5. KẾT LUẬN 

Trong hơn 100 năm qua, số giống lúa địa phương (hay lúa cổ truyền) từ 1200-2000 giống vào đầu thế kỷ XX tăng lên hơn 14.000 giống hiện nay, chứng tỏ lúa cổ truyền đang tiến hóa theo thời gian và không gian khá nhanh, nhưng cũng có một số giống trùng nhau nhưng khác tên và đã thích nghi với điều kiện phong thổ địa phương. 

Tuy nhiên, cuộc Cách Mạng Xanh vừa qua đã gây ra hiện tượng xói mòn di truyền đến mức độ các nhà di truyền học báo động, do nông dân chỉ trồng một số ít giống cao năng và hiện đại, còn gọi là “lúa hiện đại” để thay thế nhiều giống lúa cổ truyền năng suất kém. Lúa hiện đại đã chiếm hơn 95% tổng diện tích gieo trồng của nhiều vùng canh tác lớn trong nước, đặc biệt ở những nơi có hệ thống thủy lợi phát triển tốt. Cho nên, công tác bảo tồn gen ngày càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ, có tầm ảnh hưởng lâu dài đến các thế hệ mai sau. 

Ngoài ra, nông dân Việt Nam sản xuất rất nhiều loại gạo tẻ, gạo nếp trên khắp nước, trong khi các loại lúa gạo đặc sản, như gao thơm, gạo màu dinh dưỡng, gạo hữu cơ và gạo GAP còn rất giới hạn, dù có tiềm năng lớn trên thị trường quốc tế để đáp ứng đòi hỏi xã hội thượng lưu. Hiện nay, số lượng sản xuất và xuất khẩu các loại gạo này còn rất ít, khoảng 20% tổng sản lượng. Do đó, cần nhiều nỗ lực và đầu tư để phát triển loại lúa gạo tiềm năng này trong những thập niên tới để mang nguồn ngoại tệ về phát triển đất nước. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO             

  • Barron, A., Michael TurnerLevi BeechingPeter BellwoodPhilip PiperElle GronoRebecca JonesMarc OxenhamNguyen Khanh Trung KienTim Senden, and Tim Denham2017. MicroCT reveals domesticated rice (Oryza sativa) within pottery sherds from early Neolithic sites (4150–3265 cal BP) in Southeast Asia. (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5547045/).
  • Bùi Bá Bổng. 2000. Genetic improvement of rice varieties for the Mekong Delta of Vietnam: current status and future approaches. In Proceedings of Rice Research and Development in Vietnam for the 21st Century – aspects of Vietnam – India, Cần Thơ, Việt Nam, 18-19 September 2000, p 123-149.
  • Bùi Huy Đáp. 1980. Các giống lúa Việt Nam. NXB Khoa Học và Kỹ Thuật, Hà Nội, 563 tr.
  • Bùi Huy Đáp. 1999. Một số vấn đề về cây lúa. NXB Nông Nghiệp, Hà Nội, 154 tr.
  • Carle, E. 1927. Amélioration des riz de Cochinchine. Agence Économique de l’Indochine, Paris, France, 11 pp.
  • Brenier, M.H. 1917. Produits Alimentaires avec des notes, graphiques et cartes. Catalogue des produits de l’Indochine par Ch. Crevost et Ch. Lemarié, Tome I.
  • Dumont, R. 1995. La culture du riz dans le delta du Tonkin. Printimg House in Bangkok, Thailand, pp 592.Dương Văn Chín. 2014. Lúa vụ 3 ở ĐBSCL: Sản xuất lúa tăng vụ. Nông nghiệp Việt online (https://nongnghiep.vn/lua-vu-3-o-dbscl-san-xuat-lua-tang-vu-post130102.html).
  • Đào Thế Tuấn. 1988. Về những hạt gạo cháy phát hiện ở Đồng Đậu (Vĩnh Phúc) năm 1984. Khảo Cổ Học, số 4, tr. 44-46.
  • FAO. 1952. World Catalogue of Genetic Stocks – Rice. Supplement No. 2, March 1952, FAO, Rome, pp 19.
  • FAO, 2000, 2010, 2017. FAOSTAT, Rome, Italy (in https://www.fao.org).
  • Ho, P.T. 1969. Early-ripening rice in Chinese history. Economic History Review, The University of British Columbia, IX:200-218.
  • Huỳnh Lứa, Lê Quang Minh, Lê Văn Năm, Nguyễn Nghị và Đổ Hữu Nghiêm. 1987. Lịch sử khai phá đất Nam Bộ. NXB T.P. Hồ Chí Minh, 275 tr.
  • Huỳnh Minh. 2000. Định Tường xưa và nay. NXB Xuân Thu, Los Alamitos, Cali, 279 tr.
  • Lê Quí Đôn. 2003. Vân Đài Loại Ngữ do Phạm Vũ và Lê Hiền dịch và chú giải. NXB Nhà sách Tự Lực, Nam Cali, 539 tr.
  • Lĩnh Nam Chích Quái. 1960. NXB Khai Trí, Sài Gòn, 134 tr.
  • Nguyễn Phan Quang & Võ Xuân Đàn. 2.000. Lịch sử Việt Nam – Từ nguồn gốc đến năm 1884. NXB T.P. Hồ Chí Minh, 479 tr.
  • Phạm Huy Chú. 1821. Phủ Gia Định. Lich Trình Hiến Chương loại chí, dịch bởi Nguyễn Quang Trọng (1970), (Tập I), Quyển Thủ, Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hóa xuất bản trong 1972, tr 367-368.
  • Sakurai, Y. 1987. Reclamation history at the Song Coi (Tongking) delta of Vietnam. In History of Asian Rice, Shogakukan, Tokyo, 235-276.
  • Tổng Cục Thống Kê, 2017 (https://www.gso.gov.vn).
  • Trần Gia Phụng. 2000. Quảng Nam trong lịch sử. NXB Non Nước, Toronto, Canada, 294 tr.
  • Trần Trọng Kim. 1990. Việt Nam sử lược, Quyển I & II. NXB Đại Nam.
  • Trần Văn Đạt. 2002. Tiến trình sản xuất lúa gạo tại Việt Nam: từ thời nguyên thủy đến hiện đại. NXB Nông Nghiệp, p 36-37.
  • Trần Văn Đạt. 2010. Lịch sử trồng lúa Việt Nam. Nhà in 5-Star printing, Cali, Hoa Kỳ, 489 trang.
  • Trần Văn Hữu. 1927. La riziculture en Cochinchine. Agence Économique de l’Indochine, Paris, France, pp 31.
  • Trịnh Hoài Đức. 2005. Gia Định Thành Thông Chí. NXB Tổng Hợp Đồng Nai, 358 tr.
  • Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long. 2010. Kết quả nghiên cứu (https://clrri.org/).
  • Viện Nông Nghiệp Quốc Tế (International yearbook of Agricultural statistics), 1.927
  • TRẦN VĂN ĐAT, PH.D.Tác giả làm việc cho cơ quan FAO, Rome, từ 1982-2004 và đảm nhiệm Thư Ký Điều Hành Ủy Ban Lúa Gạo Quốc Tế (IRC) từ 1993 đến 2004.

Nguồn: https://viethocjournal.com/2019/12/cac-giong-lua-trong-o-vn-tu-thoi-nguyen-thuy-den-hien-dai/

Đới Hồng Hạnh

Admin trang web Trung tâm Tài nguyên thực vật phiên bản Wordpress

One thought on “Các giống lúa trồng ở Việt Nam từ thời nguyên thủy đến hiện đại

  • 21/12/2023 at 00:09
    Permalink

    Hay lắm ạ, tài liệu quý giá đáng để tham khảo và nghiên cứu ạ.

    Reply

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.