Kết quả nghiên cứu bảo tồn nguồn gen hồng Yên Thôn (Diospyros Kaki Linn) tại huyện Thạch Thất, Hà Nội
Cây hồng (Diospyros Kaki Linn) là một loại cây ăn quả lâu năm có nguồn gốc Á nhiệt đới đã được trồng lâu đời ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Quả hồng có giá trị dinh dưỡng cao được sử dụng rộng rãi trong ăn tươi và trong chế biến.
Ngoài vùng Đà Lạt và một số địa phương lân cận thuộc tỉnh Lâm Đồng, nơi có độ cao trên dưới 1000 m so với mực nước biển, cây hồng ở nước ta chủ yếu được trồng ở miền Bắc, từ Hà Tĩnh trở ra với khá nhiều giống bản địa nổi tiếng như hồng Nhân Hậu (Hà Nam), hồng Hạc Trì (Phú Thọ), hồng không hạt Bảo Lâm (Lạng Sơn), hồng vuông Thạch Hà (Hà Tĩnh)…Trong số các giống hồng truyền thống, giống hồng Yên Thôn có nguồn gốc tại xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội được coi là một trong những giống hồng quý đặc sản không những của Hà Nội mà còn nổi tiếng trong cả nước.
Cây Hồng Yên Thôn
Do quá trình đô thị hóa, đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, những biến động của tình hình kinh tế, xã hội và sự chuyển đổi của các phương thức canh tác trong nông nghiệp, giống hồng Yên thôn vốn đã được lưu giữ và chọn lọc lâu đời đã không được chú ý gìn giữ và phát triển, gây ra sự suy giảm nhất định về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, việc xuất hiện của nhiều loại hoa quả khác mà nhu cầu tiêu thụ của giống hồng Yên Thôn đang có xu hướng giảm sút theo thời gian và nguồn gen bản địa này rất dễ bị xói mòn nếu không có giải pháp duy trì phù hợp.
Việc bảo tồn cây hồng cũng như nhiều loại cây ăn quả khác có hai hướng chủ đạo là bảo tồn là In-situ (bảo tồn nội vi) và bảo tồn Ex-situ (Bảo tồn ngoại vi), mỗi phương pháp tiếp cận đều có những ưu nhược điểm nhất định. Trong thời gian qua rất nhiều loại nguồn gen thu thập, duy trì với sự hỗ trợ của kho cất trữ, kéo dài sự sống của các hạt. Sự bảo tồn này đến một mức nào đó sẽ làm mất đi tính đa dạng di truyền (Frankel và Hawkess, 1975). Bảo tồn bằng cất trữ duy trì độ ổn định di truyền nhưng vấn đề gặp phải là sức sống khác nhau của các loài trong quá trình cất trữ, trong lúc đó, bảo tồn In situ lại chịu ảnh hưởng của việc các thế hệ chọn lọc có thể tiếp nhận phấn bên ngoài với các dòng khác và làm biến dạng nguồn di truyền (Allard, 1970). Bảo tồn vật liệu cây trên đồng ruộng: là một hình thức bảo tồn ngoại vi đối với nhiều loài cây trồng quan trọng như cây ăn quả, hoa, cây cảnh, cây lâm nghiệp…, những loài thực vật rất khó hoặc không thể bảo tồn bằng hạt, phục vụ trực tiếp cho nghiên cứu cũng như cho sử dụng. Nhận thức được điều này, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu bảo tồn nguồn gen hồng Yên Thôn từ đó xây dựng được những giải pháp, định hướng bảo tồn nhằm khắc phục nguy cơ xói mòn, tiến tới phát triển rộng một trong những nguồn gen quý trên địa bàn thủ đô Hà Nội và những vùng có sinh thái tương tự.
Kết quả điều tra phỏng vấn 188 hộ nông dân tại các xã thuộc 3 huyện của thành phố Hà Nội là huyện Thạch Thất, huyện Quốc Oai, huyện Ba Vì và huyện Đà Bắc tỉnh Hòa Bình cho thấy:
– Hiện trạng sản xuất giống hồng quý Yên Thôn trên địa bàn huyện Thạch Thất cũng như vùng phụ cận đã và đang lâm vào tình trạng xói mòn nguồn gen một cách trầm trọng.
– Diện tích trồng hồng Yên Thôn không chỉ ở các vùng phụ cận của Thạch Thất trước đây giảm mạnh mà ngay cả ở chính nơi nguyên sản của nó cũng đang bị xói mòn ở mức báo động hiện chỉ còn lại 77 cây.
– Người dân chưa mặn mà với việc sản xuât giống hồng Yên Thôn và chưa được trang bị đầy đủ các kiến thức liên quan đến việc trồng, chăm sóc và bảo quản sản phẩm của chúng.
– Giống hồng Yên Thôn do thời gian dài không được bồi dục, phục tráng nên năng suất và chất lượng cũng bị giảm sút đáng kể.
Do đó, cần có các chính sách hỗ trợ phù hợp cho việc vận động người dân nhận thức được vai trò quan trọng của nguồn gen hồng Yên Thôn để từ đó người dân sẽ tự có ý thức tham gia vào công cuộc bảo tồn nguồn gen này. Đồng thời, cần tăng cường công tác bảo tồn, bồi dục, phục tráng giống hồng này nhằm mở rộng diện tích trồng; song song với quá trình này cần tập huấn bổ sung kiến thức trồng, chăm sóc cây ăn quả nói chung cho người dân trong địa bàn để phát huy được cao nhất giá trị thực tế vốn có của cây hồng Yên Thôn.
Một số hình ảnh của giống Hồng Yên Thôn
Nguyễn Thị Tuyết, Nguyễn Thị Xuyến & cs