Xây dựng Chỉ dẫn địa lý: giải pháp hỗ trợ bảo tồn tại chỗ – on farm bền vững nguồn gen cây trồng nông nghiệp ở Việt Nam
1. Tại sao cần xây dựng Chỉ dẫn địa lý trong bảo tồn on farm Trong những hoạt đông có ý nghĩa quyết định đến sự bền vững của bảo tồn thông qua sử dụng nguồn gen cây trồng nông nghiệp tại cộng đồng (bảo tồn on farm), xây dựng Chỉ dẫn địa lý cho nguồn gen bảo tồn là một giải pháp hữu hiệu và cần thiết. Để bảo tồn bền vững các nguồn gen cây trồng bản địa, địa phương, cần hỗ trợ nông dân sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Ngày nay, người tiêu dùng đang có xu hướng tìm mua các mặt hàng nông sản có tính đa dạng về chủng loại, đặc biệt là các sản phẩm có chất lượng đặc thù gắn liền với tên một vùng sinh thái/ địa phương cụ thể đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ví dụ như Hồng không hạt Bắc Cạn, Cam Xã Đoài, Vải Thiều Thanh Hà, Bưởi Phúc Trạch, Bưởi Quế Dương…. Do đó giữa nông dân là người sản xuất và các đối tác thị trường như nhà chế biến, người phân phối, người tiêu dùng cần có một mối quan hệ thị trường nhằm quảng bá cho sản phẩm địa phương. Để kết nối được mạng lưới này, phải xây dựng tổ chức Hiệp Hội những người sản xuất và thương mại hóa có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường, tuân thủ mọi qui định chặt chẽ của ngành hàng và bảo vệ được quyền lợi của các thành viên trên cơ sở xây dựng uy tín chung cho sản phẩm. Để xây dựng và tổ chức các ngành hàng có chất lượng đặc thù, cho phép người sản xuất nâng cao giá trị gia tăng, đầu tiên ngành hàng phải giúp người tiêu dùng có khả năng nhận biết và đánh giá được chất lượng sản phẩm, sau đó chất lượng sản phẩm phải được bảo hộ để chống hàng giả. Để làm được điều này cần phải xây dựng Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm. Ví dụ, tại huyện Lý Nhân, tỉnh Nam Hà, từ khi xây dựng Chỉ dẫn địa lý Đại Hoàng cho chuối ngự trồng tại huyện, nguồn gen chuối này đã được duy trì ổn định về diện tích trồng, chất lượng sản phẩm được bảo đảm và dĩ nhiên hiệu quả kinh tế của người sản xuất đã tăng lên, cuối cùng là nguồn gen được quảng bá khắp nước với thương hiệu chuối ngự Đại Hoàng. Cho tới nay, ở Việt Nam đã có một số nguồn gen cây trồng được cấp bằng chỉ dẫn địa lý: chè Mộc Châu, cà phê Buôn Ma Thuột, hoa hồi Lạng Sơn, bưởi Đoan Hùng, thanh long Bình Thuận, vải thiều Thanh Hà, gạo tám Xoan Hải Hậu, cam Vinh, chè Tân Cương, vải thiều Lục Ngạn, gạo một bụi đỏ Hồng Dân, bưởi Luận Văn, bưởi Phúc Trạch, xoài cát Hòa Lộc, hồng không hạt Bắc Cạn… Như vậy, xây dựng Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) cho một nguồn gen cây trồng là giải pháp hỗ trợ bảo tồn các nguồn gen cây trồng bản địa, các giá trị truyền thống về nhân văn và thực hành sản xuất của cộng đồng, cần được thực hiện theo các đề tài liên quan đến bảo tồn tại chỗ – in situ/ on farm nguồn gen cây trồng nông nghiệp tại những vùng có nguồn gen đặc sản, có chất lượng đặc thù và đặc biệt ở những vùng được qui hoạch xây dựng điểm bảo tồn tại chỗ nguồn gen cây trồng bản địa. 2. Chỉ dẫn địa lý là gì? Trong sản xuất nông nghiệp truyền thống, phần lớn các sản phẩm do các hộ nông dân sản xuất không có đăng ký kinh doanh. Hơn nữa chất lượng nông sản có liên quan nhiều đến yếu tố sinh thái và giống địa phương. Trong quá trình thương mại hóa nông sản, cần có một số loại thương hiệu mang tính tập thể, có thể sử dụng chung trong cộng đồng người sản xuất và bảo hộ được tính đặc sản tránh lẫn với hàng nhái. Hệ thống sở hữu trí tuệ này được phát triển nhất ở châu Âu với các thương hiệu như Tên gọi xuất xứ (PDO), Chỉ dẫn địa lý (PGI), Đặc sản truyền thống được đảm bảo chất lượng (TSG). Trong đó, mục tiêu của Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ là nhằm tăng thêm giá trị cho những sản phẩm chất lượng cao, mang tính đặc trưng từ một vùng địa lý đã được phân định. Theo Luật Sở hữu trí tuệ (2005), Chỉ dẫn địa lý là thông tin về nguồn gốc của hàng hóa (từ ngữ; dấu hiệu; biểu tượng; hình ảnh) để chỉ một quốc gia, một vùng lãnh thổ, một địa phương mà hàng hóa được sản xuất ra từ đó. Chất lượng, uy tín, danh tiếng của hàng hóa là do nguồn gốc địa lý tạo nên. 3. Trình tự xây dựng và quản lý bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho nguồn gen có chất lượng đặc thù Việc xây dựng và quản lý quyền bảo hộ CDĐL cho nguồn gen cây trồng được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học &Công nghệ hướng dẫn thực hiện theo trình tự 4 bước sau: Bước 1. Xây dựng cơ sở khoa học, thực tiễn phục vụ việc xác lập và quản lý quyền đối với Chỉ dẫn địa lý. – Xác định và chứng minh được tính đặc thù của nguồn gen cả về danh tiếng và mô tả sản phẩm. Nêu được nét đặc trưng về văn hóa của người dân địa phương thể hiện qua nguồn gen – Thu thập các loại dữ liệu liên quan để xác định được vùng có nguồn gen, xây dựng bản đồ khoanh vùng nguồn gen/sản phẩm bảo hộ CDĐL; – Tìm hiểu và mô tả yếu tố con người, thực hành sản xuất.. để xây dựng qui trình kỹ thuật chung – Tìm hiểu các thông tin về thương mại sản phẩm nguồn gen Bước 2. Đăng ký và xác lập quyền đối với Chỉ dẫn địa lý Hoàn thiện bộ Hồ sơ đăng bạ Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm/ nguồn gen theo qui định của pháp luật bao gồm: Bản đồ khoanh vùng sản phẩm; Bảng mô tả chất lượng đặc thù của sản phẩm; Qui trình kỹ thuật chung và cơ chế kiểm tra chất lượng nội bộ để người sản xuất áp dụng chung; Bước 3. Xây dựng và vận hành hệ thống quản lý Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Bước 4. Nâng cao chất lượng và quảng bá sản phẩm có Chỉ dẫn địa lý Hai bước 3 và 4 trong qui định sẽ được triển khai sua khi sản phẩm/ nguồn gen được cấp văn bằng bảo hộ CDĐL. Văn bằng được cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh- nơi có nguồn gen/ sản phẩm được mang CDĐL. 4. Hỗ trợ cộng đồng nông dân xây dựng hồ sơ xin bảo hộ CDĐL từ phía các nhà khoa học Để hoạt động xây dựng Chỉ dẫn địa lý cho một sản phẩm hay nguồn gen cây trồng thành công, rất cần sự tư vấn của các nhà khoa học nhằm nâng cao năng lực tổ chức và quản lý về đa dạng sinh học cho cộng đồng địa phương theo các vấn đề sau: – Xác định và phân vùng sản phẩm/ nguồn gen dự định xây dựng Chỉ dẫn địa lý – Nghiên cứu tính đặc thù của sản phẩm/ nguồn gen, khả năng tham gia thị trường và tính cạnh tranh của sản phẩm – Xây dựng qui trình kỹ thuật chung và cơ chế kiểm tra chất lượng nội bộ để người sản xuất áp dụng chung – Nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương cũng như người dân trong việc bảo tồn đa dạng sinh học nông nghiệp chung – Xây dựng thể chế cho Hiệp hội sản xuất và thương mại hóa cho sản phẩm chính và năng lực nhân rộng kiểu thể chế ấy trong địa phương – Tăng cường năng lực về khả năng đa dạng hóa sản phẩm cho Hiệp Hội để khắc phục hạn chế về mùa vụ và tăng tính chuyên nghiệp trong hoạt động quản lý khai thác phát triển đa dạng sinh học, đảm bảo sự bền vững của thể chế – Tổng kết kinh nghiệm và phát triển theo từng nhóm sản phẩm như cây ăn quả, cây ngắn ngày…của các Hiệp hội – Thúc đẩy những nghiên cứu liên quan đến thể chế quản lý và duy trì Chỉ dẫn địa lý cho các nguồn gen được bảo tồn tại cộng đồng Tài liệu tham khảo 2. Vũ Trọng Bình và CS (2007), Những giải pháp để đăng ký cho các đặc sản ở Việt Nam. NXB Nông nghiệp, Hà Nội. 2. IPGRI, 2000. A training guide for in situ conservation on farm. IPGRI, Rome, Italia |
|
PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Huệ |