Nguồn gen rau bản địa Móng bò xanh

  Tên gọi: Rau Móng bò xanh là ngọn, lá non của cây Móng bò xanh, tên khoa học là Bauhinia viridescensDesv. thuộc chi móng bò (Bauhinia), phân họ Vang (Caesalpiniaceae) của họ đậu (Fabaceae).  Rau Móng bò xanh còn được gọi là rau Bướm vàng hay rau Bướm trắng.

    Nguồn gốc và phân bố: Theo Dữ liệu khoa học Hoa Kỳ (USDA, 2010), loài Bauhinia viridescens Desv thuộc phân họ Vang (Caesalpiniaceae), họ đậu ( Fabaceae)  có nguồn gốc ở Đông Nam Á, gồm Mianma, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam và các đảo Timor, Wetar. Theo Nguyễn Nghĩa Thìn (1997), Móng bò xanh thuộc họ Vang Caesalpiniaceae, là loài hoang dại có nguồn gốc và phân bố khá rộng trong rừng thưa ở Việt Nam từ bắc vào nam.

      Giá trị sử dụng: Kết quả kiểm nghiệm các chỉ tiêu hóa lý của lá rau Móng bò xanh tại Viện Dinh Dưỡng, Bộ Y Tế năm 2011 cho thấy, rau Bướm vàng là một trong những loại rau rừng có hàm lượng dinh dưỡng cao, gồm các chất: Vitamin B1, B2, vitamin C, Protein, Lipid, Glucid, Sắt, Canxi, và các axit amin không thay thế như Lysine, Isoleucine… Nếu so với rau muống – loại rau phổ biến được ăn nhiều nhất ở Việt Nam, ngoại trừ β-caroten và một số vitamin, những chất khác ở lá rau bướm trắng đều cao hơn. Ngọn và lá non có hàm lượng protein cao, được sử dụng như  loại rau xanh đặc sản. Quả non cũng có thể ăn ở dạng nấu chín. Lá, quả non có thể chế biến theo nhiều cách: luộc, nấu canh, hoặc xào. Lá non có thể ăn sống với một số loại bánh rán như bánh xèo, bánh khoái; dùng làm lá cuốn với thịt lợn luộc hoặc cá nướng. Cây Móng bò xanh có công dụng làm thuốc chữa đái vàng, là cây thuốc mát trị sốt, chữa đau người. Phụ nữ sinh đẻ uống tốt. Tại Ba Vì, Cộng đồng người Dao sử dụng lá Bướm trắng như loại rau làm thuốc. Loại rau này hiện nay đã được Công ty cổ phần thực phẩm Sannam phát triển thành rau hàng hóa với tên gọi thương mại là rau Bướm vàng.

      Đặc điểm sinh học: Cây Móng bò xanh là loại cây thân gỗ cỡ nhỏ, cao đến 4m, có vỏ thân màu nâu sáng, phân cành khá mạnh. Loài cây này có cành mảnh, nhẵn, phiến lá hình dạng giống móng chân của con bò và hoa vàng xanh nên còn có tên gọi là Móng bò hoa xanh. Lá thuộc dạng lá đơn có cuống dài 3-5cm, mọc so le. Phiến lá có kích thước dài 6-15cm, rộng 8-15cm, đáy hình tim rộng, đầu phiến lá phân ra hai thùy sâu tạo thành khía hình chữ V chiếm khoảng 1/2 chiều dài lá. Chùm hoa mọc từ nách lá và đỉnh cành 5-15cm dài. Hoa nhỏ 5 cánh màu phớt xanh xanh, cánh đài 1,2cm. Hoa đực có 10 nhị, hoa cái có bầu nhụy phủ lông với ống nhụy ngắn. Quả nang, nhẵn màu nâu đen dài 5-10cm, rộng 0,7-1cm có 6-10 hạt bẹt màu nâu đậm có bề rộng khoảng 0,3-0,4cm ở bên trong. Cây ra hoa kết quả hàng năm tại Ba Vì từ tháng 9-12, rụng lá mùa đông và có khả năng bật chồi mạnh nếu được ngắt ngọn liên tục. Cây chịu hạn khá, năng suất ngọn lá từ 1,5-2,2 kg /cây/năm.

      Yêu cầu sinh thái: Cây Móng bò xanh có khả năng sống từ vùng nhiệt đới ẩm cho đến vùng nhiệt đới khô, có biên độ sử dụng nước lớn từ 1000 – 1800mm/năm, khi trưởng thành cây chịu khô hạn khá, chịu được những nơi đất cằn cổi. Cây Móng bò xanh sinh trưởng phát triển bình thường ở độ cao < 600 m, đôi khi phân bố ở độ độ cao 1000m. Nhiệt độ tối thích cho cây phát triển là 23-250C. Cây Móng bò xanh trồng được trên nhiều loại đất nhưng tốt nhất trên đất giàu mùn thoát nước, hoặc đất phù sa, pH thích hợp nhất là 6-6,5 trong điều kiện kiềm, hoặc axit nhẹ.

PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Huệ

Đới Hồng Hạnh

Admin trang web Trung tâm Tài nguyên thực vật phiên bản Wordpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.