Đánh giá đặc điểm nông sinh học một số giống đậu tương đen nhập nội

Đậu tương (Glycine max (L.) Merrill) là một loại cây họ đậu có giá trị quan trọng, vừa cho hiệu quả kinh tế cao vừa có tác dụng cải tạo đất. Về cơ bản dạng hình các giống đậu tương đang được gieo trồng hiện nay tương tự nhau, tuy nhiên sự khác biệt rõ rệt nhất là màu sắc hạt, với hai loại chính là màu vàng và màu đen. Thành phần hóa học của các giống đậu tương đen cũng bao gồm các loại axit amin cơ bản (Isoloxin, loxin, metionin, phenilanin), axit không thay thế (lysine, tryptophan), chứa11 – 21% lipit, 10-15 % gluxit, các vitamin (A, B1, B2, B12, D, E), nhựa, sáp, các muối khoáng (Ca, Fe, Mg, P, K, Na, S)…, giống như với đậu tương vàng. Ngoài ra, trong thành phần vỏ hạt đậu tương đen còn chứa chất lixinthin có tác dụng làm cơ thể trẻ lâu, tăng trí nhớ, tái sinh các mô, làm cứng xương và tăng sức đề kháng của cơ thể. Chính vì vậy mà đậu tương đen được coi là nguồn thực phẩm cung cấp dinh dưỡng hoàn chỉnh cho con người.

Ở Việt Nam, các giống đậu tương đen được trồng tại một số dân tộc tiểu số miền núi phía Bắc, đặc biệt là tỉnh Quảng Ninh. Một vài năm gần đây do nhận thức được giá trị dinh dưỡng của giống đậu tương đen nên đậu tương đen dần được trồng và biết đến nhiều hơn. Nhưng do người dân chưa quen với tập quán canh tác, bộ giống còn thiếu và năng suất thấp. Để góp phần có được bộ giống đậu tương đen đa dạng, thích hợp với điều kiện sinh thái của một số vùng trồng chính ở nước ta, công tác đánh giá, tuyển chọn các dòng, giống đậu tương đen nhập nội là rất cần thiết và là một hướng nghiên cứu mới có tầm chiến lược cho ngành nông nghiệp nước ta hiện nay.

Chúng tôi tiến hành các thí nghiệm gồm 15 giống đậu tương đen nhập nội từ Hàn Quốc (12Đa05, 12Đa34, 12 Đa67, 12Đa88, 12Đa93, 12 Đa100, 12Đa104, 12Đa123, 12Đa128, 12Đa140, 12Đ141, Đa142, 12Đa151, 12Đa156, 12 Đa168). Giống đối chứng là ĐTVN có nguồn gốc tại Quảng Ninh.

Các chỉ tiêu theo dõi bao gồm: Đặc điểm nông sinh học: Các tính trạng liên quan đến sinh trưởng, phát triển, khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất thuận, các yếu tố cấu thành năng suất và năng suất.

Kết quả nghiên cứu cho thấy: Trong điều kiện thí nghiệm tại An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội, các giống đậu tương đen trồng vụ hè 2012 và xuân 2013 đều có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt. Qua đánh giá và chọn lọc bước đầu đã xác định được 6 giống có tiềm năng năng suất cao hơn giống đối chứng là 12Đa67, 12Đa88, 12Đa93, 12Đa140, 12Đa141 và 12Đa142. Trong nhóm này các giống có thời gian sinh trưởng thuộc nhóm ngắn ngày (85 – 109 ngày), các yếu tố cấu thành năng suất ổn định và năng suất cá thể đạt cao từ 9,2- 16,2g/cây, tính chống đổ và tính tách quả tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh trên đồng ruộng khá.

Hoàng Thị Lan Hương & cs

Đới Hồng Hạnh

Admin trang web Trung tâm Tài nguyên thực vật phiên bản Wordpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.