Vườn ươm cộng đồng trong bảo tồn tại chỗ-on farm nguồn gen cây ăn quả
1. Tại sao cần có vườn ươm cộng đồng trong bảo tồn tại chỗ on farm Thời gian qua, một số dự án liên quan đến bảo tồn tại chỗ (in situ) nguồn gen thực vật đã được thực hiện ở miền bắc Việt Nam với sự tài trợ kỹ thuật của Viện Tài nguyên di truyền thực vật quốc tế (IPGRI) nay là Tổ chức sinh học quốc tế (BIOVERSITY) và kinh phí của nhiều tổ chức nước ngoài. Kết quả của các dự án đã khẳng định, bảo tồn và quản lý sự đa dạng nguồn gen cây ăn quả tại cộng đồng, bao gồm cả chọn tạo giống cùng tham gia, kỹ thuật canh tác, phát triển thị trường cùng với các sáng kiến của nông dân và tập huấn dựa vào cộng đồng, hỗ trợ rất đắc lực cho phát triển nông nghiệp bền vững. Chính những hoạt động bảo tồn các loài cây ăn quả địa phương tại cộng đồng đã góp phần nâng cao nhận thức và năng lực của các đối tượng tham gia và thụ hưởng dự án về công tác phục hồi, bảo tồn nguồn gen các loài cây ăn quả, phần nào nâng cao thu nhập cho cộng đồng. Trong những hoạt đông có ý nghĩa quyết định đến bảo tồn thông qua sử dụng nguồn gen cây ăn quả tại cộng đồng, vườn ươm cộng đồng là một công cụ quan trọng và cần thiết. Ví dụ, tại xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, từ 2 vườn ươm cây bưởi Đường Hương Sơn từ năm 2009 đến nay, hàng năm cung cấp trong tỉnh khoảng 10.000 cây ghép bưởi đường trên gốc ghép bưởi chua của địa phương, góp phần đáng kể việc khôi phục phát triển Bưởi đường Hương Sơn, nâng cao thu nhập cho người dân. Tại xã Cát Quế, Hoài Đức Hà Nội, vườn ươm cộng đồng hàng năm cũng cung cấp trong huyện hàng trăm cây bưởi Quế Dương ghép, góp phần bảo tồn và phát triển giống bưởi Quế Dương hang hóa vùng ven sông Đáy. Tại xã Chiềng Pằn, Yên Châu Sơn La, những năm 2004-2006, vườn ươm cộng đồng đã cung cấp cho người dân trong vùng hơn 10.000 cây giống của các giống xoài đặc sản địa phương tuyển chọn như xòai hôi, xoài tròn, góp phần đáng kể khôi phục và phát triển vùng xoài truyền thống Yên Châu đã già cỗi, thoái hóa. 2. Vườn ươm cộng đồng là gì ? Vườn ươm cộng đồng là nơi các nông hộ sản xuất và phân phối giống cây của các nguồn gen cây ăn quả phổ biến và cây ăn quả đặc sản của địa phương bên ngoài các công ty giống/ viện/ trường của nhà nước. Vườn ươm cộng đồng là nơi để thực hành, trình diễn kỹ năng sản xuất cây giống các loài cây ăn quả, góp phần nâng cao năng lực của hộ làm vườn, tạo ra các cách nâng cao thu nhập cải thiện sinh kế. Vườn ươm cộng đồng đáp ứng nhu cầu tại chỗ về vật liệu giống. Hoạt động của vườn ươm cộng đồng sẽ góp phần tăng cường công tác quản lý chất lượng giống cây ăn quả và kết nối giữa hệ thống giống chính thống và hệ thống giống nông hộ. 3. Phương pháp xây dựng vườn ươm cộng đồng Trình tự xây dựng vườn ươm cộng đồng có thể tóm tắt như sau: – Khi đã lựa chọn được vùng triển khai đề tài/ dự án bảo tồn in situ, đội ngũ làm công tác bảo tồn tổ chức họp cộng đồng tham gia thông báo mục tiêu của các hoạt động của dự án. – Xác định các loài cây mục tiêu. Tùy đối tượng là loài cây ăn quả gì, tuyển chọn đội ngũ chuyên gia cây ăn quả có trình độ và nhất là kinh nghiệm và kỹ năng làm việc với cộng đồng, nông hộ. – Lựa chọn các thành viên của cộng đồng tham gia dự án: Xây dựng tiêu chuẩn tham gia; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương; Lựa chọn các thành viên đủ điều kiện cho sự thành công: nhiệt tình làm vườn, ham tiếp thu – Tổ chức họp nhóm nông hộ tham gia để cùng lựa chọn nông hộ phụ trách chính vườn ươm – Tính toán chi tiết kinh phí Đề tài/ dự án có thể hỗ trợ được cho việc xây dựng vườn ươm sản xuất giống. Từ đó lên kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho vườn ươm + Lựa chọn mặt bằng đáp ứng yêu cầu: cao, thoát nước, thoáng, có nguồn nước tưới sạch. + Quy mô và kỹ thuật thiết kế vườn ươm, trang thiết bị cho vườn ươm + Chuẩn bị nguyên vật liệu: hạt để gieo ra gốc ghép, bầu, giá thể… + Trang thiết bị cho vườn ươm gồm: Nhà lưới chống côn trùng bao toàn bộ vườn ươm; bình bơm thuốc sâu; cuốc, xẻng… trong nhà lưới trồng sẵn cây mẹ cung cấp mắt ghép + Chuẩn bị chọn cây cung cấp mắt ghép trên cơ sở tuyển chọn cây đầu dòng/ cây giống gốc ở địa phương. – Để đảm bảo chất lượng cây giống, cần thực hiện nội dung khảo sát, đánh giá lại các cây đầu dòng đã được tuyển chọn; tuyển chọn bổ sung cây mới đúng giống; có năng suất chất lượng cao, không bị sâu bệnh hại để làm vật liệu cung cấp mắt ghép cho nhân giống; Đưa một số cành chiết từ cây mẹ được tuyển chọn về trồng tại vườn ươm để cung cấp mắt ghép lâu dài cho vườn ươm. – Lập kế hoạch triển khai chi tiết và kế hoạch phải được thông qua và tham khảo ý kiến cộng đồng. Trong quá trình thực hiện, nếu xảy ra biến cố khách quan như do thời tiết, sâu bệnh… ảnh hưởng đến vườn ươm, cần phải bàn bạc để lựa chọn ra phương án thích hợp nhất. – Bằng nhiều hình thức để cộng đồng đề xuất được các biện pháp cần thực hiện, phát huy tối đa kiến thức bản địa của người dân để các giải pháp họ đề xuất phù hợp với giải pháp kỹ thuật do chuyên gia xây dựng. – Quản lý tài chính theo đúng qui định của nhà nước. Nên có sự công khai quản lý tài chính đối với cộng đồng. – Lưu ý trong quá trình triển khai các hoạt động của vườn ươm, luôn có mối quan hệ chặt chẽ giữa nhóm phụ trách điểm bảo tồn, các chuyên gia và các nông hộ tham gia trực tiếp. Luôn có mối quan hệ chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương để có sự đồng thuận và ủng hộ. 4. Duy trì hoạt động của vườn ươm cộng đồng Cây giống xuất vườn phải đạt tiêu chuẩn: đúng giống, sạch bệnh, sinh trưởng tốt. Tổ chức phân phối cây giống vào vụ trồng, sau khi đã đi kiểm tra việc thiết kế vườn, đào hố, bón lót phân đầy đủ. Tổ chức phân phối cho các hộ theo đúng số lượng cây đã được qui định phù hợp với diện tích vườn. Kinh nghiệm phải bán cây giống cho nông hộ trồng theo giá ưu đãi chứ không cho/ biếu. Tổ chức tập huấn định kỳ về kỹ thuật chăm sóc vườn ươm, kỹ thuật nhân, trồng cây ăn quả, phòng trừ sâu bệnh cho vườn… Tăng cường hoạt động truyền thông quảng bá cho các nguồn gen cây ăn quả địa phương đặc sản để không chỉ người dân trong vùng thực hiện bảo tồn mà còn người dân nơi khác biết đến mua cây giống. Tài liệu tham khảo 1.Báo cáo tổng kết các dự án : Bảo tồn và phát triển bưởi đường Hương Sơn tại Hà Tĩnh; Bảo tồn phát triển nguồn gen bưởi tại Hoài Đức Hà Nội ; Dự án Bảo tồn tại cộng đồng nguồn gen xoài Yên Châu, Sơn La. 2. IPGRI, 2000. A training guide for in situ conservation On farm. IPGRI, Rome, Italia |
|
PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Huệ |