Bảo tồn và sử dụng rau bản địa tại Việt Nam: thực trạng, thách thức và khuyến nghị
Việt Nam có tài nguyên rau bản địa và tri thức khai thác sử dụng rất phong phú và đa dạng. Rau bản địa giàu dinh dưỡng có giá trị kinh tế, văn hóa và chăm sóc sức khỏe cho mọi người. Rau bản địa dễ trồng, chống chịu sâu bệnh tốt và thích nghi cao với điều kiện sinh thái khắc nghiệt, là tài sản quốc gia cần được ưu tiên bảo tồn và sử dụng hợp lý vì mục tiêu phát triển nông nghiệp và nông thôn.
Tại Trung tâm Tài nguyên thực vật, An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội, các mẫu giống rau truyền thống, địa phương và thông tin liên quan luôn sẵn có để phục vụ miễn phí cho các mục đích nghiên cứu khoa học và học tập. Tổ chức/ cá nhân có nhu cầu có thể đến trực tiếp hoặc gửi yêu cầu bằng thư điện tử. Hàng năm khoảng gần 300 mẫu giống rau được cấp phát cho các mục đích sử dụng khác nhau như giới thiệu trực tiếp cho sản xuất các nguồn gen rau địa phương tiềm năng có tính thích ứng rộng tại vùng trồng phù hợp; cung cấp cho các đơn vị nghiên cứu chuyên ngành trong nước để thiết lập tập đoàn công tác, tạo vật liệu cho chọn tạo giống; vật liệu cho nghiên cứu công nghệ sinh học, làm đề tài luận văn, luận án… Giai đoạn 2005-2010, một số giống rau truyền thống từ Ngân hàng gen đã được đánh giá, bình tuyển và giới thiệu lại cho vùng sản xuất nguyên sản như bí đá Trái dài Nghệ An, bí xanh Chữ Thập Bình Định, mướp đắng Xanh, dưa trời Hòa Bình, cải mào gà Hoài Đức, cải nương Hòa Bình và Lạng Sơn, khoai lang ăn ngọn KLR1, KLR3, KLR5. Nhiều giống rau truyền thống của đồng bằng Sông Hồng như cà tím Mê Linh, ớt chỉ thiên Quỳnh Phụ, bầu sao Gia Lâm, mướp hương Ứng Hòa, bí xanh Sặt, bí đỏ Hoa Lư, đậu cô ve Hải Phòng, cải mào gà Vĩnh Tường, dưa chuột Phú Thịnh, cải cúc Gia Lâm, cải bẹ Đông Dư, cải củ Thái Bình; rau của miền núi phía bắc như cải mèo, dưa chuột Sa Pa, cải ngồng, cải xanh lùn… và rau của miền Đông Nam Bộ như mướp bản địa, bầu hồ lô và khổ qua bản địa đã được Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phục tráng và phát triển tại các vùng nguyên sản như các loại rau đặc sản. Xem báo cáo chi tiết tại đây |
|
Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Lã Tuấn Nghĩa, Hoàng Đình Phi |