Kết quả bảo tồn qũy gen cây có củ tại Ngân hàng gen cây trồng Quốc gia

    Ở các nước nhiệt đới, cây có củ là nhóm cây trồng quan trọng thứ hai sau cây ngũ cốc. Chúng được sản xuất với chi phí đầu vào thấp và thường được tiêu thụ bởi những người nghèo. Tuy nhiên cây có củ có vai trò đóng góp đáng kể cho an ninh lương thực cũng như được sử dụng làm thức ăn cho vật nuôi hoặc làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất công nghiệp. Cây có củ thuộc nhiều họ thực vật khác nhau nhưng nó có chung ý nghĩa là phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học cũng như cuộc sống. Mặc dù cây có củ là các nhóm cây trồng khác nhau nhưng chúng đều là nhóm cây sinh sản vô tính và củ đều được sản sinh ngầm dưới lòng đất.

Việt Nam có nguồn gen cây có củ rất phong phú, đa dạng cả về thành phần loài và giống. Cây có củ được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như làm lương thực, thực phẩm, làm thức ăn gia súc, làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, làm thuốc và làm gia vị… Gần đây sản phẩm cây có củ còn được xuất khẩu, bao gồm các sản phẩm của khoai lang, khoai mộn sọ, khoai tây, khoai mỡ, gừng và nghệ càng cho thấy việc trồng và sử dụng cây có củ vẫn còn rất cần thiết cho hiện tại và lâu dài khi môi trường đang có sự biến đổi theo chiều hướng bất lợi cho các loài cây lấy hạt.

Nghiên cứu bảo tồn, mô tả đánh giá để phục vụ việc khai thác sử dụng nguồn gen cây có củ đã và đang được tiến hành một cách hệ thống tại Trung tâm Tài nguyên thực vật. Việc lưu giữ an toàn quĩ gen cây trồng nói chung và quĩ gen cây có củ nói riêng đã thu thập được; tiến hành mô tả đánh giá và giới thiệu nguồn gen phục vụ sản xuất sẽ có ý nghĩa vô cùng to lớn.

Năm 2012, tại Ngân hàng gen cây trồng quốc gia đã lưu giữ bảo quản 2.192 nguồn gen của 19 tập đoàn cây sinh sản vô tính. Lưu giữ kép 334 nguồn gen khoai môn sọ và khoai từ vạc tại Hòa Bình và Lạng Sơn. Mô tả và đánh giá 81 nguồn gen của tập đoàn nghệ. Các kết quả đã đạt được như sau:

* Kết quả lưu giữ bảo quản các nguồn gen cây sinh sản vô tính

Trong số19 tập đoàn quĩ gen cây có củ có hai tập đoàn chủ lực đóng vai trò quan trọng và có số lượng mẫu giống lớn là tập đoàn khoai lang và tập đoàn khoai môn sọ. Tập đoàn khoai lang có 556 mẫu giống, chiếm 25,36% tập đoàn quĩ gen cây có củ; tập đoàn khoai môn sọ có  478 mẫu giống, chiếm 21,80% tập đoàn cây có củ được đưa vào lưu giữ và bảo quản. Trong quá trình bảo quản tập đoàn khoai lang chậu vại, chúng tôi nhận thấy hiện tượng dây giống của các giống lân cận nhau đã được kiểm soát, tránh hiện tượng lẫn giống.

Các tập đoàn thuộc nhóm gừng-nghệ-riềng gồm 462 mẫu giống, chiếm tỷ lệ 21,07% tập đoàn quĩ gen cây có củ đang được lưu giữ bảo quản. Các tập đoàn trong nhóm cây này đều là cây thuộc bộ Gừng (Zingiberales): tập đoàn gừng có 218 mẫu giống, nghệ 81 mẫu giống, riềng và riềng gió 35 mẫu giống, dong riềng 113 mẫu giống, dong trắng 15 mẫu giống. Nhóm gừng-nghệ-riềng được sử dụng rộng rãi như là cây gia vị hoặc dùng làm thuốc.

Tập đoàn Khoai nước, khoai mùng, dọc mùng, ráy, khoai nưa gồm 268 mẫu giống, chiếm 12,22%. Trong số các tập đoàn thuộc nhóm này thì khoai nước có giá trị sử dụng củ và dọc lá làm thức ăn chăn nuôi với sinh khối lớn. Các sản phẩm như phần dọc lá của cây dọc mùng và dải bò của cây khoai nước có thể được sử dụng làm thức ăn cho người có tính giải nhiệt tốt.

Tập đoàn Khoai vạc, khoai từ, từ vạc dại, sắn dây: gồm 212 mẫu giống, chiếm 9,67% quĩ gen cây có củ. Sản phẩm củ của nhóm cây này được sử dụng làm thức ăn cho người, dùng chăn nuôi, làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến hoặc dùng làm thuốc….

Tập đoàn Sắn: bao gồm 179 nguồn gen, chiếm tỷ lệ 8,16% tập đoàn quĩ gen cây có củ. Phần lớn các mẫu giống trong tập đoàn sắn được thu thập từ các vùng khác nhau trong cả nước, tuy nhiên cũng có một số ít nguồn gen được nhập nội (16/179 mẫu giống). Các mẫu giống trong tập đoàn sắn rất đa dạng về các đặc điểm hình thái từ màu sắc lá non (xanh nhạt, xanh đậm, tím, xanh tím), hình dạng thùy lá (hình mác, hình mác ngược, lá bưởi, que….)… đến màu sắc ruột củ (vàng, trắng kem…) với các mức độ biểu hiện rất đa dạng.

Ngoài các tập đoàn chính đã nêu trên, 37 mẫu giống của tập đoàn cây thuốc và gia vị cũng được đưa vào lưu giữ và bảo quản trong chậu vại. Các mẫu giống của tập đoàn này rất đa dạng về thành phần loài nhưng chủ yếu là cây gia vị (hành, tỏi, củ kiệu…) và cây thuốc (địa liền, nha đam, sâm đại hành…).

* Kết quả lưu giữ kép tập đoàn Khoai môn sọ và Khoai từ vạc

Ngoài lưu giữ các tập đoàn quỹ gen cây có củ tại Ngân hàng gen cây trồng quốc gia, An Khánh – Hoài Đức – Hà Nội, chúng tôi cũng đã tiến hành lưu giữ kép một số nguồn gen khoai môn sọ và khoai từ vạc tại các điểm sinh thái khác nhau. Tại Đà Bắc – Hòa Bình đã có 195 nguồn gen khoai môn sọ được lưu giữ và bảo quản an toàn. Kết quả đánh giá sơ bộ cho thấy các mẫu giống này đều sinh trưởng phát triển tốt, cho số lượng và chất lượng củ giống đủ tiêu chuẩn. Tại Hữu Lũng – Lạng Sơn đã có 139 nguồn gen khoai từ vạc cũng đã được đưa vào lưu giữ kép. Kết quả quan sát đánh giá cũng cho thấy các mẫu giống của tập đoàn khoai từ vạc được trồng tại Lạng Sơn có khả năng sinh trưởng tốt hơn các mẫu giống đó nhưng được trồng tại An Khánh.

* Mô tả, đánh giá tập đoàn nghệ

Kết quả mô tả và đánh giá các đặc điểm hình thái nông sinh học của 81 mẫu giống nghệ cho thấy tập đoàn nghệ rất đa dạng. Nhìn chung các mẫu giống nghệ hiện đang bảo tồn có sự biến động lớn về các đặc điểm hình thái từ màu sắc phiến lá, màu sắc thân cho đến màu sắc vỏ củ và màu sắc ruột củ và cả kích cỡ củ. Từ tập đoàn 81 mẫu giống nghệ bước đầu chúng tôi đã tuyển chọn được 24 nguồn gen nghệ triển vọng (5 giống nghệ đen và 19 giống nghệ vàng) phục vụ việc khai thác và sử dụng nguồn gen.

Nguyễn Phùng Hà, Hoàng Thị Nga & Cs

Đới Hồng Hạnh

Admin trang web Trung tâm Tài nguyên thực vật phiên bản Wordpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.