Bảo tồn và sử dụng tài nguyên di truyền thực vật của Việt Nam trong hợp tác khu vực và Quốc tế

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

    Nguồn tài nguyên di truyền thực vật (TNDTTV) Quốc gia đóng vai trò rất quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa, hiện đại hóa. Do đặc điểm sinh thái vùng, miền mà mỗi nước có những khác biệt về sự phong phú, đa dạng nguồn tài nguyên này. Trong xu thế hội nhập quốc tế, sự hợp tác chia sẻ thông tin kinh nghiệm và trao đổi nguồn gen sẽ góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng nguồn gen bản địa cũng như nhập nội hoặc lai tạo được nhiều các giống mới, đưa vào cơ cấu cây trồng, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp của mỗi nước. Đặc biệt đối với các nước châu Á, thiên nhiên ban tặng cho khu vực này nguồn TNDTTV khá phong phú. Để làm tốt việc bảo tồn và sử dụng có hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên này thì vấn đề hợp tác khu vực và quốc tế là thực sự cần thiết, góp phần thực hiện mục tiêu an ninh lương thực mà Hội thảo kỹ thuật quốc tế về tài nguyên di truyền thực vật lần thứ IV đã đề ra, nhằm phấn đấu giảm lượng dân số đói nghèo xuống còn một nửa vào năm 2015.

II. KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG TOÀN CẦU VỀ BẢO TỒN VÀ SỬ DỤNG BỀN VỮNG TÀI NGUYÊN DI TRUYỀN THỰC VẬT VÌ MỤC TIÊU NÔNG LƯƠNG (GPA-PGRFA)

    Tại Hội thảo kỹ thuật quốc tế về tài nguyên di truyền thực vật, lần thứ IV, được tổ chức tại Leipzig vào tháng 6 năm 1996, có 150 nước tham gia, trong đó có 37 nước đến từ châu Á-Thái Bình Dương và Việt Nam là một thành viên của nhóm này. Đại diện của các nước tại hội nghị đều nhận thức được tính chất “không biên giới” về phân bố thực vật và sự phức tạp của việc bảo tồn tài nguyên di truyền thực vật nên đã thống nhất “Kế hoạch hành động toàn cầu (GPA) để bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên di truyền thực vật vì mục tiêu nông lương (GPA-PGRFA)”. Điều mong muốn của kế hoạch là hướng tới xây dựng một hệ thống hữu hiệu về bảo tồn và sử dụng tài nguyên di truyền thực vật làm cơ sở vững chắc cho việc giải quyết vấn đề an ninh lương thực toàn cầu. Để đạt được những điều này, hội nghị cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy mạnh hợp tác, điều phối, lập kế hoạch, tăng cường năng lực cho những nơi cần thiết, và chia sẻ lợi ích có được từ việc sử dụng tài nguyên di truyền thực vật giữa các quốc gia một cách công bằng.

    Hội nghị cũng thống nhất việc thiết lập một khung chương trình cho Kế hoạch hành động toàn cầu, trong đó Tổ chức Nông – Lương thế giới (FAO) đóng vai trò chính phối hợp với Chính phủ mỗi nước thành viên có trách nhiệm tổ chức thực hiện đảm bảo các nguyên tắc chung. Đồng thời cũng nhấn mạnh phải đẩy mạnh và giám sát về hiệu quả của quá trình thực thi kế hoạch đối với sự phối hợp toàn cầu cũng như triển khai thực hiện tại mỗi quốc gia.

    Để triển khai GPA-PGRFA, FAO đã đưa ra định hướng thiết lập một mạng lưới thông tin thống nhất của các bên liên quan gọi là “Cơ chế chia sẻ thông tin quốc gia nhằm giám sát việc thực thi kế hoạch hành động toàn cầu về bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên di truyền thực vật phục vụ mục tiêu lương nông” (NISM-GPAFA). Nội dung của nó là cung cấp thông tin quốc gia về tăng cường năng lực và sự sắp xếp các lĩnh vực hành động ưu tiên cho bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên di truyền thực vật ở các cấp độ quốc gia, khu vực và thế giới. Cơ sở dữ liệu NISM-GPAFA của từng quốc gia được đưa lên website, mọi thành viên và những ai quan tâm có thể truy cập trên internet. Cơ sở dữ liệu NISM-GPAFA từ các nước rất có ích cho từng quốc gia riêng lẻ cũng như các tổ chức quan tâm đến vấn đề này. Các thành viên có thể chia sẻ thông tin và các tổ chức quan tâm có thể tiếp cận thông tin dễ dàng. Hoạt động theo hướng này, FAO với sự hậu thuẫn của các nhà tài trợ đã hỗ trợ 50 quốc gia trên thế giới thành lập NISM-GPAFA.

    Trong hai năm 2007-2008, FAO đánh giá nhóm nước châu Á tham gia thiết lập “Cơ chế chia sẻ thông tin quốc gia để giám sát việc thực thi kế hoạch hành động toàn cầu về bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên di truyền thực vật phục vụ mục tiêu lương nông” (NISM-GPAFA) còn nhiều hạn chế, đặc biệt một số nước thành viên còn chưa có NISM-GPAFA. Do vậy, để nâng cao chất lượng thông tin và đẩy mạnh việc chia sẻ nguồn thông tin này, FAO đã thiết lập Dự án “Tăng cường năng lực và hợp tác khu vực để đẩy mạnh bảo tồn và sử dụng bền vững TNDTTV ở châu Á”. Nhóm nước tham gia gồm: Ấn Độ, Băng la đét, Campuchia, Lào, Malaisia, Pakistan, Philippin, Srilanca, Thái lan và Việt Nam. Mục tiêu của Dự án nhằm nâng cấp cơ sở dữ liệu song ngữ Anh-Tiếng bản địa của các nước đã có NISM-GPAFA và thiết lập mới cho các nước chưa có như Campuchia và Lào…

    Mọi nỗ lực của FAO và cộng đồng các nước thành viên cũng là nhằm phấn đấu để đạt được kết quả mong đợi với một mạng lưới hệ thống dữ liệu rộng khắp thế giới nói chung và khu vực nói riêng để chia sẻ thông tin, tăng cường liên kết, hợp tác giữa các nước và các bên tham gia trong nội bộ từng quốc gia bằng nỗ lực chung để bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên di truyền thực vật cho phát triển nông nghiệp bền vững trong vùng và toàn cầu.

III. MỘT SỐ KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU CỦA VIỆT NAM TRONG VIỆC TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG TOÀN CẦU VỀ BẢO TỒN VÀ KHAI THÁC SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN DI TRUYỀN THỰC VẬT

    Thực hiện “Kế hoạch hành động toàn cầu (GPA) để bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên di truyền thực vật vì mục tiêu nông lương (GPA-PGRFA)”. Trong khuôn khổ hợp tác cấp Chính phủ, ngày 30 tháng 8 năm 2002, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng, đại diện cho phía Việt Nam đã ký với FAO về thỏa thuận “Thực hiện GPA-PGRFA ở khu vực châu Á–Thái Bình Dương”.

    Ngày 11 tháng 5 năm 2004, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam là đơn vị chịu trách nhiệm trước Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các hoạt động liên quan đến tài nguyên di truyền thực vật quốc gia đã ký với văn phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của FAO về thỏa thuận thiết lập “Cơ chế chia sẻ thông tin quốc gia đối với việc thực hiện và giám sát kế hoạch hành động toàn cầu để bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên di truyền thực vật, phục vụ mục tiêu lương nông ở Việt Nam (NISM-GPFA.VN) thông qua một Dự án để triển khai.

    Hoạt động chính của Dự án này là thiết lập một cơ sở dữ liệu song ngữ Việt – Anh để chia sẻ thông tin với các thành viên trong mạng lưới về các vấn đề tài nguyên di truyền thực vật bằng trang website của Việt Nam trên mạng Internet. Sau hai năm thực hiện, năm 2006 dự án kết thúc. Kết quả là đã thiết lập được một cơ sở dữ liệu về việc thực hiện GPAFA tại Việt Nam để tham gia với các nước thành viên. Thông qua những dữ liệu của các thành viên trong mạng lưới giúp cho việc đánh giá được những mặt tích cực và hạn chế đối với công tác bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên di truyền thực vật của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đồng thời cơ sở dữ liệu được thiết lập thông qua dự án cũng cho thấy được những nét khái quát về nguồn tài nguyên di truyền thực vật của Việt nam. Trang web về cơ sở dữ liệu của Việt Nam có địa chỉ https://www.pgrfa.org/gpa/vn.

    Tiếp tục thực hiện nội dung trên, năm 2009, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam Vũ Mạnh Hải ký với FAO thỏa thuận thực hiện dự án “Tăng cường năng lực và hợp tác khu vực để đẩy mạnh bảo tồn và sử dụng bền vững TNDTTV ở châu Á”, hợp phần Việt Nam. Bộ môn Dữ liệu thông tin tài nguyên thực vật thuộc Trung tâm Tài nguyên thực vật là đơn vị được giao thực hiện hợp phần này.

    Dự án được sự hỗ trợ về kỹ thuật và một phần kinh phí từ FAO, đã cập nhật và nâng cấp một bước cơ sở dữ liệu song ngữ Việt-Anh trên NISM-GPFA VN. Đặc biệt đang chủ trương tiến tới việc bảo tồn thông qua khai thác sử dụng nên đã kết nạp thêm các hội viên có chức năng triển khai tham gia vào mạng lưới, gồm 26 đơn vị, cá nhân (Sở nông nghiệp, phòng nông nghiệp, nông dân giỏi…). Ở giai đoạn này cơ sở dữ liệu được cập nhật bổ sung là: Danh sách nguồn gen đang bảo tồn, vùng sinh thái nơi chúng sinh trưởng phát triển, mức độ sử dụng…Các Đề tài, Dự án về bảo tồn và khai thác nguồn gen di truyền thực vật trong giai đoạn 2006-2010. Ý kiến của các hội viên trong mạng lưới về cơ hội và thách thức đối với quá trình thực hiện bảo tồn và khai thác nguồn gen di truyền thực vật cũ và mới…

    Song song với triển khai về chuyên môn, dự án còn tiến hành một số hoạt động phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn và khai thác nguồn tài nguyên di truyền thực vật như: Tổ chức Hội thảo “Hướng tới năm quốc tế về đa dạng sinh học”. Biên tập xuất bản sách “Giới thiệu nguồn gen địa phương” bằng song ngữ Việt-Anh. Xây dựng nội dung tuyên truyền trên kênh phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuât VTV2 về “Hoạt động bảo tồn tài nguyên di truyền thực vật ở Việt Nam”…

IV. KẾT LUẬN

    Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay thì việc chia sẻ thông tin để đẩy mạnh hợp tác khu vực trên cơ sở tôn trọng chủ quyền quốc gia và các bên đều có lợi là thực sự cần thiết, đặc biệt đối với lĩnh vực bảo tồn khai thác và sử dụng tài nguyên di truyền thực vật, phục vụ mục tiêu an ninh lương thực quốc gia, khu vực và thế giới. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực nhưng chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận về cơ sở dữ liệu tài nguyên di truyền thực vật, có thể hòa nhập với cộng đồng thế giới để chia sẻ thông tin kinh nghiệm. Thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin với cộng đồng quốc tế giúp cho chúng ta nhìn nhận vấn đề và đánh gia tiềm năng của đất nước một cách khách quan, làm cơ sở cho việc xây dựng định hướng chiến lược và kế hoạch hành động sát với thực tiễn, góp phần bảo tồn khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên này hiệu quả và bền vững.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. The conservation and sustainable utilization of Plant genetic resources for food and agriculture, The Global Plan of Action, The state of the World report, New Delhi, 28/7/1997.

2. Training of trainers on The National Information Sharing Mechanism Global Plan of Action (NISM-GPA)

KSC. Nguyễn Tiến Hưng & cs

Đới Hồng Hạnh

Admin trang web Trung tâm Tài nguyên thực vật phiên bản Wordpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.