Cảm xúc Trường Sa
Thật vinh dự và tự hào tôi được là một trong những thành viên Đoàn công tác số 3 của Quân chủng Hải quân đi thăm quân và dân huyện Đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 vào những ngày đầu tháng 4 lịch sử.
Sau 5 ngày cách ly tại Cam Ranh (Khánh Hòa), con tàu mang số hiệu HQ 571 rẽ sóng, vượt Đại Dương đưa Đoàn công tác số 3 hướng tới Trường Sa thân yêu – mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Lần đầu tiên có cơ hội được đến với quần đảo Trường Sa, một trải nghiệm đầy ý nghĩa mà không dễ gì có được. Tâm trạng chờ đợi, mong mỏi để được đến với các hòn đảo, nơi đầu sóng ngọn gió mang lại cho tôi thật nhiều cảm xúc.
Đặc biệt và đầy xúc động là lễ tưởng niệm 34 năm ngày 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam hy sinh tại Gạc Ma ngay trên con tàu HQ 571 vào buổi trưa ngày 14/3/2022. Đúng vào ngày này tròn 34 năm về trước, ngày 14/3/1988, đã diễn ra cuộc chiến đấu vô cùng anh dũng và quyết liệt của cán bộ, chiến sỹ Hải quân Việt Nam trên đảo Gạc Ma, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong không khí thiêng liêng, đầy xúc động, với lòng thành kính, chúng tôi đã kính cẩn nghiêng mình trước hương hồn các anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam. Các lễ vật, hương hoa được thả xuống biển như một hành động tri ân trước hương hồn các anh linh liệt sĩ đã hy sinh vì biển đảo quê hương. Đại diện đoàn công tác số 3 đồng chí Chuẩn đô đốc Hoàng Hồng Hà, Phó Tư lệnh Hải Quân đã tuyên thệ trước hương hồn các anh linh liệt sĩ, nguyện mãi tiếp bước cha anh, luôn xứng đáng với niềm tin và lý tưởng của thế hệ đi trước.
Trong suốt hành trình với hơn 1.000 hải lý từ đất liền ra Trường Sa và Nhà giàn DK1, trên con tài HQ 571 và khi lên thăm đảo. Các giai điệu về Trường Sa luôn được ngân vang, như: “Gần lắm Trường Sa” của nhạc sĩ Huỳnh Phước Long, “Nơi đảo xa” của nhạc sĩ Thế Song, “Bâng khuâng Trường Sa” được nhạc sĩ Lê Đức Hùng phổ nhạc từ bài thơ Thao thức Trường Sa của Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ, “Tổ quốc gọi tên mình” của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn phổ nhạc từ bài thơ “Tổ quốc gọi tên mình” của tác giả Nguyễn Phan Quế Mai cùng nhiều ca khúc về tình yêu quê hương đất nước, về Đảng, về Bác Hồ luôn ngân vang.
Khi được đặt chân tới nơi đây, chúng tôi mới thấy giá trị vô bờ bến của từng đảo chìm, đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa. Biển cả thật bao la, rộng lớn và thân thương đến nhường nào. Biển đã trở thành một phần máu thịt của người dân Việt Nam, là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời, không thể chia cắt.
Đến với Trường Sa, có những điều thật diệu kỳ, nơi đảo xa là thế, khó khăn là thế, vẫn có tiếng trẻ thơ hò reo nơi sân trường, tiếng học bài của thầy trò hòa cùng tiếng sóng. Những ngôi chùa cổ kính. Những vườn rau xanh tốt được các chiến sĩ trồng giữa nơi chỉ có nắng, gió và nước biển mặn chát.
Đoàn công tác của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng đã góp một phần nhỏ bé và gửi gắm tình cảm của đất liền tới quân và dân huyện đảo Trường Sa qua những gói hạt giống rau như hạt rau muống, hạt mồng rơi, hạt rau dền, hạt rau cải… Hy vọng các cán bộ chiến sĩ nơi đây có thêm rau xanh mang hơi ấm của đất liền ra đảo.
Điểm đến cuối cùng trong chuyến hành trình chính là nhà giàn DK1. Tuy nhiên do thời tiết xấu, sóng cao từ 2 – 2,5m, dễ gây ra khả năng va đập giữa xuồng cao tốc với trần nhà giàn, nên tàu 571 chỉ có thể neo từ xa.
Chứng kiến cuộc sống, quá trình công tác, rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu của quân và dân huyện đảo Trường Sa, cán bộ, chiến sĩ Hải quân trong điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Nhưng vượt lên tất cả, các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vẫn đoàn kết, hoàn thành mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Hành trình Trường Sa – Hành trình của trái tim. Những kỷ niệm với quân và dân trên huyện đảo Trường Sa sẽ là những khoảnh khắc, những cảm xúc không bao giờ quên. Mong rằng nơi đây luôn được bình yên.
Phó chủ tịch Công đoàn
Lê Thị Loan
(Nguồn ảnh: Lê Thị Loan. Hình 3 đã được sự đồng ý của NSND Tạ Minh Tâm)