Cùng với tài nguyên nước và tài nguyên đất, tài nguyên sinh vật trên trái đất có vai trò sống còn đối với sự phát triển kinh tế và xã hội của loài người. Đa dạng sinh học là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá đối với các thế hệ hiện nay và mai sau. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên này đang bị thách thức trước hiểm hoạ to lớn do các hệ sinh thái bị phá vỡ và tốc độ tuyệt chủng các loài động, thực vật ngày càng tăng. Sự tuyệt chủng các loài động thực vật trước đây là kết quả của quá trình tiến hoá tự nhiên, còn sự tuyệt chủng ngày nay lại chủ yếu là do hoạt động của con người gây ra với mức độ nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đa dạng sinh học và đặc biệt là đa dạng di truyền để xây dựng các chính sách, biện pháp bảo vệ nguồn tài nguyên này vì mục tiêu lương thực và nông nghiệp là vấn đề đang được cả thế giới quan tâm.
1. Khái niện đa dạng sinh học và đa dạng di truyền
Khái niệm “đa dạng sinh vật” hay “đa dạng sinh học” được sử dụng cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 của thế kỷ trước do Raymond F. Dasmann đưa ra và sau đó Thomas Lovejoy giới thiệu rộng rãi trong cộng đồng khoa học. Định nghĩa rõ ràng và đầy đủ nhất lần đầu tiên được Bruce Wilcox nêu lên trong báo cáo của Liên minh Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và Tài nguyên thiên nhiên (IUCN) tại Hội nghị Công viên quốc gia Thế giới năm 1982 tại Bali như sau “Đa dạng sinh học là sự đa dạng các dạng sống ở tất cả các mức độ của các hệ sinh vật (phân tử, cơ thể, quần thể, loài, hệ sinh thái)…”
Về sau, khái niệm đa dạng sinh học chính thức dùng trong Công ước Đa dạng Sinh học và được nhiều quốc gia phê chuẩn tại Hội nghị thượng đỉnh Trái đất Liên hợp quốc, năm 1992 ở Rio de Janero như sau “Đa dạng sinh học là sự khác nhau giữa các sinh vật sống ở tất cả mọi nơi, bao gồm các hệ sinh thái trên cạn, trong đại dương và các hệ sinh thái thủy vực khác, cũng như các phức hệ sinh thái mà các sinh vật là một thành phần; bao gồm đa dạng trong loài, giữa các loài và đa dạng hệ sinh thái”.
Ở nước ta, khái niệm đa đạng sinh học ngày nay đã được sử dụng rộng rãi và chính thức được giải thích trong Luật Đa dạng sinh học “Đa dạng sinh học là sự phong phú về gen, loài sinh vật và hệ sinh thái trong tự nhiên”
Đa dạng loài là số lượng và sự đa dạng của các loài được tìm thấy tại một khu vực nhất định của một vùng nào đó. Đa dạng loài là tất cả sự khác biệt trong một hay nhiều quần thể của một loài cũng như đối với quần thể của các loài khác nhau.
Đa dạng di truyền là biểu hiện sự đa dạng của các biến dị có thể di truyền trong một loài, một quần xã hoặc giữa các loài, các quần xã. Xét cho cùng, đa dạng di truyền chính là sự biến dị của sự tổ hợp trình tự của bốn cặp bazơ cơ bản, thành phần axít nucleic, tạo thành mã di truyền.
2. Tầm quan trọng của đa dạng di truyền
Đa dạng di truyền là cơ sở cho việc tuyển chọn lai tạo những giống, loài mới; đa dạng về loài thường là đối tượng khai thác phục vụ mục đích kinh tế; đa dạng về hệ sinh thái có chức năng bảo vệ môi trường sống; đồng thời các hệ sinh thái được duy trì và bảo vệ chính là nhờ sự tồn tại của các quần thể loài sống trong đó. Phần đa dạng sinh học do con người khai thác sử dụng gọi là đa dạng sinh học nông nghiệp.
Giá trị của đa dạng di truyền thể hiện ở ba mặt chính (FAO, 1996):
Giá trị ổn định (Portfolio Value): Đa dạng di truyền tạo ra sự ổn định cho các hệ thống nông nghiệp ở quy mô toàn cầu, Quốc gia và địa phương. Sự thiệt hại của một giống cây trồng cụ thể được bù đắp bằng năng suất của các giống hoặc cây trồng khác.
Giá trị lựa chọn (Option Value): Đa dạng di truyền tạo ra bảo hiểm sinh học cần thiết chống lại những thay đổi bất lợi của môi trường do việc tạo ra những tính trạng hữu ích như tính kháng sâu bệnh hay tính thích nghi. Giá trị của đa dạng di truyền được thể hiện thông qua việc sử dụng và khai thác các tính trạng quý, hiếm của tài nguyên di truyền thực vật như tính chống chịu, năng suất, chất lượng và khả năng thích nghi.
Năm 1946, giống lúa mỳ lùn Nhật Bản Norin 10 được nhập vào Mỹ và đã góp phần quan trọng trong cải tạo giống và tăng năng suất lúa mỳ. Các giống lúa trồng có nguồn gốc Đông Bắc ấn Độ được sử dụng là nguồn kháng sâu, bệnh cho các vùng khác nhau trên thế giới. Những tính trạng này đã góp phần tăng sản lượng lúa bình quân của Châu á lên 30% giữa những năm 1981 và 1986 (FAO, 1996).
Giá trị khai thác (Exploration Value): Đa dạng di truyền được xem là kho dự trữ tiềm năng các tài nguyên chưa biết đến. Đây cũng là lý do cần phải duy trì cả các hệ sinh thái hoang dã lẫn các hệ thống nông nghiệp truyền thống.
Ngoài ra, đa dạng di truyền còn có giá trị về thẩm mỹ (thưởng thức, giải trí) và giá trị về đạo đức. Có một số loài có cả giá trị sử dụng, thẩm mỹ và đạo đức; song về giá trị cũng không phải đều nhau giữa các mặt giá trị và giữa các loài (Nguyễn Hoàng Nghĩa, 1999).
Xem tài liệu tham khảo tại đây |