Kinh nghiệm khai thác sử dụng nguồn gen cây trồng của cộng đồng các dân tộc khu vực lòng hồ thuỷ điện Sơn La và các vùng phụ cận

     Các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai và Yên Bái là các địa phương nằm trong khu vực xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La, thuộc Tây Bắc Việt Nam, nơi có sự đa dạng tài nguyên cây trồng rất cao, cũng là nơi sinh sống của rất nhiều dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Mỗi dân tộc thường cư trú trong một môi trường sinh thái nhất định, như các dân tộc Thái, Lào, Lự… thường sống ở vùng núi thấp, còn dân tộc H’Mông, Dao, Hà Nhì,… thường sống ở vùng núi cao. Do vậy, mỗi dân tộc có những giống cây trồng để phù hợp với điều kiện tự nhiên và phong tục tập quán, tín ngưỡng của dân tộc đó, tạo nên kho tri thức về sử dụng các nguồn gen cây trồng rất đa dạng và phong phú.
Theo nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước đã khẳng định, giá trị của nguồn gen cây trồng địa phương gồm hai phần: phần vật thể và phần phi vật thể; phần vật thể chính là bản thân giá trị của nguồn gen và phần phi vật thể là những kiến thức bản địa về khai thác và sử dụng nguồn gen đó. Như vậy, để bảo tồn hiệu quả quỹ gen cây trồng phải đồng thời bảo tồn hai phần giá trị của nó. Do đó, việc điều tra, thu thập và tư liệu hoá các kinh nghiệm truyền thống, các kiến thức bản địa liên quan đến nguồn gen cây trồng là vấn đề rất quan trọng, mang tính thực tiễn và cấp bách. Trong 3 năm từ 2007 đến 2009, song song với việc tiến hành điều tra thu thập nguồn gen cây trồng tại khu vực thủy điện Sơn La và các vùng phụ cận, những kiến thức bản địa liên quan đến việc khai thác sử dụng các nguồn gen này cũng được thu thập và bước đầu tư liệu hoá, nhằm góp phần bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc, cũng như bảo tồn đa dạng quỹ gen cây trồng.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng tri thức bản địa về sử dụng nguồn gen cây trồng của cộng đồng các dân tộc Thái, H’Mông và Dao tại vùng nghiên cứu rất phong phú và mang tính đặc trưng cho mỗi dân tộc. Sự đa dạng trong khai thác sử dụng có quan hệ tương hỗ với sự đa dạng nguồn gen, ví dụ như ẩm thực của người Thái gắn liền với gạo nếp nên từ cộng đồng này đã thu được 227 nguồn gen lúa nếp các loại. Cộng đồng các dân tộc này cũng đang sở hữu nhiều phương thuốc dân gian đơn giản được chế biến từ nhiều loại cây trồng tại địa phương. Tuy nhiên, hiện nay do nhiều nguyên nhân,cùng với các nguồn gen cây trồng, các tri thức về khai thác và sử dụng những nguồn gen này đang dần mất đi. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu về các kinh nghiệm canh tác, sử dụng tài nguyên cây trồng địa phương.

Xem báo cáo chi tiết tại đây

Nguyễn Đức Chinh, Vũ Linh Chi, Nguyễn Thị Ngọc Huệ

Đới Hồng Hạnh

Admin trang web Trung tâm Tài nguyên thực vật phiên bản Wordpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.