Mất mát đa dạng di truyền
Trong cuộc sống, sự tuyệt chủng luôn luôn đồng hành với sự bắt đầu và hình thành các sinh vật. Trong khoảng 600 triệu năm trở lại đây, tốc độ tuyệt chủng vào khoảng mỗi năm một loài. Đến nay, tốc độ tuyệt chủng cao gấp hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lần , nhưng sự tuyệt chủng trước đây là kết quả của quá trình tiến hoá tự nhiên, còn sự tuyệt chủng ngày nay lại chủ yếu là do hoạt động của con người (Nguyễn Hoàng Nghĩa, 1999).
Nhìn chung, rừng nhiệt đới (khu vực có đa dạng sinh học cao nhất) đang có nguy cơ suy giảm và bị phân cắt nghiêm trọng và đi cùng với nó là sự tuyệt chủng hàng loạt của vô số loài. Hiện nay, trên thế giới chỉ còn khoảng 5% diện tích rừng được bảo vệ trong các khu rừng cấm và ngay cả ở chính những khu rừng này, cũng thường xuyên bị đe doạ tàn phá. Chỉ có 4% diện tích rừng được bảo vệ ở châu Phi, 2% ở châu Mỹ La Tinh và 6% ở châu á. Nếu căn cứ vào nguyên lý tỷ lệ giữa diện tích và số loài thì số lượng loài chắc chắn sẽ bị giảm đi mất một nửa. Nhưng khi diện tích rừng đã mất đi 90%, số loài sẽ không phải còn lại 10% mà có khi còn bị mất tất cả vì cuộc sống của chúng có thể hoàn toàn dựa vào các khu rừng đã bị tàn phá. Ngoài ra, nếu các loài nào đó có còn tồn tại đi nữa thì biến dị di truyền, tài nguyên di truyền của loài đã bị giảm đi đáng kể (Grain, 1992). Theo Wilson (1992) nguyên nhân của sự tuyệt chủng gồm: · Phá huỷ môi trường sống đe doạ 73% số loài. · Nhập nội loài mới đe doạ 68% số loài. · Sự biến đổi môi trường do hoá chất đe doạ 38% số loài. · Việc lai với loài khác đe doạ 38% số loài. · Khai thác quá mức đe doạ 15% số loài. Quá trình mất đa dạng di truyền bao gồm: – Xói mòn di truyền (Genetic Erosion): Bao gồm việc mất những gen đơn lẻ hay toàn bộ các tổ hợp gen. Thuật ngữ “Xói mòn di truyền” nghĩa hẹp được hiểu là sự mất các gen hay các alen, nghĩa rộng là sự mất mát các giống cây trồng (FAO, 1996). Con người là nguyên nhân cơ bản của sự mất đa dạng di truyền vì trong quá trình đảm bảo cuộc sống, con người đã làm biến đổi môi trường theo hướng bất lợi. Việc khai thác rừng không hợp lý, phá rừng làm rãy, hoặc cho một mục đích khác là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến xói mòn tài nguyên cây rừng, cây thuốc quý hiếm và các cây hoang dại có họ hàng xa gần với cây trồng (FAO,1995). Tiếp đến là những tiến bộ trong nền nông nghiệp thâm canh tăng năng suất; sự đa dạng di truyền trong loài, được thể hiện ở vô số các giống cây trồng khác nhau từ bao đời nay đã và đang bị mai một đi một cách nghiêm trọng. Hàng loạt các giống cổ truyền đã thích nghi với điều kiện đất đai khí hậu của từng địa phương đã bị thay thế cho các giống mới có năng suất cao. Ở Trung Quốc, khoảng 10 000 giống lúa mỳ được sử dụng trong sản xuất năm 1949 và chỉ còn khoảng 1000 giống trong những năm 1970. ở Mỹ, trong số 7098 giống táo được sử dụng từ năm 1804 đến 1904 thì đã có 86% bị mất. Tương tự, 95% các giống bắp cải, 91% giống ngô, 94% giống đậu và 81 % giống khoai tây đã không còn tồn tại (Fowler, 1994). – Nguy cơ do thu hẹp di truyền (Genetic Vulnerability): Thảm hoạ này xảy ra khi một giống cây nào đó được trồng trên một diện tích lớn, do đó dễ dẫn đến bị nhiễm sâu bệnh và các thảm hoạ môi trường. Hai yếu tố có liên quan đến thu hẹp di truyền là: Diện tích đất dành cho việc gieo trồng của từng giống và mức đồng nhất của giống cây trồng đó. Năm 1982, diện tích gieo trồng giống lúa “IR 36” lên tới 11 triệu ha ở Châu á. Vào năm 1983 giống lúa mỳ “Sonalika” đã được trồng trên 67 % diện tích đất trồng lúa mỳ của Băngladesh . Năm 1990, giống lúa lai F1 chiếm trên 15 triệu ha đất ở Trung Quốc. Việc gieo trồng một loại cây trên diện tích lớn có thể dẫn đến thảm hoạ khi cây trồng đó bị nhiễm sâu bệnh. Các ví dụ điển hình như nạn đói do dịch bệnh khoai tây (Phytopthera infestan) ở Châu Âu và Bắc Mỹ từ năm 1845- 1848, dẫn tới các chết của 1,5 triệu người Aixơlen. ở Mỹ, năm 1970 bệnh cháy lá ngô đã phá huỷ toàn bộ vành đai ngô và làm mất khoảng 15 % sản lượng ngô của nước này. Từ năm 1970 đến 1980 bệnh gỉ sắt đã tàn phá 40 % diện tích mía và làm thiệt hại hơn một triệu tấn đường của Cuba (Fowler, 1994). – Huỷ diệt di truyền (Genetic Wipeout): Sự mất đa dạng di truyền còn do những nguyên nhân như chiến tranh, hoả hoạn, do những bất cẩn, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, đôi khi còn do đời sống của người dân quá khó khăn (FAO, 1996). Xem tài liệu tham khảo tại đây. |
|
TS. Trần Danh Sửu |