Tiềm năng chịu mặn và khả năng cải thiện hóa học đất phù sa nhiễm mặn của cải xanh (brassica juncea l.)
Thí nghiệm nhà lưới được tiến hành nhằm đánh giá tiềm năng chịu mặn của cải xanh (Brassica juncea L.) cho mục đích cải thiện hóa học đất phù sa nhiễm mặn. Nghiên cứu gồm 2 thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên (CRD): (i) thí nghiệm thủy canh gồm 4 nghiệm thức bổ sung muối (0; 25; 50; 100 mM NaCl) với 4 lặp lại; (ii) thí nghiệm trong chậu đất gồm 3 nghiệm thức ngập mặn nhân tạo bằng nước “ót” pha loãng (0‰, 3‰, 6‰) với 3 lặp lại. Kết quả cho thấy “stress” mặn (100 mM NaCl và bổ sung muối 6‰) không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển, tích lũy dưỡng chất (N, P2O5), năng suất và sinh khối của cải xanh ở cả hai thí nghiệm. Sự tích lũy Na+ và/hoặc Cl–, proline trong thân lá cải xanh gia tăng với sự gia tăng nồng độ muối, đặc biệt ở nghiệm thức 100 mM NaCl và ngập mặn 6‰. Kết quả cũng cho thấy cải xanh có khả năng làm giảm các đặc tính mặn của đất như ECe, Na+ trao đổi, tỷ số Na+/Ca2+, tăng Ca2+ trao đổi, làm giảm phần trăm Na+ trao đổi (ESP) và tỷ số hấp thu Na+ (SAR) của đất. Vì vậy, cải xanh có thể trồng được trên vùng đất phù sa nhiễm mặn và là lựa chọn tốt cho mục đích rửa mặn đất bằng thực vật ở các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Từ khóa: Cây cải xanh, tiềm năng chịu mặn, đất nhiễm mặn, ảnh hưởng, Đồng bằng sông Cửu Long
Xem chi tiết : tại đây