Kiến thức bản địa và Bảo tồn tài nguyên di truyền thực vật

           Đa dạng sinh học nông nghiệp (ĐDSHNN) nói chung và tài nguyên di truyền thực vật (TNDTTV) nói riêng có vai trò sống còn đối với sự phát triển kinh tế và xã hội của loài người. Bản thân nguồn gen thực vật và kiến thức bản địa (KTBĐ) liên quan là 2 mặt giá trị của tài nguyên di truyền thực vật. KTBĐ là nguồn tài nguyên phi vật thể quí giá và quan trọng của từng địa phương, từng quốc gia và toàn cầu. Theo O.D. Atteh, chuyên gia thế giới về KTBĐ: Kiến thức bản địa là chìa khóa cho sự phát triển ở cấp địa phương, hỗ trợ cho nghiên cứu khoa học bảo tồn ĐDSHNN và là cơ sở đánh giá tác động của quá trình phát triển.
Kiến thức bản địa – theo cách định nghĩa của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ  thế giới WIPO (World Intelectual Properirty Organization) là: tập quán, kinh nghiệm có từ lâu đời  của một vùng/cộng đồng nào đó. Nó cũng bao gồm các kiến thức, các bài dạy-học của các cộng đồng. Đa phần, kiến thức bản địa được lưu truyền qua “truyền khẩu” với dạng chuyện kể, bài hát, luật, lệ…Hiện nay trong các tài liệu quốc tế người ta hay dùng “ tri thức truyền thống” thay cho kiến thức bản địa. Tổ chức UNESCO đã định nghĩa: Tri thức truyền thống (Traditional knowledge) hay kiến thức địa phương bao gồm các kiến thức bản địa liên quan đến kiến thức, sáng kiến, kỹ năng và các hoạt động của người dân bản địa và các cộng đồng địa phương, những người đã phát triển, đã lưu truyền những kiến thức đó bên ngoài hệ thống giáo dục chính thức. Những kiến thức truyền thống gắn liền với nền văn hoá lâu đời và là đặc thù riêng của từng làng, từng xã, từng địa phương cụ thể. Đó là cơ sở để cộng đồng có những quyết định đảm bảo an toàn lương thực, đảm bảo sức khoẻ cho chính mình cũng như vật nuôi; để giáo dục và quản lý thiên nhiên..
Nhận thức được tầm quan trọng của KTBĐ trong quá trình phát triển, một mạng lưới quốc tế nghiên cứu và sử dụng KTBĐ đã được thành lập năm 1987 thông qua trung tâm nghiên cứu kiến thức bản địa phục vụ phát triển nông nghiệp (CIKARD) ở đại  học Iowa state, Hoa Kỳ. Ngân hàng thế giới (World bank) là một trong các tổ chức quốc tế đã tích cực ủng hộ các chương trình nghiên cứu KTBĐ nhằm tăng tính hiệu quả cho các dự án phát triển nông thôn. Hiện nay có trên 3000 chuyên gia tại 124 nước đang hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu KTBĐ (Hoàng Xuân Tý, 1998).
Thực tiễn cho thấy, bảo tồn, phát huy nền văn hoá làng bản, lối sống truyền thống cùng những kinh nghiệm, những kiến thức bản địa trong việc lưu giữ, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên di truyền thực vật đồng thời với việc chia sẻ bình đẳng các lợi ích có đ­ược từ việc sử dụng những kiến thức, những kinh nghiệm bản địa, truyền thống, chính là biện pháp hữu hiệu để bảo tồn TNDTTV. Vì vậy, nhiệm vụ thu thập, tư liệu hoá kiến thức bản địa, kinh nghiệm truyền thống trong bảo tồn ĐDSHNN  nói chung và TNDTTV nói riêng có ý nghĩa kinh tế, xã hội, khoa học và môi trường rất lớn lao. Tiến hành thu thập các kinh nghiệm truyền thống, các kiến thức thức bản địa đồng thời với việc sưu tầm mẫu vật, hồ sơ hoá, hệ thống hoá các vấn đề trên sẽ là luận cứ khoa học xác đáng cho xây dựng chính sách về tài nguyên di truyền
Quá trình phân tích các tài liệu hiện có cho thấy, các nhà khoa học đã tư liệu hoá khá thành công KTBĐ liên quan  đến TNDTTV.  Ở Việt Nam, những KTBĐ  đã được tư liệu hoá có thể phân vào các nhóm kiến thức như sau:
KTBĐ về trồng trọt như : Kiến thức truyền thống về nuôi trồng, quản lý mỗi loài cây đang sử dụng; Kỹ thuật gieo hạt và chăm sóc trong vườn ươm…;  Nông dân chọn đất trồng như thế nào? Sử dụng phương pháp nào để làm đất? tại sao?;  Mùa vụ trồng, kỹ thuật trồng, sử dụng loại phân bón gì? liều lượng?;  Chế độ chăm sóc, quản lý, phòng trừ sâu bệnh…;  Mùa vụ và kỹ thuật thu hái;  Truyền thống xen canh, gối vụ…
KTBĐ về Bảo quản sản phẩm :  Bịên pháp xử lý, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.
KTBĐ về chọn lọc, phát triển như : Các tiêu chí để chọn cây/con mẹ ( hình thái, chất lượng, khả năng thích ứng…).  Nam giới và nữ giới sử dụng những tiêu chí đánh giá nào để lựa chọn cây trồng và giống cây trồng; Kinh nghiệm và kỹ thuật tạo giống, phối giống…; Những cây trồng và giống cây trồng mới được thử nghiệm và lựa chọn thế nào?
KTBĐ về bảo quản, Lưu giữ giống như : Các kinh nghịêm lưu giữ hạt giống đảm bảo hạt giữ được sức nảy mầm trong thời gian dài, tỷ lệ nảy mầm cao; Thời vụ thu hái hạt giống, biện pháp xử lý, điều kịên bảo quản tối ưu; Người dân gặp phải vấn đề gì khi dùng các phương pháp xử lý và bảo quản hạt giống truyền thống?
KTBĐ về  nhân giống: Kiến thức và kinh nghiệm truyền thống về nhân giống các cây con đảm bảo thuần chủng, giữ được đặc tính di truyền bao gồm : kỹ thuật chiết cành, giâm cành (mùa vụ, loại cành, biện pháp xử lý, cách làm đất…); và Người dân xác định hạt giống tốt, hạt giống xấu như thế nào?
KTBĐ về  Chế biến và  khai sử dụng như  : Làm thức ăn, món ăn thế nào?;  Làm thuốc chữa bệnh. Các phương cách chế biến đối với từng cây/con ở từng cộng đồng, từng hộ như bằng cách đơn giản (phơi, luộc, xào, rán…) hay cầu kỳ (phải qua nhiều công đoạn khác nhau…). Phương thức khai thác thế nào hiệu quả nhất như: i) Khai thác nguồn gen phục vụ nhu cầu văn hoá: Đó là các tập tục văn hoá mà đối tượng cây trồng là “chủ” hoặc là “phục vụ” ví dụ, các lễ hội sử dụng cây cỏ như: Tập quán thờ mâm ngũ quả trong đó chuối, bưởi là bắt buộc; Lễ hội hoa tại Đà Lạt; Tục lệ cưới hỏi có trầu cau; Ngày tết nấu bánh chưng, làm các loại bánh sử dụng lá chuối, lá dong…ii) Khai thác, chế biến và sử dụng nguồn gen để bảo vệ sức khoẻ với các loại dược phẩm và thực phẩm “chức năng – functional food” như: Gừng, hành, tỏi… chữa cảm cúm, đau bụng…; Một số giống khoai môn đỏ chữa kiết lỵ; Các loại quả  ngâm rượu làm thuốc (Táo mèo, mơ, nho…); iii) Khai thác nguồn gen phục vụ nhu cầu sản xuất: Gỗ làm bánh xe lấy nước vào ống nước; Mây tre làm gầu tát nước vào ruộng; Rơm rạ làm ổ cho gà, lợn… đẻ…
Như vây, ở điều kiện nước ta hiện nay, đặc biệt là với các địa phư­ơng miền núi, vùng sâu, vùng xa thì việc điều tra thu thập và tư liệu hoá KTBĐ về khai thác, phát triển, nuôi trồng, sử dụng, bảo quản, chế biến trong bảo tồn ĐDSHNN (nhất là với các cây thuốc, các bài thuốc gia truyền, các cây con đặc sản …) là vấn đề rất quan trọng, rất cần thiết, mang tính thực tiễn, tính khoa học và tính cấp bách. Chúng ta  hơn lúc nào hết, phải bảo tồn và phát triển những KTBĐ giá trị, tư liệu hoá những tri thức đó để xác định việc  tái sử dụng như thế nào cho có hiệu quả. Những thông tin thu thập từ nông dân, kết hợp với công tác điều tra tại chỗ được phân tích đánh giá để định hướng chiến lược cho việc bảo tồn và sử dụng hiệu quả TNDTTV cho hôm nay và cho mai sau.

PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Huệ

Đới Hồng Hạnh

Admin trang web Trung tâm Tài nguyên thực vật phiên bản Wordpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.